Bệnh viện Đà Nẵng được gỡ bỏ phong tỏa: Nâng cấp độ an toàn cao nhất

.

Sau 1 tháng thực hiện lệnh phong tỏa, từ 16 giờ ngày 25-8, Bệnh viện Đà Nẵng chính thức được gỡ bỏ cách ly y tế sau khi các chỉ số an toàn trong phòng, chống Covid-19 đã cải thiện rõ rệt. Để hoạt động trở lại, đặc biệt là tiếp nhận khám, chữa bệnh và thực hiện các kỹ thuật y tế chuyên sâu, Bệnh viện Đà Nẵng đã khẩn trương làm sạch toàn diện.

Đúng 16 giờ ngày 25-8, Bệnh viện Đà Nẵng chính thức được gỡ bỏ cách ly y tế sau 1 tháng thực hiện lệnh phong tỏa.  Trong ảnh: Niềm vui của các y, bác sĩ và nhân viên khi bệnh viện được mở cửa hoạt động trở lại. Ảnh: LÊ HOÀNG NAM
Đúng 16 giờ ngày 25-8, Bệnh viện Đà Nẵng chính thức được gỡ bỏ cách ly y tế sau 1 tháng thực hiện lệnh phong tỏa. Trong ảnh: Niềm vui của các y, bác sĩ và nhân viên khi bệnh viện được mở cửa hoạt động trở lại. Ảnh: LÊ HOÀNG NAM

Sau 1 tháng thực hiện lệnh phong tỏa, từ 16 giờ ngày 25-8, Bệnh viện Đà Nẵng chính thức được gỡ bỏ cách ly y tế sau khi các chỉ số an toàn trong phòng, chống Covid-19 đã cải thiện rõ rệt. Để hoạt động trở lại, đặc biệt là tiếp nhận khám, chữa bệnh và thực hiện các kỹ thuật y tế chuyên sâu, Bệnh viện Đà Nẵng đã khẩn trương làm sạch toàn diện. Phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng xung quanh vấn đề này.  

* Bác sĩ có thể cho biết việc làm sạch bệnh viện trong một tháng qua được thực hiện như thế nào?

- Việc làm sạch bệnh viện được thực hiện ở 4 tiêu chí. Đó là làm sạch, bảo đảm không còn bệnh nhân Covid-19; nhân viên y tế không còn nhiễm Covid-19; các trang thiết bị, phòng hộ, vật tư y tế dùng cho bệnh nhân phải an toàn và cuối cùng là môi trường không khí sạch khuẩn. Cả 4 tiêu chí phải thực hiện đồng loạt.

Đối với làm sạch bệnh nhân cũng như nhân viên y tế, ngay từ những ngày đầu, bệnh viện đã phân luồng xét nghiệm dày đặc để phân loại, cô lập những bệnh nhân nghi ngờ hoặc dương tính với SARS-CoV-2, nhanh chóng cách ly, điều trị. Bệnh viện cũng đã tiến hành một loạt các biện pháp cách ly khoa với khoa, phòng với phòng, bệnh nhân với bệnh nhân và nhân viên y tế cũng tự cách ly nhau. Thời điểm phong tỏa, Bệnh viện Đà Nẵng có khoảng 4.000 người bên trong, gồm bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế. Chúng tôi tiến hành sàng lọc nhanh, chuyển các bệnh nhân xét nghiệm âm tính tiếp tục cách ly tại các cơ sở y tế khác. Số lượng bệnh nhân lớn, có bệnh nền nặng nên việc kết hợp điều trị và vận chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế khác là vấn đề hết sức vất vả, nguy cơ lây nhiễm và nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng bệnh nhân rất cao. Đối với người nhà chăm bệnh, chúng tôi đã chuyển đến cách ly tại các cơ sở tập trung, sau khi thực hiện xét nghiệm, sàng lọc.

Hiện có khoảng 350 nhân viên y tế làm việc bên trong bệnh viện trong thời gian cách ly. Khi mở cửa hoạt động trở lại, Bệnh viện Đà Nẵng dự kiến huy động 700/2.000 nhân viên y tế. Ảnh: PHAN CHUNG, Đồ họa: MAI ANH
Hiện có khoảng 350 nhân viên y tế làm việc bên trong bệnh viện trong thời gian cách ly. Khi mở cửa hoạt động trở lại, Bệnh viện Đà Nẵng dự kiến huy động 700/2.000 nhân viên y tế. Ảnh: PHAN CHUNG. Đồ họa: MAI ANH

Đối với nhân viên y tế là vấn đề rất khó. Thời điểm phong tỏa, chúng tôi có khoảng 2.000 nhân viên. Các nhân viên vừa phải cách ly, vừa đảm nhận nhiệm vụ điều trị cho các bệnh nhân, vừa thực hiện chi viện cho cơ sở y tế đang điều trị bệnh nhân Covid-19. Chúng tôi liên tục sàng lọc, cách ly và xem mỗi nhân viên y tế đều là một trường hợp có nguy cơ lây nhiễm. Những nhân viên có nguy cơ cao nhanh chóng được xét nghiệm, cách ly. Số nhân viên ở lại thực hiện nhiệm vụ được trang bị bảo hộ tuyệt đối nên phần nào cũng giảm được sự lây nhiễm trong bệnh viện ở những ngày sau đó.

Về môi trường bệnh viện, bên cạnh việc khử khuẩn không khí, chúng tôi đã lên kế hoạch để trống bệnh nhân. Từ việc này, bệnh viện đã tổ chức tẩy trùng, khử độc tổng thể từng khoa, phòng, từng khu nhà, bộ phận. Chúng tôi tiêu hủy tất cả những vật dụng không cần thiết hoặc có giá trị sử dụng nhỏ. Bên cạnh xử lý những trang thiết bị y tế, bệnh viện đã tiến hành xử lý bề mặt theo đúng quy trình cho tất cả các trang thiết bị hiện có trong bệnh viện. Đối với môi trường không khí, bệnh viện đã xây dựng đề án cải tạo môi trường không khí tại các tòa nhà dưới sự hỗ trợ, tư vấn của Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh.

* Sau khi gỡ bỏ lệnh phong tỏa, bệnh viện sẽ hoạt động như thế nào?

- Sau khi gỡ bỏ lệnh phong tỏa, chúng tôi thực hiện theo mục tiêu nâng cấp độ an toàn cho bệnh viện lên mức cao nhất có thể. Để làm được điều đó, bệnh viện cần thay đổi mô hình cấp khám, chữa bệnh thông thường như trước đây. Theo đó, chúng tôi sẽ thay đổi quy trình hoạt động theo 4 giai đoạn. Cụ thể, ở giai đoạn 1, chính là 3 ngày đầu sau khi gỡ bỏ phong tỏa, bệnh viện sẽ tổ chức tập huấn quy trình chăm sóc toàn diện cho người bệnh, phân bố lại nhân lực. Trước đây, chúng ta hoạt động theo mô hình có người nhà chăm sóc người bệnh nên khi chuyển sang việc chăm sóc toàn diện, đòi hỏi nhân viên y tế phải được tập huấn thành thạo.

Mô hình này sẽ rất áp lực, vất vả cho nhân viên y tế nhưng đổi lại, mức độ an toàn cũng nâng lên. Giai đoạn 2, bệnh viện tiếp nhận những ca cấp cứu nặng từ các tuyến khác chuyển đến hoặc những bệnh có can thiệp phẫu thuật mà các cơ sở y tế khác không làm được. Những trường hợp này đều phải được liên hệ với bệnh viện, trao đổi các hồ sơ bệnh án trực tuyến và có sự thống nhất từ các cơ sở y tế theo kế hoạch lộ trình, bảo đảm không có trường hợp nào nhiễm Covid-19 tại bệnh viện. Giai đoạn 3, bệnh viện sẽ dần mở các bàn khám chuyên khoa. Các chuyên khoa này bệnh viện cũng hạn chế trên cơ sở tiếp nhận khi các bệnh viện tuyến dưới chưa có khả năng khám, can thiệp. Giai đoạn 4, bệnh viện sẽ mở cửa dần dần, tiếp nhận nội trú và thực hiện các ca mổ phiên, mổ chương trình.

* Như vậy, công tác phòng, chống Covid-19 sẽ tiếp tục được thực hiện như thế nào khi bệnh viện hoạt động trở lại?

- Khi bệnh viện hoạt động trở lại, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 vẫn luôn tiềm ẩn. Về phương án cụ thể, trong giai đoạn mở cửa trở lại chúng tôi giảm mật độ một cách tối đa, chỉ còn khoảng 30% số bệnh nhân được điều trị. Bệnh viện tập trung ưu tiên những bệnh nhân nặng, gắn với các kỹ thuật chuyên sâu. Đối với các bệnh nhân nhẹ, có thể điều trị ở tuyến khác, chúng tôi sẽ làm việc với các bệnh viện để được hỗ trợ tiếp nhận và điều trị.

Trong giai đoạn này, mỗi người nhà, bệnh nhân, nhân viên y tế đều có nguy cơ. Chính vì thế, cần duy trì khoảng cách an toàn, mang khẩu trang y tế thường xuyên. Khi có các biểu hiện sốt, ho, khó thở hãy lập tức liên hệ cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn, tuyệt đối không tùy tiện mua, sử dụng thuốc khi chưa có hướng dẫn.

* Nhân lực bệnh viện đã sẵn sàng để hoạt động trở lại, thưa bác sĩ?

- Bệnh viện có khoảng 2.000 nhân viên y tế. Hiện 350 người đang làm việc trong bệnh viện, được xét nghiệm liên tục trong 17 ngày qua và không có trường hợp nào dương tính với SARS-CoV-2. Có khoảng 150 nhân viên đang được tăng cường phục vụ công tác điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang và Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn. Có khoảng 1.500 nhân viên đang được cách ly tại các khách sạn, sau khi hoàn thành cách ly sẽ tiếp tục về nhà theo dõi sức khỏe.

Bệnh viện xây dựng phần mềm trực tuyến, bắt buộc 7 giờ sáng hằng ngày tất cả các nhân viên phải thực hiện khai báo y tế, lịch trình đi lại, tiếp xúc. Những nhân viên quay trở lại làm việc sẽ tiếp tục được xét nghiệm. Hiện bệnh viện đang lên kế hoạch huy động khoảng 700/2.000 nhân viên trực tiếp làm việc trong thời gian này. Mặc dù vất vả, tuy nhiên, thời gian qua tất cả nhân viên y tế đều chung sức, đồng lòng và nỗ lực, cùng góp sức đẩy lùi dịch bệnh cũng như bảo đảm việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân được liên tục, xuyên suốt.

* Cảm ơn bác sĩ về cuộc trao đổi này!

PHAN CHUNG

Gỡ bỏ và thiết lập cách ly y tế một số khu vực trên địa bàn thành phố

Ngày 25-8, ngoài Bệnh viện Đà Nẵng, có thêm một khu vực trên địa bàn thành phố cũng được gỡ bỏ vùng cách ly y tế và 1 khu vực mới thiết lập cách ly y tế. Theo đó, UBND thành phố đã ra Quyết định số 3131/QĐ-UBND về việc gỡ bỏ thiết lập vùng cách ly y tế đối với khu vực đoạn đường Phù Đổng (thuộc tổ dân phố số 13, khu dân cư số 15) dài trên 250m, phía đông giáp đường Nhơn Hòa 8, phía tây giáp đường Phạm Công Trứ, phía nam giáp đường Kiều Sơn Đen và phía bắc giáp đường Tế Hanh (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ). Thời gian thực hiện từ 7 giờ ngày 25-8.

Cùng ngày, UBND thành phố đã ra Quyết định số 3130/QĐ-UBND về thiết lập vùng cách ly y tế đối với khu vực Tổ 3, 4, 5, 6 thôn Yến Nê 1, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang (ranh giới: phía đông giáp đường liên thôn Yến Nê 1 - Cẩm Nê, phía tây giáp thôn Yến Nê 2, phía nam giáp đường bê-tông kiệt xóm Tổ 6, thôn Yến Nê 1, phía bắc giáp cánh đồng lúa). Được biết, khu vực trên có 2 ca Covid-19 được phát hiện ngày 24-8 nên phải tiến hành thiết lập vùng cách ly y tế nhằm khoanh vùng và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Thời gian áp dụng biện pháp cách ly y tế từ 14 giờ ngày 25-8 đến 14 giờ ngày 8-9 và có thể gia hạn thêm theo Điểm b Khoản 4 Điều 9 của Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30-9-2010 của Chính phủ.

XUÂN DŨNG

Thiết lập khu cách ly cấp cứu

Để an toàn trong tiếp nhận bệnh nhân, chống lây nhiễm chéo bên trong, Bệnh viện Đà Nẵng thiết lập khu cách ly cấp cứu. Cụ thể, khi bệnh nhân chưa xác định có nguy cơ lây nhiễm được cấp cứu chuyển đến sẽ được đưa vào khu cách ly. Ở đó, có đầy đủ hệ thống y tế hồi sức, oxy, máy thở. Nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng sẽ lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 và có kết quả sớm. Nếu bệnh nhân âm tính sẽ được chuyển vào bệnh viện theo các khoa, phòng chức năng.

 

;
;
.
.
.
.
.