Chuyện chưa kể về chuyến bay đặc biệt chở 120 người Việt mắc Covid-19

.

“Cánh cửa cabin máy bay khép lại khiến tôi có chút giật mình, bởi điều này đồng nghĩa với việc nhiệm vụ đón công dân đã thực sự bắt đầu...Mọi sai lầm, sơ suất dù là nhỏ nhất đều phải trả giá".

Bác sĩ Nguyễn Xuân Thành, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Bác sĩ Nguyễn Xuân Thành, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Chuyến bay đón công dân chưa từng có tiền lệ

4h30 sáng, ngày 28-7, chuông điện thoại của BS Nguyễn Xuân Thành reo liên hồi, người gọi không ai khác, đó là TS.BS Thân Mạnh Hùng - Tổ trưởng Tổ công tác Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tham gia chuyến bay đón 219 công dân Việt ở Ghi-nê Xích Đạo về nước.

“Đến giờ lên đường rồi”, BS Thành tự nhủ. Hôm nay là một ngày đặc biệt của bác sĩ trẻ này, bởi chỉ vài tiếng đồng hồ nữa, anh sẽ cùng 3 người đồng nghiệp của mình chính thức tham gia vào nhiệm vụ đón công dân nguy hiểm nhất từ đầu mùa dịch Covid-19 đến nay.

Chuyến bay khởi hành sớm nên BS Thành đã ở lại Bệnh viện từ tối hôm trước. Vì vậy, chỉ mất độ 15 phút sau cuộc gọi của Tổ trưởng, anh đã có mặt tại cửa chính khoa Cấp cứu, địa điểm tập hợp của cả đoàn.

BS Thành vận chuyển các vật tư y tế phục vụ cho chuyến bay ra xe
BS Thành vận chuyển các vật tư y tế phục vụ cho chuyến bay ra xe

Thông tin từ Ghi-nê Xích Đạo gửi về: Trong đoàn 219 công dân có đến 120 người đã được xác định mắc Covid-19. Thậm chí, có 10-15 người bệnh diễn biến nặng.

Là cơ sở chống dịch tuyến đầu, các y, bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiểu rõ sự nguy hiểm và khó lường của virus SARS-CoV-2. Với nhiệm vụ đảm bảo sức khỏe cho toàn bộ đoàn bay, tổ công tác của Bệnh viện đã chuẩn bị những gì tốt nhất có thể.

Lượng vật tư y tế mang theo chuyến bay gần như chất đầy thùng xe cấp cứu
Lượng vật tư y tế mang theo chuyến bay gần như chất đầy thùng xe cấp cứu

Danh sách các dụng cụ, thiết bị y tế và thuốc men mang theo được liệt kê kín 3 mặt giấy, và cũng lần đầu tiên trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, máy thở được đưa lên chuyến bay đón công dân, để sẵn sàng cho trường hợp phải tiến hành cấp cứu ngay trên không.

Thành viên đặc biệt của Tổ công tác

BS Nguyễn Xuân Thành là thành viên có phần đặc biệt của Tổ công tác. Trong giai đoạn trước của dịch Covid-19, anh là một trong những nhân viên y tế đầu tiên của Việt Nam bị lây nhiễm chéo virus SARS-CoV-2, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.

Thời điểm đó, chúng tôi có ấn tượng mạnh về anh qua lời kể của một người đồng nghiệp: “Từ lúc mắc bệnh, Thành ngày nào cũng hỏi chúng tôi xem những nhân viên y tế đã từng tiếp xúc có bị lây nhiễm hay không, chứ ít khi quan tâm đến tình trạng sức khỏe của chính mình”.

BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện cùng Tổ công tác thể hiện quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, trước giờ ra sân bay
BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện cùng Tổ công tác thể hiện quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, trước giờ ra sân bay

Nhận nhiệm vụ đi cùng chuyến bay đón đoàn công dân từ Ghi-nê Xích Đạo, BS Thành lại đối diện với nguy cơ trở thành nạn nhân Covid-19 một lần nữa. Hơn ai hết, bản thân anh ý thức rất rõ điều này.

“Từng mắc Covid-19 thì vẫn hoàn toàn có khả năng bị tái nhiễm, nhất là khi ở trong môi trường có nguy cơ cao như chuyến bay này. Tuy nhiên, tôi không nghĩ nhiều đến nó. Thứ tôi quan tâm nhất lúc đó là cả đội làm sao hoàn thành tốt nhiệm vụ, đưa đồng bào về nước an toàn”, BS Thành chia sẻ.

Lựa chọn công tác trong ngành truyền nhiễm, không chỉ bản thân các “blouse trắng” xác định trước nguy hiểm sẽ thường trực trong quá trình công tác, mà cả người nhà của họ cũng luôn chuẩn bị tâm lý cho điều này.

1 tuần trước chuyến bay, BS Thành gọi điện thông báo cho gia đình về nhiệm vụ đặc biệt mà mình sẽ tham gia.

“Hết sức cẩn thận và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”, anh nhận từ bố mẹ lời căn dặn đã quen thuộc từ khi bước chân vào nghề.

Mọi sơ suất dù là nhỏ nhất đều phải trả giá

Trò chuyện với chúng tôi từ phòng cách ly nằm tại tầng 8 Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhưng BS Thành cho biết rằng, mình vẫn “đánh trống ngực” khi nghĩ về khoảnh khắc chiếc máy bay bắt đầu khởi hành sang nước bạn.

Chiếc máy bay Airbus A350 của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam được lựa chọn để tham gia nhiệm vụ
Chiếc máy bay Airbus A350 của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam được lựa chọn để tham gia nhiệm vụ

“Cánh cửa cabin máy bay khép lại khiến tôi có chút giật mình, bởi điều này đồng nghĩa với việc nhiệm vụ đón công dân đã không còn là những kế hoạch trên trang giấy hay bài tập huấn tình huống có thể sai và sửa, mà nó đã thực sự bắt đầu” – BS Thành chia sẻ - “Mọi sai lầm, sơ suất dù là nhỏ nhất đều phải trả giá bằng sức khỏe của người bệnh và đương nhiên là chính sự an toàn của bản thân”.

6 giờ đồng hồ "mắc kẹt" tại Bata

Đúng như dự tính, chuyến bay chiều về mới là giai đoạn căng thẳng nhất của toàn bộ nhiệm vụ giải cứu. Vấn đề thậm chí còn phát sinh ngay sau khi máy bay đáp xuống sân bay Bata của Ghi-nê Xích Đạo.

Theo kế hoạch, tổ bay sẽ hoàn tất công tác tiếp nhận và ổn định chỗ ngồi cho các công dân, đồng thời máy bay sẽ được nạp nhiên liệu trong vòng 2 tiếng. Tuy nhiên, vì sân bay Bata không có sẵn xăng, phải chở từ nơi khác về nên phải rất lâu sau đó, máy bay mới có thể khởi hành.

“Thời điểm đó chúng tôi thực sự căng thẳng, bởi việc kéo dài thời gian chờ đợi sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bệnh nhân, nhất là khi trong đoàn công dân có nhiều trường hợp được xác định tình trạng tương đối nặng” – BS Thành nhớ lại.

Sau 6 tiếng chờ đợi cuối cùng chiếc máy bay Airbus A350 của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đã bắt đầu lăn bánh trên đường băng sân bay Bata, đưa hơn 200 người con đất Việt cùng trở về quê hương.

BS Thành cùng đồng nghiệp như trút được phần nào gánh nặng, nhưng trước mắt họ vẫn còn cả một hành trình dài!

“Khoảng 2 tiếng sau khi máy bay cất cánh, tôi và BS Hùng nhận được báo cáo từ tổ điều dưỡng đang trực tại khoang chở công dân là có 15 người biểu hiện mệt mỏi, sốt cao” – BS Thành nhớ lại.

Anh tiếp tục mạch chuyện: “Sau khi theo dõi và hội ý thông qua hệ thống thông tin liên lạc nội bộ, chúng tôi quyết định xử trí bằng cách cho bệnh nhân uống thuốc hạ sốt, uống nhiều nước. Thực tế, tình huống này đã nằm trong kịch bản đã được xây dựng từ trước”.

Điều may mắn là trong suốt quãng thời gian còn lại của chuyến bay, các bệnh nhân không có diễn biến bất thường nào. Tuy nhiên, thử thách với các y, bác sĩ không phải là đã hết.

2 thách thức đặc biệt với các “blouse trắng”

“Áp lực tâm lý và cảm giác ngột ngạt của bộ đồ phòng hộ”, đó là 2 thách thức lớn, mà không chỉ riêng BS Thành đề cập đến, khi được hỏi về chuyến bay đặc biệt này.

Toàn bộ thời gian của chuyến bay chiều về (kéo dài khoảng 15 tiếng), BS Thành cũng các đồng nghiệp phải mặc đồ phòng hộ từ đầu đến chân.

Phương tiện phòng hộ 2 lớp đặc biệt của các y, bác sĩ trên chuyến bay
Phương tiện phòng hộ 2 lớp đặc biệt của các y, bác sĩ trên chuyến bay

“Từ khi vào nghề, đây là lần đầu tiên tôi phải mang đồ phòng hộ liên tục trong thời gian dài đến vậy. Quả thực rất nóng và bí bách nhất là vào chặng cuối của cuộc hành trình” – BS trẻ này bộc bạch.

Thứ đè nặng lên các y, bác sĩ trên chuyến bay còn là áp lực tâm lý. Bởi mặc dù các phương án đáp ứng đều được chuẩn bị rất kĩ, nhưng với chuyến bay chưa từng có tiền lệ này, điều gì cũng có thể xảy ra.

BS Thành nói: “Sau khi xử trí xong các bệnh nhân bị sốt, đầu óc tôi vẫn ở tình trạng căng như dây đàn, trong suốt hơn 10 tiếng còn lại của chuyến đi. Điều tôi lo nhất là một vấn đề nằm ngoài kịch bản có thể phát sinh. Dù sao đi nữa, điều kiện điều trị trên máy bay cũng không thể bằng với Bệnh viện”.

Máy bay hạ cánh và cái thở phào của các y, bác sĩ

Các y, bác sĩ và phi hành đoàn sẽ là những người xuống máy bay sau cùng
Các y, bác sĩ và phi hành đoàn sẽ là những người xuống máy bay sau cùng

16h30 ngày 29-7, chiếc máy bay đón đoàn công dân Việt Nam làm việc tại Ghi-nê Xích Đạo đáp xuống sân bay Nội Bài. BS Thành cùng các đồng nghiệp xuống máy bay sau khi tất cả 219 công dân đã được xe chuyên dụng chở về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nơi họ sẽ được cách ly và điều trị.

Các y, bác sĩ được khử trùng trước khi vào khu vực cách ly tại Bệnh viện
Các y, bác sĩ được khử trùng trước khi vào khu vực cách ly tại Bệnh viện

Đến lúc này, 4 thành viên Tổ công tác của Bệnh viện mới có thể thực sự thở phào nhẹ nhõm. Xuyên suốt cuộc hành trình, đã có nhiều thử thách và cả vấn đề phát sinh ngoài dự tính, nhưng đến cuối cùng nhiệm vụ của họ đã hoàn thành. Tất cả công dân được đưa về Bệnh viện an toàn, tình trạng sức khỏe ổn định.

Trước mắt các y, bác sĩ sẽ là 14 ngày cách ly tại Bệnh viện và sau đó đương nhiên là cuộc chiến với dịch Covid-19 đang bước sang giai đoạn mới với diễn biến phức tạp.

“Chúng tôi coi 14 ngày cách ly này là một dịp nghỉ ngơi. Sau khi đã nạp đầy năng lượng, chúng tôi lại tiếp tục sát cách cùng các đồng nghiệp để chống lại đại dịch này” – BS Thành cười nói.

 Theo Dân Trí

;
;
.
.
.
.
.