ĐIỀU CHẾ VACCINE CHỐNG DỊCH COVID-19:

Không đánh đổi sự an toàn để lấy việc có kết quả nhanh nhất

.

Khi dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới, với số người nhiễm mới và thiệt mạng mỗi lúc một tăng thêm, nhu cầu có vaccine ngừa bệnh xuất hiện một cách tự nhiên. Tuy nhiên, tiến trình chế tạo vaccine rất chông gai và nhân loại có thể sẽ phải chấp nhận đánh đổi một phần sự an toàn nếu muốn chặn dịch trong thời gian sớm nhất.

Cộng đồng nghiên cứu đang tạm gác lại các công việc khác để ưu tiên cho việc chế vaccine, bởi dịch bệnh đang là mối đe dọa hiện hữu. Ảnh: The Nation
Cộng đồng nghiên cứu đang tạm gác lại các công việc khác để ưu tiên cho việc chế vaccine, bởi dịch bệnh đang là mối đe dọa hiện hữu. Ảnh: The Nation

Trở ngại mang tên ADE

Dengvaxia là tên của một loại vaccine mới, từng được ca ngợi là chìa khóa giúp tiêu diệt sốt rét - căn bệnh nhiệt đới vẫn khiến khoảng 20.000 người thiệt mạng mỗi năm. Đây là sản phẩm của Sanofi Pasteur - một công ty sản xuất vaccine của Pháp và nó bắt đầu được triển khai tiêm đại trà trên 800.000 học sinh ở Philippines vào năm 2017.

Tuy nhiên, ngay khi chương trình đang diễn ra đã xuất hiện thông tin về các học sinh được tiêm vaccine bị biến chứng, thậm chí một số có nguy cơ tử vong. Kế hoạch tiêm chủng Dengvaxia lập tức bị dừng lại.

Sanofi Pasteur sau đó ra thông báo rằng, Dengvaxia có thể gây hại cho những người chưa từng mắc bệnh sốt rét trong đời. Bộ Y tế Philippines cũng phải ra lệnh cấm bán và sử dụng Dengvaxia trên toàn quốc. Nhưng thiệt hại không thể đảo ngược.

Thông tin từ truyền thông Philippines cho biết, tính tới tháng 8.2019, hơn 600 người - chủ yếu là trẻ em - từng được tiêm một liều vaccine Dengvaxia đã tử vong. Bộ trưởng Y tế Philippines cùng với các quan chức khác và 6 nhân viên của Sanofi vẫn đang chờ ngày ra tòa để đối mặt với cáo buộc “thiếu trách nhiệm gây hậu quả chết người”.

Tất cả người bị cáo buộc đều bác bỏ lời buộc tội và bản thân Công ty Sanofi cũng khẳng định vaccine của họ an toàn. Song người chết không thể sống lại và quan trọng là bí ẩn y học vẫn nằm im trong thảm kịch Dengvaxia: Liệu có phải vaccine sẽ gây hại cho một nhóm nhỏ người trong cộng đồng, thay vì giúp họ chống bệnh?

Câu hỏi này đang trở nên có liên quan hơn trong này hôm nay, khi virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu và nhân loại rất cần vaccine hiệu quả để ngăn bệnh. Thế giới chỉ có thể bình thường trở lại nếu người ta chế ra vaccine chống Covid-19 thành công. Không có vaccine, bất kỳ nỗ lực phục hồi hoạt động nào cũng sẽ chỉ khiến nhiều người thiệt mạng hơn do nhiễm bệnh.

Cho tới nay, hầu hết người bình thường đều chưa có kháng thể với SARS-CoV-2 và cũng chưa có thuốc đặc hiệu để trị bệnh. Một loại thuốc được phép sử dụng để điều trị bệnh nhân Covid-19 mang tên Remdesivir cũng không phải thần dược. Nó rút ngắn thời gian điều trị, nhưng không làm tăng cơ hội sống sót cho người mang bệnh.

Tuy nhiên, nỗ lực chế tạo vaccine phải đối mặt với nhiều trở ngại. Trước tiên phải kể tới hiện tượng mang tên tăng phụ thuộc kháng thể (ADE), còn được gọi là hiện tượng làm tăng nặng bệnh. Hiện tượng này có thể gây ra tình huống nguy hiểm: Thay vì tiêu diệt virus gây bệnh, kháng thể có khả năng kích hoạt các phản ứng khác nhau của cơ thể, khiến bệnh trở nên nặng hơn.

SARS-CoV-2 thuộc về cùng một họ virus Corona đã gây các dịch viêm đường hô hấp cấp SARS và  dịch viêm đường hô hấp MERS. Nỗ lực tìm kiếm vaccine cho các bệnh này (SARS xuất hiện năm 2002 và MERS năm 2012) luôn gặp trở ngại vì hiện tượng ADE. Ví dụ, một số động vật được tiêm vaccine SARS thử nghiệm đã bị viêm phổi nặng hơn những con không được tiêm. Hoạt động thử nghiệm luôn dừng lại sau khi vấp phải trở ngại như thế này và cho tới nay, nhân loại vẫn chưa có vaccine phòng SARS hiệu quả.

Bà Beate Kampmann - Giám đốc Trung tâm vaccine tại Trường Y London chuyên về bệnh nhiệt đới và vệ sinh (LSHTM) - cho biết, những quan sát về ADE thu được từ quá trình chế vaccine với các bệnh khác do dòng virus Corona gây ra trước đó có nghĩa bất kỳ nỗ lực chế vaccine Covid-19 nào cũng phải diễn ra thận trọng.

“Chúng tôi không muốn thổi phồng rủi ro, nhưng không ai có thể đảm bảo 100% rằng hiện tượng tăng nặng bệnh sau khi dùng vaccine sẽ không xảy ra. Nếu hiện tượng này xuất hiện với dịch Covid-19, chúng ta sẽ phải đối mặt với thách thức cực kỳ nghiêm trọng” - bà nói.

Virus corona chủng mới vẫn là một ẩn số

Hiện tượng kháng thể khiến bệnh trầm trọng hơn là bước ngoặt ít ai ngờ trong cuộc chiến chống Covid-19, căn bệnh đã lây lan vượt xa quy mô của bệnh SARS hay MERS. Trong khi SARS mới chỉ lây nhiễm khoảng 8.000 người trong vòng 8 tháng, Covid-19 đã khiến 19 triệu người mắc bệnh trong 8 tháng. Ở nhóm mắc bệnh này, hơn 700.000 người đã tử vong và con số vẫn được giới quan sát cho là chưa phản ánh đủ thực tế.

Ngoài việc gây hại khủng khiếp về mặt sức khỏe, Covid-19 cũng là sự kiện có tác động tàn phá kinh tế lớn nhất kể từ thời Đại suy thoái. Hoạt động sản xuất bị đứt gãy trên toàn cầu. Các ngành công nghiệp từng phát triển rất mạnh như hàng không, du lịch, nghỉ dưỡng đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các lệnh cách ly, tình trạng giãn cách xã hội. Trường học và văn phòng phải đóng cửa có nghĩa trẻ em thất học và người lớn thì thất nghiệp, các tình trạng cũng gây ra những hậu quả dài hạn của riêng nó.

Một vaccine hiệu quả cho phép người ta có thể sống, làm việc, đi lại, học tập và tụ họp an toàn trở lại sẽ là lựa chọn đúng đắn nhất. Nhiều nước đã chọn vaccine là giải pháp chiến lược, lâu dài và điều này thể hiện qua con số khổng lồ của các bên tham gia chế vaccine: Chỉ tính tới ngày 10.6, đã có 183 đơn vị tìm cách chế vaccine, theo dữ liệu của LSHTM.

Việc nhiều đơn vị cùng theo đuổi một mục tiêu mang tới khả năng chúng ta sẽ sớm thu được kết quả. Tuy nhiên, vaccine chế ra có thành công như mong muốn hay không lại là điều không thể đảm bảo. Những ai nghi ngờ về điều này, hãy nhớ rằng nhân loại vẫn chưa có vaccine chống virus HIV gây bệnh AIDS - căn bệnh mà chúng ta đã sống cùng nó suốt mấy chục năm qua.

Khi tiếp xúc với virus trong môi trường tự nhiên, cơ thể bạn sẽ kháng cự và cố ngăn không cho nó xâm nhập vào tế bào - virus phải làm điều này để có thể nhân bản. Với một số người, phản ứng miễn dịch ban đầu này là đủ và họ sẽ không bộc lộ bất kỳ triệu chứng nào, không bị nhiễm bệnh. Nhưng nếu phản ứng ban đầu không đủ để diệt virus, sau một tới hai tuần cơ thể sẽ chuyển qua phản ứng miễn dịch thu được: Cơ thể tạo kháng thể và nó sẽ bám chặt lấy virus, qua đó đánh dấu tế bào mang bệnh. Các tế bào T sát thủ sẽ dựa vào đây để tiêu diệt tế bào mang bệnh.

Tiến trình tiêm vaccine thực tế là hoạt động can thiệp của con người nhằm thiết lập phản ứng miễn dịch thu được, giúp cơ thể chúng ta “ghi nhớ” virus mang bệnh. Tuy nhiên, người được tiêm vaccine sẽ không phải đối mặt với những nguy cơ cao do bệnh tật mang lại, điều mà một người mắc bệnh bình thường sẽ phải trải qua. Sau khi phản ứng miễn dịch xảy ra nhờ tiêm vaccine, nếu virus tìm cách xâm nhập trở lại cơ thể, nó sẽ bị tiêu diệt nhanh chóng.

Song hiện tượng ADE lại làm đảo lộn quy trình này. Thay vì kiểm soát và tiêu diệt virus, hệ miễn nhiễm vô tình trợ giúp mầm bệnh. Vaccine, vì thế, không ngăn bệnh mà lại tạo ra các tổn thương nghiêm trọng hơn. “Chỉ khi tiến hành tiêm Dengvaxia lên hàng nghìn người, hiện tượng tăng nặng bệnh mới gây chú ý” - Mike Turner, một chuyên gia tại tổ chức từ thiện Wellcome Trust, cho biết. Tổ chức này đã đổ tiền cho các hoạt động nghiên cứu vaccine trên toàn cầu và đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm vaccine ngừa bệnh Ebola.

Rủi ro một loại vaccine ngừa virus Corona thử nghiệm có thể khiến một người bị bệnh nặng hiện đã được thừa nhận là “mối quan ngại trên lý thuyết”. Các tình nguyện viên tham gia điều chế vaccine tại Viện Jenner ở Đại học Oxford (Anh) được cảnh báo bằng văn bản rằng, sự an toàn của họ không được đảm bảo tuyệt đối.

Hoạt động thử nghiệm ở Viện Jenner hiện tiến triển khá tích cực. 6 con vật được dùng vaccine thử nghiệm đã không bộc lộ hiện tượng ADE khi tiếp xúc với virus Corona chủng mới. Nhưng con người không phải động vật thí nghiệm như khỉ và chuột. Một cuộc thử thách thực sự luôn chỉ diễn ra khi người ta tiêm vaccine vào cơ thể tình nguyện viên.

Anthony Fauci - người đang lãnh đạo nỗ lực chống Covid-19 của Mỹ - đưa ra những đánh giá tương tự khi được hỏi về hoạt động sản xuất vaccine. Ông cho hay, các nhà nghiên cứu phải cân bằng giữa nhu cầu cứu mạng bệnh nhân và khả năng mạng sống của họ bị đe dọa vì ADE. “Ví dụ, nếu tạo ra được một loại vaccine mà cứ mỗi vài nghìn người được bảo vệ thì chỉ một người bị ADE, tôi sẽ vẫn chọn sử dụng loại vaccine đó” - ông nói. Đây là sự đánh đổi mà các xã hội sẽ buộc phải nghiêm túc cân nhắc.

Vaccine chống Covid-19 hiện được phát triển dựa trên sự hiểu biết chưa đầy đủ về dịch. “Chúng ta mới chỉ tiếp xúc với virus này 8 tháng” - Zania Stamataki, giảng viên cao cấp tại Đại học Birmingham, cho biết. “Chừng ấy thời gian không đủ để đánh giá xem liệu sau khi nhiễm bệnh, bạn sẽ chống được hay vẫn có thể nhiễm bệnh lại lần nữa”.

Virus tạo ra dịch Covid-19 được đặt tên SARS-CoV-2 vì nó có bộ gene giống với virus SARS. Cho tới nay, bệnh vẫn là một bí ẩn với cộng đồng nghiên cứu về miễn dịch. Với một số cá nhân, hiện chưa rõ virus khiến bộ phận nào trong hệ miễn nhiễm của họ phản ứng. Vì sao người ta lại phản ứng với dịch rất khác nhau cũng là một bí ẩn. Ví dụ, vì sao một số người trẻ, khỏe lại nhanh chóng tử vong, trong khi có những người già lại khỏi bệnh và sống sót?

Danny Altmann - một giáo sư miễn dịch học tại trường Imperial College ở London, người đã viết một tổng kết về virus Corona chủng mới đăng trên Tạp chí Lancet - đánh giá sự hiểu biết của nhân loại về virus này mới chỉ đạt điểm 5 trên thang 10. “5 điểm còn nằm trong bí ẩn kia có vai trò rất quan trọng” - ông nói. Các câu hỏi chưa có đáp án hiện nay bao gồm: Khu vực nào trong hệ miễn dịch của chúng ta đánh đòn chí tử vào virus gây Covid-19? Mối quan hệ giữa kháng thể và sự miễn nhiễm với Covid-19 là như thế nào? Tình trạng miễn nhiễm với Covid-19 kéo dài bao lâu? Liệu một người có thể nhiễm bệnh hai lần? Điều gì xảy ra trong lần nhiễm bệnh thứ hai?

Ví dụ, với bệnh Covid-19, mức kháng thể cao dường như có liên quan tới việc tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trở nên trầm trọng hơn. Trong khi đó, bệnh nhân nhiễm virus Corona đã khỏi đôi khi có mức kháng thể rất thấp, hoặc gần như không còn kháng thể.

Từ đây nảy sinh ra một vấn đề gây bối rối về mặt logic miễn dịch học: Mức kháng thể chống bệnh Covid-19 không phải là thước đo trực tiếp, hay sự đảm bảo cho thấy ai đó đã có khả năng miễn nhiễm với bệnh. Đây là lý do vì sao Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nghi ngờ giá trị của các giấy chứng nhận miễn dịch Covid-19 hay hộ chiếu mang chứng nhận miễn dịch. Mỗi loại vaccine sẽ kích thích các bộ phận khác nhau của hệ miễn nhiễm và loại vaccine đầu tiên chạm vạch đích chưa chắc đã là loại tốt nhất, theo Altmann.

Bất kỳ vaccine nào cũng tốt hơn dịch bệnh

Mùa thu này sẽ đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc chiến chống virus Corona chủng mới. Chúng ta có thể sẽ đón tin tốt về vaccine và đồng thời cũng biết rằng, làn sóng lây nhiễm virus Corona thứ hai có xuất hiện không. Cần nhớ rằng trong thế kỷ 20, dịch cúm Tây Ban Nha diễn ra với 3 đợt. Đợt 2, vào mùa thu năm 1918 là chết chóc nhất.

Đợt bùng dịch Covid-19 thứ hai, được Altmann đánh giá là có khả năng xảy ra, sẽ mang tới hai tác động. Thứ nhất, những người thoát khỏi đợt một mà không nhiễm bệnh sẽ đối mặt với rủi ro trong lần này. Thứ hai, những người đã nhiễm bệnh và khỏi sẽ được “thử lửa” lần nữa. Hiện thế giới chưa có trường hợp nào nhiễm Covid-19 hai lần. Một số tin tức từ Hàn Quốc về một ca tái nhiễm virus đã được chứng minh là không đúng, do kết quả xét nghiệm sai.

Song câu hỏi về việc liệu người ta có tái nhiễm bệnh hay không vẫn chưa có một cái kết dứt khoát. Các nhà nghiên cứu thấy, rằng hai loại virus Corona gây cảm cúm nhẹ, cùng họ với virus Corona chủng mới gây Covid-19 hiện nay, có thể khiến người ta tái nhiễm bệnh chỉ trong vòng một năm. Nếu tái nhiễm bệnh là khả năng có thể xảy ra, đợt nhiễm thứ hai sẽ vẫn khiến cơ thể tạo ra kháng thể - và nguy cơ xảy ra hiện tượng ADE khiến bệnh tăng nặng cũng sẽ quay trở lại.

“Chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra với những người tái nhiễm, vì điều đó chưa xuất hiện. Chúng ta vẫn đang ở làn sóng lây nhiễm đầu tiên. Chúng tôi cần phải cẩn trọng theo dõi những người đã thắng Covid-19 để xem họ có gặp vấn đề gì tồi tệ trong đợt bùng dịch thứ hai không. Nếu họ gặp chuyện, chúng ta sẽ ở trong tình huống rất khó khăn” - Kampmann nói.

Theo Mike Turner, giảm thiểu rủi ro để xảy ra hiện tượng ADE khi chế tạo vaccine chống SARS-CoV-2 có nghĩa hoạt động thử nghiệm phải bao gồm đủ các nhóm đối tượng tiềm năng, ngoài người bình thường phải có cả người từng nhiễm virus. Giai đoạn thử nghiệm đầu tiên bao gồm việc đảm bảo vaccine không gây hại. Giai đoạn thứ hai, với vài trăm tình nguyện viên, sẽ kiểm tra tính hiệu quả. Liệu người được tiêm vaccine có bị nhiễm bệnh như người chưa tiêm hay không. Giai đoạn ba, với khoảng 5.000 tình nguyện viên tham gia như trong nghiên cứu của Viện Jenner, sẽ kiểm tra xem vaccine có hoạt động trên một quy mô lớn như vậy không và nó mang tới tác dụng phụ gì.

Turner cho biết, tiến trình phát triển vaccine SARS-CoV-2 hiện nay là một sự thỏa hiệp giữa các yếu tố khoa học, đạo đức và quy định quản lý. Nhưng người ta sẽ không đánh đổi sự an toàn để đổi lấy việc có kết quả nhanh nhất.

“Một tiến trình vốn thường mất từ 3-4 năm nay đã làm xong trong 6 tuần” - ông nói. “Nhưng chúng tôi không đi tắt. Đơn giản là cộng đồng nghiên cứu đang tạm gác lại các công việc khác để ưu tiên cho việc chế vaccine, bởi dịch bệnh đang là mối đe dọa hiện hữu. Nếu thấy ai đó tìm cách đi tắt, tôi sẽ thổi còi. Nếu có bất kỳ sai phạm nào, một nửa thế giới sẽ từ chối dùng loại vaccine được chế ra và đó là rủi ro không đáng để nhận về” - ông nói. Turner cũng nói thêm rằng, bất kỳ loại vaccine trị SARS-CoV-2 nào được chế ra lúc này cũng sẽ an toàn hơn là việc tiếp xúc trực tiếp với bệnh dịch.

Kampmann đồng tình và cho hay, phần lớn những người trò chuyện vời bà đều đã sẵn sàng để dùng vaccine chống dịch. Chính bản thân Kampmann cũng thay đổi thái độ với dịch bệnh: “Ban đầu tôi nghĩ rằng mình mắc bệnh Covid-19 càng sớm càng tốt. Nhưng giờ tôi không nghĩ như thế nữa. Tôi nay đã hơn 50 tuổi rồi và sau khi chứng kiến nhiều bệnh nhân cùng tuổi với mình phải dùng máy thở, tôi quyết định sẽ chờ vaccine” - bà Kampmann nói.

Theo LĐO

;
;
.
.
.
.
.