Cứu sống bệnh nhân bị sán lá gan chui ống mật

.

ĐNO - Ngày 9-11, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, vừa nội soi bắt được 2 con sán lá gan lớn còn sống trong ống mật chủ cho một bệnh nhân bằng phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP).

Bệnh nhân H.T.T. được các bác sĩ Khoa Nội tiêu hóa theo dõi sau khi gắp 2 con sán lá gan lớn chui trong túi mật bằng phương pháp ERCP. Ảnh: Bệnh viện Đà Nẵng
Bệnh nhân H.T.T. được các bác sĩ Khoa Nội tiêu hóa theo dõi sau khi gắp 2 con sán lá gan lớn chui trong túi mật bằng phương pháp ERCP. Ảnh: Bệnh viện Đà Nẵng

Trước đó, bệnh nhân H.T.T. (64 tuổi, ngụ huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) được người nhà đưa vào Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng đau bụng, sốt 39 độ C, đau hạ sườn phải, nôn ra dịch.

Qua thăm khám và chụp CT-Scan ổ bụng, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị sỏi ống mật chủ - nhiễm trùng đường mật và được chỉ định nội soi mật tụy ngược dòng lấy sỏi (ERCP).

Trong quá trình ê-kíp bác sĩ thực hiện phương pháp ERCP thì phát hiện sán lá gan lớn trong ống mật chủ và tiến hành bắt sán lá gan lớn qua nội soi. Sau thời gian can thiệp, các bác sĩ đã gắp ra được 2 con sán lá gan lớn còn sống (dài 30 mm, ngang 10 mm) ra khỏi cơ thể bệnh nhân.

Bệnh nhân tiếp tục dùng thuốc điều trị đặc hiệu để diệt những trứng sán còn tiềm ẩn trong người. Sau nội soi can thiệp, bệnh nhân hồi phục, tỉnh táo, hết nôn, hết đau hạ sườn phải.

Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn, Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đà Nẵng, sán lá gan lớn gây áp-xe gan khá phổ biến ở Việt Nam. Nhưng sán lá gan lớn ở trong ống mật chủ rất hiếm gặp, đặc biệt là còn sống. Theo y văn thế giới, người bị nhiễm sán lá gan lớn trong đường mật chiếm tỷ lệ rất thấp, chủ yếu gặp giun đũa chui lên ống mật chủ. 

Đây là trường hợp sán lá gan lớn còn sống trong ống mật chủ đầu tiên được phát hiện và xử lý tại Bệnh viện Đà Nẵng và được bắt qua nội soi mật tụy ngược dòng. Kỹ thuật này tiên tiến và rất khó thực hiện.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.