Đề phòng tai nạn thương tích ở trẻ

.

Cứ đến mùa hè hằng năm, số trẻ em nhập viện do tai nạn thương tích lại gia tăng. Nhiều trẻ may mắn được cấp cứu, chữa trị kịp thời, nhưng cũng có em để lại di chứng tâm lý, thương tật vĩnh viễn. Thực trạng này đòi hỏi người lớn cần quan tâm, theo sát các hoạt động vui chơi của trẻ.

Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhi bị bỏng. Ảnh: PHAN CHUNG
Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhi bị bỏng. Ảnh: PHAN CHUNG

Nhiều nguyên nhân

Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng vừa tiếp nhận cấp cứu, điều trị bệnh nhi L.A.X (4 tuổi, trú xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) nhập viện trong tình trạng bỏng nặng. Chị Hoài, mẹ cháu X. cho biết, trong lúc ở nhà chơi với bà ngoại, cháu tự ý đi lấy nước uống nhưng cầm nhầm ấm điện vừa đun xong nước sôi. Kết quả cháu bị bỏng tay, cổ, ngực và phần mặt. Các bác sĩ chẩn đoán cháu X. bị bỏng cấp độ 2-3, diện tích bỏng 6%.

Tương tự, cháu N.V.Q (3 tuổi, trú phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) vừa làm gia đình một phen hết hồn vì nuốt phải ốc vít. Chị Khanh, mẹ cháu kể: “Dịch bệnh nên cháu nghỉ học ở nhà hơn tháng nay. Mẹ buôn bán phía trước, sắp xếp đồ chơi cho cháu tự chơi ở trong phòng. Tự nhiên nghe khóc ré lên, chạy vào thì thấy cháu khóc kêu đau cổ. Nghĩ chuyện chẳng lành nên đưa cháu đi bệnh viện. Sau đó các bác sĩ khám mới phát hiện cháu nuốt phải cái đinh vít đang mắc ngang cổ, chắc là rơi ra từ đồ chơi”.

Theo bác sĩ Võ Hữu Hội, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Nhi cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, cứ đến mùa hè, bệnh viện tiếp nhận rất nhiều bệnh nhi bị tai nạn, thương tích. “Ghi nhận đến thời điểm cuối tháng 6, số trẻ em đuối nước có giảm do các hoạt động bơi lội ngoài trời tạm dừng vì dịch. Nhưng ngược lại, số trẻ nhập viện vì bỏng, hóc dị vật, côn trùng cắn lại tăng lên do trẻ nghỉ học tự chơi ở nhà”, bác sĩ Hội cho biết.

Ngoài ra, một số trẻ em từ Quảng Nam, Quảng Ngãi được chuyển ra Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cấp cứu, điều trị do bị ngã gây chấn thương. Nguyên nhân là do trẻ chưa hiểu sự nguy hiểm của những đồ dùng, đồ chơi để trên cao nên cố gắng với lấy, hay chạy nhảy, đuổi nhau, leo cây, trèo cầu thang… dễ xảy ra tai nạn thương tích.

Giữ an toàn cho trẻ

Các bác sĩ khuyến cáo, cần giáo dục con trẻ tránh các trò chơi nguy hiểm như nhảy từ trên cao, leo trèo ở những nơi không an toàn như cây, cột điện, mái nhà… Ngoài ra, các bác sĩ cảnh báo thực trạng nhiều trẻ bị động vật cắn, đốt. Người lớn cần giáo dục cho trẻ biết sự nguy hiểm khi bị động vật cắn và các loại động vật cắn thường gặp. Mùa hè nhiều trẻ được bố mẹ đưa về quê chơi, cần hướng dẫn trẻ không nghịch tổ ong, không trêu chọc chó, mèo và các vật nuôi; không chơi gần các bụi rậm để tránh bị rắn cắn. Nếu phải đi qua thì dùng gậy khua vào bụi rậm phía trước, đợi một lúc rồi mới đi. Các địa phương phải xây dựng môi trường an toàn, trong đó chó, mèo phải được tiêm chủng và phát quang bụi rậm xung quanh nhà.

Một loại tai nạn thường gặp đó là trẻ bị các vật sắc nhọn gây ra nhiều hậu quả với các mức độ khác nhau, từ nhẹ (xây xát ngoài da, phần mềm…) đến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng (nhiễm trùng, hoại tử chi…), thậm chí rất nặng gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Trong trường hợp này, người lớn cần chỉ dẫn cho trẻ thấy được sự nguy hiểm, dạy trẻ không bắt chước làm việc nguy cơ như gọt hoa quả, thái thịt, khâu vá… mà không có sự giám sát của người lớn.

Đối với tai nạn đuối nước, nếu được cứu sống kịp thời cũng để lại di chứng nặng nề do tổn thương não. Khi xảy ra sự cố, người lớn cần bình tĩnh và phải biết cách sơ, cấp cứu đúng cách. Theo khuyến cáo, tuyệt đối không được dốc ngược lên khiến trẻ có nguy cơ bị sặc đường thở hoặc tổn thương não, cột sống. Cần tận dụng thời gian vàng cấp cứu tại hiện trường trước khi được chuyển đến bệnh viện.

Để phòng, chống đuối nước hiệu quả, các bậc phụ huynh nên cho con, em mình học bơi đúng độ tuổi, các bể bơi cần được trang bị đầy đủ các thiết bị cứu hộ. Khi tham gia các hoạt động tham quan, du lịch, ngoại khóa, cần giám sát trẻ chặt chẽ để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

“Với bản tính hiếu động, tò mò kết hợp với sự bất cẩn của người lớn, trẻ từ 2-5 tuổi rất dễ bị bỏng do nước nóng. Để phòng tránh, người lớn nên bố trí bếp nấu ăn hợp lý, cao, có vách ngăn; không để đồ vật đựng nước nóng như phích, ấm, bà ủi trong tầm với trẻ em; không để trẻ nhỏ tiếp xúc với diêm, bật lửa, lửa, nước sôi, thức ăn nóng, bếp đang đun... nhằm hạn chế thương tích cho con em mình ”, bác sĩ Hội cho biết.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.