Hãy suy ngẫm trước khi châm lửa một điếu thuốc...

.

Năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, cả thế giới gồng mình chống chọi với Covid-19. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến trung tuần tháng 5-2021, thế giới có hơn 3,1 triệu người chết do dịch bệnh này.

Thế nhưng, có một đại dịch còn nguy hiểm hơn, giết người nhiều hơn, âm thầm để lại di chứng cho xã hội nhiều hơn cả Covid-19, đó chính là thuốc lá. Đáng nói, vấn đề này dường như bị cả thế giới xem nhẹ, thậm chí còn không được quan tâm đúng mức. Số người chết vì thuốc lá nhiều gấp 3 lần số người chết do HIV và tai nạn giao thông cộng lại.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người chết vì những bệnh có liên quan đến thuốc lá. Nếu đặt những con số khô khan này bên cạnh số người chết vì Covid-19 thì sẽ thấy sự chênh lệch rất lớn. Vậy mà dường như tác hại của khói thuốc lá đang bị quên lãng?

Từ năm 1987, nhận thấy mức nguy hại quá lớn của thuốc lá với nhân loại, WHO quyết định chọn ngày 31-5 hằng năm là Ngày Thế giới không thuốc lá, nhằm gióng lên hồi chuông báo động. Qua đó nhắc nhở mọi người về ảnh hưởng của thuốc lá với sức khỏe của con người. Năm nay, chủ đề của Ngày Thế giới không thuốc lá là “Cam kết bỏ thuốc lá”. Theo WHO, trên thế giới có 780 triệu người muốn bỏ thuốc lá, đặc biệt hiện nay có thêm hàng triệu người muốn bỏ thuốc lá vì lo ngại làm tăng nguy cơ nhiễm Covid-19.

Điều này là rất rõ, bởi qua hàng triệu ca tử vong vì Covid-19, các nhà khoa học chỉ ra rằng, có rất nhiều người trong những người xấu số kia chết vì Covid-19, trên nền của nhiều bệnh mãn tính khác do hút thuốc gây nên như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy tim và đột quỵ bệnh mạch máu ngoại biên, tiểu đường, miễn dịch yếu...

Tại Việt Nam, bên cạnh việc hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá, từ nhiều năm nay chúng ta còn phát động Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có quy định rất rõ quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng và chống tác hại của thuốc lá. Đặc biệt, luật cũng nêu rất rõ: “Yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá”. Thế nhưng trên thực tế, thuốc lá vẫn là vấn nạn khi số người sử dụng nhiều, có xu hướng trẻ hóa. Người hút thuốc dường như không quan tâm mình đang hút ở đâu, có những ai xung quanh...

Theo kết quả điều tra tại 34 tỉnh, thành phố trên cả nước, tỷ lệ người hút thuốc ở người trưởng thành từ 22,5% của năm 2015 chỉ giảm rất ít xuống còn 21,7% vào năm 2020. Chính những con số này đưa Việt Nam vào nhóm 15 quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới.

Riêng tại thành phố Đà Nẵng, từ nhiều năm qua, việc phòng, chống tác hại thuốc lá được các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể quan tâm bằng cách tham gia đăng ký “Công sở không thuốc lá”, “Cán bộ, viên chức, người lao động nói không với thuốc lá”, “Nhà hàng không khói thuốc”...

Đặc biệt từ năm 2016, UBND thành phố ban hành quy định về cấm hút thuốc tại nơi làm việc, trong đó phân công Sở Công thương xây dựng quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá theo quy định của pháp luật; Sở Giao thông vận tải hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương tổ chức vận tải hành khách công cộng thực hiện cấm hút thuốc lá trên các phương tiện vận tải hành khách và khu vực nhà ga, bến xe, bến tàu; các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú thực hiện quy định cấm hút thuốc theo quy định của pháp luật... Mặc dù vậy, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, hiệu quả của việc cấm này còn rất khiêm tốn.

Hầu như nơi đâu, kể cả ở những nơi cần tuyệt đối cấm thuốc lá như khuôn viên bệnh viện, trường học... cũng không khó thấy vài người vô tư phì phà điếu thuốc lá. Thậm chí trong từng hộ gia đình, nơi có trẻ nhỏ, người cao tuổi, vẫn có người thản nhiên hút thuốc.

Cả nước đang dốc sức, huy động tổng nguồn lực từ cả hệ thống chính trị, sự chung lòng của cả xã hội quyết tâm chiến thắng Covid-19. Và trên thực tế, Việt Nam được quốc tế ghi nhận là một trong những quốc gia thành công trên mặt trận phòng, chống Covid-19. Mong rằng, trên mặt trận “chống tác hại của thuốc lá”, chúng ta cũng có sự quyết tâm và chung tay như thế của toàn thể xã hội.

Trước hết, trong Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá năm nay (từ ngày 25-5 đến 31-5) những người hút thuốc lá hãy “Cam kết bỏ thuốc lá”. Mỗi lần cầm điếu thuốc, hãy nhớ về những con số: Thế giới có khoảng 8 triệu chết/năm vì thuốc lá, mỗi 6 giây lại có một người chết vì thuốc lá, hút một điếu thuốc lá giảm 5,5 phút tuổi thọ (thống kê của WHO).

Đặc biệt, trong 8 triệu người chết vì thuốc lá, có đến gần 1 triệu người hút thuốc lá thụ động - những người không trực tiếp hút mà buộc phải hít khói thuốc từ người khác thải ra. Những người hút thuốc lá thụ động kia là ai nếu không phải là ba, mẹ, con cái, người thân trong gia đình, hoặc bạn bè đồng nghiệp?  Vì vậy, xin hãy nghĩ về điều này mỗi khi châm lửa một điếu thuốc!

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.