Chặn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ các chợ truyền thống

.

Tính đến thời điểm hiện tại, 12 chợ trên địa bàn thành phố đã phải tạm dừng hoạt động kinh doanh, mua bán do có tiểu thương nhiễm Covid-19. Đặc biệt, chuỗi lây nhiễm từ lò mổ Đà Sơn và chợ thủy sản Thọ Quang tiếp tục làm lây lan mầm bệnh. Kiểm soát chặt hoạt động ra vào các chợ là vấn đề cấp bách hiện nay.

Chợ An Hải Đông (quận Sơn Trà) đặt mức cảnh báo cao để kiểm soát nguy cơ dịch bệnh.  Ảnh: QUỲNH TRANG
Chợ An Hải Đông (quận Sơn Trà) đặt mức cảnh báo cao để kiểm soát nguy cơ dịch bệnh. Ảnh: QUỲNH TRANG

Để chợ không trở thành “điểm nóng”

Hiện nay, quận Sơn Trà đã tạm dừng hoạt động 2 chợ (chợ Phước Mỹ, chợ Nại Hiên Đông) vì có ca nghi mắc Covid-19. Trước đó, chợ Mân Thái trên địa bàn quận này cũng phải tạm dừng kinh doanh để khử khuẩn, xét nghiệm tất cả tiểu thương. Trong khi đó, các chợ đang hoạt động như chợ An Hải Đông, Hà Thị Thân… đều được đặt trong tình trạng nguy cơ, cần tăng cường kiểm soát hoạt động. Trong sáng 29-7, tổ quản lý chợ An Hải Đông đã triển khai gắn tấm chắn nilon ngăn cách các quầy thịt.

Ông Phạm Tấn Thành, Trưởng ban quản lý (BQL) chợ quận Sơn Trà cho biết đã triển khai bố trí cho tiểu thương kinh doanh mặt hàng thiết yếu bán luân phiên trong ngày, bảo đảm không quá 50% số lượng tiểu thương tại chợ. Ngoài ra, công tác phòng, chống dịch được kích hoạt ở chế độ cao nhất. Cụ thể, tại tất cả các cổng, cửa các chợ đều được trang bị bảng hiệu tuyên truyền 5K và yêu cầu khách hàng và hộ kinh doanh trước khi vào chợ phải thực hiện sát khuẩn; thường xuyên thông báo trên hệ thống phát thanh 8-10 lần/ngày; lực lượng bảo vệ cầm loa tay đi trực tiếp nhắc nhở. BQL chợ kiên quyết lập biên bản, xử lý các trường hợp hộ kinh doanh không chấp hành, không thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch tại chợ, đối với khách hàng không đeo khẩu trang thì không giải quyết vào chợ.

Tại chợ đầu mối Hòa Cường (quận Hải Châu), tất cả các xe tải chở hàng từ tỉnh Quảng Nam và các tỉnh, thành phố về Đà Nẵng vẫn đi lại bình thường (thực hiện quy định theo xe vận chuyển hàng hóa qua chốt); lái xe, phụ xe chấp hành khai báo y tế, đo thân nhiệt và có thông tin người nhận hàng với BQL.

Ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng BQL chợ đầu mối Hòa Cường thông tin, chợ thường xuyên cập nhật trạng thái lên website antoancovid.vn; thực hiện khai báo y tế trực tuyến 3 ngày/lần; tiếp tục phân công 1 người duy trì giữ trật tự vỉa hè, lòng đường Hồ Nguyên Trừng - Lê Sát để nhắc nhở, không cho hộ hàng rong đặt, để hàng ngồi bán trong khu vực này, nếu không chấp hành thì phối hợp tổ quy tắc lưu động của phường đến xử lý.

Tuy đã có những nỗ lực trong việc tăng cường kiểm soát tại các chợ, một số chợ do quận, huyện, địa phương quản lý vẫn còn tình trạng người ra vào chợ lộn xộn, đi chợ không mang thẻ, thẻ không đúng ngày, phản ứng với lực lượng trực chốt khi không được vào chợ, mua bán tự phát, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường bên ngoài khu vực chợ... Trưởng BQL chợ quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Đình Mâng cho hay, hầu hết các hộ tiểu thương chấp hành tốt 5K và một số quy định riêng trong phòng, chống dịch của BQL chợ. Song, vẫn còn 1 vài hộ chấp hành chưa nghiêm và bị đình chỉ kinh doanh.

Kiểm soát ra vào chợ tại chợ đầu mối Hòa Cường, quận Hải Châu. Ảnh: QUỲNH TRANG
Kiểm soát ra vào chợ tại chợ đầu mối Hòa Cường, quận Hải Châu. Ảnh: QUỲNH TRANG

Kiểm soát chặt, xử lý nghiêm vi phạm  

Là nơi cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày, chợ truyền thống cũng là địa điểm được cho là tiềm ẩn rủi ro và nguy cơ lây lan dịch bệnh cao do tập trung đông người. Vì vậy, thời điểm này, chính quyền thành phố cần có biện pháp mạnh hơn, bởi chỉ hy vọng vào ý thức người dân là chưa đủ. Hiện ngành y tế đang khẩn trương tổ chức lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối với toàn bộ cán bộ, nhân viên, tiểu thương, người vận chuyển (có liên quan đến hoạt động tại các chợ) và các hộ kinh doanh xung quanh chợ trên địa bàn quản lý. Theo đó, tất cả tiểu thương ở các chợ, kể cả nhân viên bảo vệ, lái xe, giữ xe, ban quản lý, người buôn bán vỉa hè xung quanh khu vực chợ đều được tổng rà soát xét nghiệm.

Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương cho biết, nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch tại các chợ, kể từ ngày 30-7, BQL các chợ bố trí cho tiểu thương kinh doanh mặt hàng thiết yếu bán luân phiên trong ngày, bảo đảm không quá 50% số lượng tiểu thương tại chợ. Ngoài ra, sắp tới địa phương chỉ phát hành thẻ vào chợ có QR Code, không sử dụng thẻ không có QR Code; các địa phương cũng tiến hành giải tỏa các chợ tự phát trên địa bàn. Mặt khác, sở yêu cầu các ban quản lý chợ phải phân công và công khai thông tin liên lạc (tên và số điện thoại) của cán bộ đầu mối phụ trách về công tác phòng, chống Covid-19 tại chợ để người lao động, người bán hàng và khách hàng được biết, liên hệ khi cần thiết; tổ chức mua hàng tại chợ theo quy trình một chiều (chiều vào, chiều ra khác nhau). Khách hàng, người bán hàng phải thực hiện nghiêm quy định 5K, đặc biệt, đeo khẩu trang đúng cách khi đến nơi đông người; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn khi có mặt ở chợ. Người dân chỉ đi chợ theo đúng ngày được quy định trên thẻ vào chợ.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh yêu cầu các quận, huyện siết chặt công tác phòng, chống Covid-19 tại các chợ thuộc địa bàn quản lý, nhất là các hộ buôn bán khu vực xung quanh chợ, trên đường dẫn đến các cổng chợ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.

Chiều 29-7, Sở Công thương cho biết, hiện tại cảng cá Thọ Quang đang lưu trữ khoảng 165 tấn thủy, hải sản các loại. Để kịp thời hỗ trợ tiêu thụ, giải phóng lượng hàng này, sở thông tin danh sách các đầu mối cung ứng thủy, hải sản tại cảng cá Thọ Quang đến các đơn vị có nhu cầu để biết, liên hệ thu mua. Sở đề nghị Công ty quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng, BQL các chợ trên địa bàn quận, huyện thông tin danh sách các đầu mối cung ứng thủy, hải sản tại cảng cá Thọ Quang đến các tiểu thương kinh doanh mặt hàng thủy, hải sản tại các chợ để liên hệ thu mua, phục vụ người dân. Đồng thời, trong quá trình tổ chức giao nhận, vận chuyển hàng, đề nghị các đơn vị thực hiện theo phương án tổ chức cung ứng, phân phối hàng thủy sản, bảo đảm phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành.

Quyết liệt kiểm soát phòng, chống dịch tại các chợ

UBND thành phố ban hành Công văn số 4778/UBND-KT ngày 29-7-2021 về việc tăng cường áp dụng các biện pháp phòng, chống Covid-19 tại các chợ trên địa bàn thành phố. Theo đó, đối với hộ kinh doanh, yêu cầu chỉ bán mặt hàng thiết yếu theo quy định, tuân thủ việc sắp xếp nơi bán của ban quản lý chợ, bảo đảm khoảng cách an toàn phòng, chống dịch; thực hiện tốt thông điệp 5K; quản lý chặt người lao động/người làm việc/người bán hàng của mình (thông tin về họ tên, năm sinh, số CMND, địa chỉ, quê quán, số điện thoại…).

Đối với người lao động/làm việc, người bán hàng phải thực hiện khai báo y tế hằng ngày khi đến chợ; thực hiện nghiêm thông điệp 5K, tuyệt đối không đến chợ khi có các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở. Thông báo ngay cho cán bộ quản lý chợ hoặc cán bộ đầu mối phụ trách phòng, chống dịch tại chợ nếu phát hiện bản thân hoặc người có liên quan trong giao tiếp tại chợ có một trong các biểu hiện sốt, mệt mỏi, ho, đau rát họng, khó thở.

Tại các chợ, yêu cầu thực hiện giãn cách các quầy hàng, sạp hàng trong chợ bằng cách bố trí bán luân phiên trong ngày không quá 50% số lượng hộ tiểu thương buôn bán các mặt hàng thiết yếu tại chợ (trừ các tiểu thương phân phối hàng sỉ tại chợ đầu mối Hòa Cường).  UBND thành phố giao các địa phương chỉ phát hành thẻ vào chợ có QR-code, không sử dụng thẻ vào chợ không có QR-Code. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm tình trạng chợ tự phát trên địa bàn, tình trạng người bán hàng rong thực phẩm tụ tập đông người tại các tuyến đường kiệt, hẻm ở khu dân cư.

Văn bản này áp dụng từ 12 giờ ngày 30-7-2021 cho đến khi có thông báo mới.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.