Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bảo đảm mức sinh thay thế

.

Công tác dân số ở thành phố đạt nhiều kết quả đáng khích lệ về kiểm soát tỷ lệ sinh cũng như chất lượng dân số. Thế nhưng, điều này dẫn đến hệ quả già hóa dân số, trong khi các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi chưa theo kịp.

Người cao tuổi rất cần những sinh hoạt tập thể để đời sống tinh thần luôn khỏe mạnh. Trong ảnh: Người cao tuổi phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu trong một lần thăm Làng Văn hóa ở Huế, lúc Covid-19 chưa bùng phát. Ảnh: NVCC
Người cao tuổi rất cần những sinh hoạt tập thể để đời sống tinh thần luôn khỏe mạnh. TRONG ẢNH: Người cao tuổi phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu trong một lần thăm Làng Văn hóa ở Huế, lúc Covid-19 chưa bùng phát. Ảnh: NVCC

Những chỉ số “vàng”

Báo cáo của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thành phố giai đoạn 2010-2020 cho thấy, công tác dân số ở thành phố đạt kết quả tốt nhất trên lĩnh vực cải thiện chất lượng dân số. Tỷ lệ tầm soát bệnh tật trước sinh đạt 4,5% từ năm 2010, liên tục tăng trong các năm qua và đến năm 2020 đạt 64,6%. Nhờ vậy công tác tầm soát, chẩn đoán bệnh bẩm sinh để từ đó có quyết định chấm dứt thai kỳ một cách phù hợp được thuận lợi hơn.

Tương tự, tỷ lệ tầm soát bệnh tật sơ sinh năm 2010 mới chỉ đạt 4%, đến năm 2020 tỷ lệ này nâng lên đến 84,2%. Đây là yếu tố quan trọng để kịp thời theo dõi, điều trị bệnh cho trẻ sơ sinh (nếu có), mở ra cơ hội khỏi bệnh nhiều hơn. Nhờ những kết quả này mà tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi từ 8,8%o năm 2010 xuống còn 8,4%o vào năm 2019; tỷ lệ suy duy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) năm 2010 từ 7,8% xuống còn 3,5% năm 2019, thể thấp còi (chiều cao/tuổi) năm 2010 từ 19,9% xuống còn 13% trong năm 2019.

Không những thành phố đạt được kết quả tốt trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ từ lúc mang bầu đến sau sinh, cũng như tầm soát theo dõi sức khỏe trẻ từ lúc còn nằm trong bụng mẹ, mà công tác chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân thành phố cũng đạt những bước tiến đáng kể. Đặc biệt, tuổi thọ trung bình của người dân năm 2010 là 75,9 tuổi, đến năm 2019 đã nâng lên 76,1 tuổi, cao hơn mức trung bình cả nước 2,5 tuổi.

Những vấn đề đặt ra từ việc già hóa dân số

Năm 2010, thành phố có 10,6% dân số có độ tuổi từ 60 trở lên, đến năm 2019 tỷ lệ này tăng lên 12,8%. Trong số này, người từ 65 tuổi trở lên chiếm 8% dân số vào năm 2010, đến năm 2019 tỷ lệ này đạt 8,6%. Điều này cho thấy quá trình già hóa dân số của thành phố bắt đầu từ trước năm 2010 và tăng nhanh vào những năm gần đây.

Theo dự báo của Chi cục DS-KHHGĐ thành phố, đến những năm 2030-2040, số người từ 65 tuổi trở lên ở thành phố đạt tỷ lệ 14%. Đây cũng là thời điểm quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh hơn nếu thành phố vẫn duy trì mức sinh thấp. Điều này có cơ sở vì hiện nay Đà Nẵng là một trong 21 tỉnh, thành phố trên cả nước có mức sinh thấp (với mức trung bình giai đoạn 2015-2019 là 1,99 con/phụ nữ).

Về vấn đề già hóa dân số đang diễn ra khá nhanh, bác sĩ Huỳnh Bá Tân, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ thành phố cho rằng, đây là kết quả của quá trình thực hiện tốt công tác chuyển trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển, nâng cao tuổi thọ, nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, trên thực tế, thành phố đối diện không ít thách thức, đó là tình trạng tuổi thọ tăng nhưng người dân chỉ sống khỏe mạnh đến khoảng 64 tuổi, còn sau đó đau ốm thường xuyên. Trong khi đó, hệ thống y tế hiện nay ở cấp thành phố chỉ có Bệnh viện Đà Nẵng có khoa Lão với 78 giường kế hoạch (thực kê 90 giường); tuyến quận, huyện mới có Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn có khoa Lão với 20 giường (thực kê 37 giường).

Ngoài ra, 100% cơ sở khám, chữa bệnh do thành phố quản lý hiện nay cũng bố trí 1.023 giường nội trú ưu tiên cho người cao tuổi, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho họ khi nhập viện điều trị. Đây là nỗ lực lớn từ ngành y tế thành phố nhưng cũng cho thấy khoảng cách khá xa so với nhu cầu khám, chữa bệnh của người cao tuổi.

Bên cạnh yếu tố về cơ sở chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi còn hạn chế, Đà Nẵng cũng như những thành phố lớn khác trên cả nước đối diện tình trạng thiếu không gian nghỉ ngơi, thư giãn phù hợp dành cho người cao tuổi. Các câu lạc bộ, nơi sinh hoạt dành riêng cho người cao tuổi vẫn còn ít, chưa đáp ứng hết nhu cầu về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần cho người cao tuổi.

Điều này dẫn đến hệ quả người cao tuổi đau ốm nhiều hơn, chi phí điều trị cho người cao tuổi của xã hội và gia đình cao hơn. Ngược lại với đà già hóa dân số có chiều hướng gia tăng là tình trạng tỷ lệ sinh giảm khiến công tác an sinh xã hội gặp nhiều thách thức. Đặc biệt nguồn cung cho thị trường lao động gặp nhiều khó khăn trong thời gian đến.

Sớm tháo gỡ những tồn tại này thì thành công từ việc nâng cao tuổi thọ của người dân thành phố mới thực sự có ý nghĩa. Nếu không cải thiện được vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cũng như bảo đảm mức sinh thay thế, công tác dân số sẽ là lực cản cho sự phát triển của thành phố.

THANH SƠN

;
;
.
.
.
.
.