Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn quận Liên Chiểu chú trọng thực hiện việc quét mã QR nhiều hơn, nghiêm túc hơn để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch là thực tế được ghi nhận trong thời gian gần đây.
Quán cà phê Ruby trên đường Hồ Tùng Mậu dán mã QR ngay cửa chính để nhắc nhở khách hàng về việc quét mã khi vào hàng quán. Ảnh: T.V |
Kiểm soát người ra vào các hàng quán ăn uống bằng việc quét mã QR để phục vụ công tác truy vết phòng, chống dịch khi cần thiết là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần giúp địa phương vừa bảo đảm khống chế sự lây lan của dịch bệnh vừa duy trì cuộc sống “bình thường mới” và khôi phục kinh tế - xã hội.
Hiện nay, không khó nhận thấy hình ảnh mã QR được trưng ở bảng hoặc dán trước lối ra vào các hàng quán trên khắp tuyến phố, khu dân cư thuộc địa bàn quận Liên Chiểu. Tại quán cà phê Ruby (179 Hồ Tùng Mậu), điều ấn tượng là hình ảnh mã QR được chủ quán dán ở mọi nơi dễ nhìn thấy trong không gian này. Mã QR không chỉ xuất hiện ở cửa chính, trên các vách kính, điểm tính tiền, cạnh hồ cá mà còn có ở tất cả mặt bàn để khách nhớ quét ngay khi mới vào. Tính sơ, trong quán này có đến vài chục điểm có thể quét mã.
Thấy khách tần ngần việc quét mã QR, nhân viên quán nhiệt tình giải thích đây là yêu cầu bắt buộc để bảo đảm phòng, chống dịch nên khách hàng cũng vui vẻ thực hiện. Hơn nữa, đến nay, việc khai báo y tế trên các ứng dụng PC-Covid hoặc 1022 không còn là thao tác quá bỡ ngỡ; ngược lại có thể nói đã dần trở nên quen thuộc với nhiều người nên nếu phải quét mã QR để được vào quán, khách hàng cũng không cảm thấy bất tiện, lạ lẫm.
Không riêng các nhà hàng, quán ăn lớn, những điểm bán hàng nhỏ trong khu dân cư như quán bún, tiệm bánh mì vốn trước đây ít chú trọng thực hiện nghiêm việc quét mã QR, nay cũng đồng loạt thực hiện quy định này. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi hàng quán có dán hoặc treo mã QR đều có hành động nhắc nhở hay yêu cầu khách hàng bắt buộc thực hiện quy định nếu khách không hợp tác. Đơn cử, tại một quán mì Quảng trên đường Hồ Quý Ly, khách hàng vẫn thoải mái vào ăn sáng khi không quét mã QR. Quán này cho rằng, nếu thực hiện cũng chỉ quét mã QR đối với vài người.
Chị Nguyễn Thị Lan (trú đường Nguyễn Thị Thập, phường Hòa Minh) cho biết: Gần đây đi đâu cũng thấy yêu cầu quét mã QR nhưng có nơi làm nghiêm, có nơi mình không quét vẫn không sao. Nói chung đối với khách hàng, không bị buộc quét mã QR càng thấy khỏe, còn nếu phải thực hiện cũng được, vì giờ có điện thoại thông minh cài mã sẵn rồi nên không khó khăn mấy.
Theo thông tin từ UBND quận Liên Chiểu, để các hàng quán tuân thủ, chấp hành việc quét mã QR khách hàng nhằm quản lý, kiểm soát tình hình Covid-19, toàn bộ hệ thống chính trị của quận đã phối hợp vào cuộc tuyên truyền, chấn chỉnh hoạt động này. Cụ thể, các tổ Covid-19 cộng đồng, hội đoàn thể, thanh niên tình nguyện được huy động đến từng cơ sở kinh doanh dịch vụ để hướng dẫn và nhắc nhở việc triển khai quét mã QR. Lãnh đạo quận yêu cầu các bộ phận liên quan thường xuyên kiểm tra việc quét mã QR ở các hàng quán. Trước đó, quận Liên Chiểu phối hợp Tổng đài 1022 thành phố tập huấn cho các phường về việc triển khai cài đặt mã QR cho các chủ cơ sở kinh doanh.
Ngoài ra, quận Liên Chiểu vừa hoàn tất việc lấy mẫu xét nghiệm đại diện cơ sở kinh doanh ăn uống theo chủ trương của thành phố nhằm chủ động tầm soát, phát hiện sớm SAR-CoV-2. Đối với nhà hàng, quán ăn, xét nghiệm 30% người lao động đại diện của mỗi bộ phận tại cơ sở (quản lý, lễ tân, nhân viên bếp, nhân viên phục vụ, trông giữ xe, giao hàng…).
Bên cạnh đó, hiện nay, trên địa bàn quận có hơn 99,8% người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1 và đang phủ mũi 2. Cùng với việc triển khai tiêm vắc-xin đầy đủ, thực hiện 5K, hành động nghiêm túc trong việc quét mã QR ở các hàng quán là những điều kiện quan trọng giúp địa phương tiếp tục duy trì trạng thái “bình thường mới”.
Theo Công văn số 3276/STP-PB-QLXL-TDTHPL của Sở Tư pháp về xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống Covid-19, việc không thực hiện quét mã QR khai báo y tế đối với người ra/vào địa điểm công cộng, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, các địa điểm sản xuất, kinh doanh dịch vụ, sự kiện đông người có thể bị xem xét, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền” theo khoản 2 Điều 14 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP với số tiền từ 5-10 triệu đồng đối với cá nhân và từ 10-20 triệu đồng đối với tổ chức. |
TOÀN VÂN