Cần kiểm soát việc thực hiện quét mã QR tại hàng quán

.

Để thích ứng an toàn với dịch bệnh trong tình hình mới và phục vụ công tác truy vết, khoanh vùng khi có yếu tố dịch tễ, thành phố đã triển khai hệ thống quét mã QR cho các hàng quán, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế, một số cửa hàng và người dân vẫn còn lơ là, chủ quan, không thường xuyên thực hiện quét mã QR. Các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện tuyên truyền, nhanh chóng “phủ sóng” QR cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Lực lượng quy tắc đô thị phường Phước Ninh kiểm tra việc quét mã QR tại các cửa hàng, cơ sở kinh doanh trên địa bàn trong sáng 28-10.  Ảnh: VĂN HOÀNG
Lực lượng quy tắc đô thị phường Phước Ninh kiểm tra việc quét mã QR tại các cửa hàng, cơ sở kinh doanh trên địa bàn trong sáng 28-10. Ảnh: VĂN HOÀNG

Quét mã QR: khi có, khi không

Quán cà phê T.C trên đường Trần Hưng Đạo (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) tuy có dán mã QR trên cửa để khách tự quét QR code trước khi vào, nhưng theo quan sát của phóng viên, đa số khách hàng vào sử dụng dịch vụ đều không quét mã.

Khi được hỏi về việc quét mã trước khi vào nhà hàng, quán ăn, chị Trần Thùy Trang (trú tổ 28, phường An Hải Tây) cho biết: “Mặc dù đã nghe trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội… nhưng khi vào quán, nhân viên hay chủ quán cũng không nhắc nhở việc khai báo hay quét mã để quản lý khách hàng. Thậm chí, khi thắc mắc về việc quét mã QR, nhiều chủ cơ sở, nhân viên đều bảo không cần”.

Trong khi đó, anh Lâm Gia Huy, chủ một cửa hàng ăn uống trên đường Trần Quốc Toản (phường Phước Ninh, quận Hải Châu) chia sẻ, mặc dù đã dán mã QR trước cửa nhưng đa phần khách ghé đến đều không chủ động quét mã và phải khi có nhân viên đến yêu cầu, nhiều người mới thực hiện khai báo y tế, tải phần mềm. Bên cạnh đó, một số khách hàng sử dụng các phần mềm khai báo y tế khác nên việc quét mã không thể thực hiện; có khách hàng không sử dụng điện thoại thông minh nên nhân viên của quán phải tốn thời gian để khai báo giùm.

Giải thích về việc không thực hiện việc quét mã QR cho khách trước khi vào theo quy định phòng, chống dịch của thành phố, nhiều chủ cơ sở kinh doanh cho rằng quán ăn quy mô nhỏ, thời gian buôn bán chỉ vài tiếng trong buổi sáng. Chưa kể, nhiều chủ quán là người lớn tuổi, không rành sử dụng điện thoại thông minh nên không biết cách quét mã cho khách. Hay một số khách hàng tỏ ra khó chịu, bỏ đi, không thực hiện việc quét mã dù được chủ quán hay nhân viên yêu cầu.

Việc quét mã QR tạo thói quen khai báo y tế, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới. TRONG ẢNH: Đoàn viên thanh niên quận Thanh Khê hướng dẫn cơ sở kinh doanh cài đặt phần mềm quét mã QR trong sáng 28-10. Ảnh: VĂN HOÀNG
Việc quét mã QR tạo thói quen khai báo y tế, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới. TRONG ẢNH: Đoàn viên thanh niên quận Thanh Khê hướng dẫn cơ sở kinh doanh cài đặt phần mềm quét mã QR trong sáng 28-10. Ảnh: VĂN HOÀNG

Hướng dẫn, kiểm tra và xử lý vi phạm

Theo ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà), các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn phường đều ký cam kết thực hiện các quy định phòng, chống dịch khi hoạt động trở lại. Tính đến ngày 28-10, phường có khoảng 50/170 cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn đã hoạt động, trong đó 45 cơ sở đã có mã QR để cho khách quét, khai báo khi sử dụng dịch vụ. “Lực lượng chức năng của phường thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở các hàng quán kinh doanh dịch vụ thực hiện nghiêm túc việc quét mã QR cho khách hàng. Địa phương cũng yêu cầu các lực lượng lập biên bản, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm”, ông Hùng cho hay.

Tại phường Phước Ninh (quận Hải Châu), UBND phường đã thành lập 2 tổ hướng dẫn, hỗ trợ chủ các hàng quán, cơ sở kinh doanh, cài đặt phần mềm E-ticket quét mã QR, xây dựng phương án thích ứng an toàn, kết hợp với việc tuyên truyền, tuần tra, giám sát thực hiện việc quét mã QR cho khách hàng. Đặc biệt, phường thành lập nhóm zalo, kết nối chủ các cửa hàng trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ các vấn đề phòng, chống dịch khi cần thiết.

Phó Chủ tịch UBND phường Phước Ninh Nguyễn Văn Thạnh cho biết, địa phương đã thực hiện tuyên truyền về việc quét mã QR của khách hàng cho 425 cơ sở kinh doanh, hàng quán hoạt động trở lại trên địa bàn. Đối với những chủ cơ sở là người lớn tuổi, không có điện thoại thông minh để quét mã QR, các lực lượng yêu cầu viết cam kết phòng, chống dịch; trang bị tờ khai y tế bằng giấy để khách hàng khai báo khi đến quán.

Theo UBND quận Hải Châu, tính đến ngày 25-10, trên địa bàn quận có 3.454/4.244 cơ sở sản xuất, kinh doanh mở cửa hoạt động trở lại. Để triển khai việc quét mã QR khai báo y tế kiểm soát người vào/ra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hàng quán trên địa bàn quận, UBND quận yêu cầu các phường nhanh chóng thực hiện hướng dẫn, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân, chủ các cơ sở kinh doanh nắm bắt thông tin và thực hiện cài đặt phần mềm.

Bên cạnh đó, địa phương thành lập 3 tổ kiểm tra, xử lý việc thực hiện quét mã QR khai báo y tế các cơ sở; phối hợp với lực lượng các phường tăng cường công tác kiểm tra, tránh tình trạng người dân chủ quan, lơ là, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của địa phương nói riêng và thành phố nói chung. “Hiện nay có rất nhiều phần mềm tạo mã QR khai báo y tế.

Nhiều người dân từ các địa phương khác không tải phần mềm Danang Smart City hoặc khai báo trên zalo Tổng đài 1022 nên chủ các cơ sở không thực hiện được việc quét mã. Chính vì vậy, cần cải thiện và đồng bộ ứng dụng để việc khai báo y tế, quét mã QR được thuận tiện, dễ dàng và hiệu quả hơn”, Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Tự Gia Thạnh cho biết.

Còn tại quận Thanh Khê, để nhanh chóng “phủ sóng” mã QR trên địa bàn, UBND quận đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ công thành phố tổ chức phát động và tập huấn hướng dẫn cho gần 100 đoàn viên, thanh niên thực hiện hỗ trợ quét mã QR cho các cơ sở kinh doanh, hàng quán ăn uống.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Thanh Khê Trần Tường Vân, thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, định hướng, người dân và cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn sẽ tiếp cận được các giải pháp công nghệ phù hợp, an toàn; đồng thời, hiểu rõ hơn vai trò, góp phần hình thành xã hội số, hội nhập kinh tế số. Người dân và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn cần chấp hành nghiêm việc quét mã QR, hình thành nên thói quen khai báo y tế, thực hiện quét mã khi đến các cơ sở và xây dựng môi trường an toàn, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong giai đoạn mới.

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay các địa phương đã triển khai việc quét QR đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trong việc phòng, chống dịch. Các cơ sở kinh doanh có thể đăng ký mã quét hoặc cho nhân viên quét từ các bảng khai báo y tế từ app Da Nang Smart City. Việc khai báo này sẽ được dùng trong việc cảnh báo khi có người có nguy cơ nhiễm bệnh hoặc phục vụ cho công tác truy vết khi có vấn đề.

VĂN HOÀNG - HÀ KHUÊ

;
;
.
.
.
.
.