Chủ động triển khai điều trị F0 tại nhà

.

Sau khi UBND thành phố thông qua kế hoạch điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 (F0) tại nhà, các địa phương chủ động triển khai trên cơ sở rà soát kỹ lưỡng các điều kiện, tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe bệnh nhân. Việc điều trị F0 tại nhà, nơi cư trú đang là mô hình điều trị phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong trạng thái bình thường mới, góp phần giảm áp lực cho các cơ sở điều trị Covid-19, tạo tâm lý thoải mái cho bệnh nhân.

Nhân viên y tế phường Thọ Quang, quận Sơn Trà kiểm tra, theo dõi sức khỏe bệnh nhân F0 điều trị tại nhà. Ảnh: PHAN CHUNG
Nhân viên y tế phường Thọ Quang, quận Sơn Trà kiểm tra, theo dõi sức khỏe bệnh nhân F0 điều trị tại nhà. Ảnh: PHAN CHUNG

Theo dõi triệu chứng hằng ngày

Là địa phương đầu tiên trên địa bàn thành phố kích hoạt trạm y tế lưu động điều trị F0 tại nhà, đến nay phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) tiếp nhận, theo dõi, điều trị 10 F0 tại nơi cư trú. Y sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Thọ Quang cho biết, đơn vị hoàn thành công tác tập huấn, chuẩn bị về nhân lực, trang thiết bị, thuốc men từ cuối tháng 11 theo kế hoạch của ngành y tế. Chính vì thế, khi kích hoạt trạm y tế lưu động, các nhân viên y tế không bị động, tổ chức đánh giá tình trạng và theo dõi sức khỏe hằng ngày cho bệnh nhân.

“Sau khi tiếp nhận các F0 điều trị tại nhà, trạm cập nhật thông tin của bệnh nhân, tổ chức lập nhóm zalo để các F0 cùng cán bộ, nhân viên y tế phường tương tác, trao đổi, chia sẻ thông tin về sức khỏe và tư vấn điều trị. Hằng ngày, bệnh nhân báo cáo bằng hình ảnh và đo thân nhiệt, có những triệu chứng bất thường thì hỏi bác sĩ phụ trách để được hướng dẫn về chuyên môn. Các triệu chứng, biểu hiện sức khỏe của bệnh nhân được theo dõi sát sao gồm: mạch, nhiệt độ, nhịp thở, huyết áp, ho, mệt mỏi, vị giác, thở dốc, tức ngực… Nhân viên y tế theo dõi tình trạng sức khỏe bệnh nhân liên tục để có hướng dẫn, tư vấn điều trị phù hợp”, y sĩ Linh chia sẻ.

Phường Thọ Quang là một trong những địa phương ghi nhận số ca mắc Covid-19 nhiều nhất trên địa bàn quận Sơn Trà, tính từ ngày 16-10 đến nay với 196 trường hợp. Là một trong những trường hợp F0 điều trị tại nhà đầu tiên, anh L.V.S chia sẻ, khi nghe y tế phường thông báo gia đình đủ điều kiện để cách ly và điều trị tại nhà, anh và mọi người đều rất mừng vì có điều kiện để chăm sóc nhau tốt hơn. “Ban đầu cũng hơi rối vì chưa rõ các quy trình nhưng được cán bộ y tế phường giải thích, hướng dẫn, hỗ trợ rất nhiệt tình nên cảm thấy yên tâm. Cả nhà cùng mắc nhưng không ai có triệu chứng nên chủ yếu ăn uống đầy đủ, tăng sức đề kháng”, anh S. cho biết.

Theo bác sĩ Phạm Hồng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, liên quan đến việc thành lập trạm y tế lưu động để điều trị F0 tại nhà, đơn vị tổ chức hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho hơn 70 cán bộ, nhân viên y tế. “Trước mắt Trung tâm Y tế quận Sơn Trà tổ chức điều trị F0 thí điểm tại phường Thọ Quang, giao trạm y tế phường trực tiếp tổ chức thực hiện và sau đó nhân rộng trên địa bàn toàn quận. Đơn vị cũng cử các cán bộ, nhân viên y tế xuống hỗ trợ chuyên môn cho các địa phương để thực hiện nhiệm vụ này”, bác sĩ Nam nói.

Công tác quản lý, giám sát việc tuân thủ các quy định và nguyên tắc cách ly là rất quan trọng khi triển khai điều trị F0 tại nhà.Ảnh: PHAN CHUNG
Công tác quản lý, giám sát việc tuân thủ các quy định và nguyên tắc cách ly là rất quan trọng khi triển khai điều trị F0 tại nhà. Ảnh: PHAN CHUNG

Chủ động triển khai, chống lây nhiễm

Theo kế hoạch của ngành y tế, từ tháng 12, việc điều trị F0 tại nhà triển khai trên toàn địa bàn thành phố. Các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế chủ động thực hiện nhiệm vụ này, trong đó ưu tiên những phường, xã ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng cao.

Đang là điểm nóng về số ca mắc Covid-19 ghi nhận mỗi ngày, mặc dù chuẩn bị sẵn sàng nhưng hiện nay, quận Liên Chiểu vẫn chưa thực hiện được việc điều trị F0 tại nhà do phải tập trung cho các nhiệm vụ quan trọng, cần thiết hơn. Bác sĩ Lê Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, cho biết: “Quận lên kế hoạch thiết lập 10 trạm y tế lưu động tại 5 phường trên địa bàn để điều trị F0 tại nhà. Các điều kiện về nhân lực, trang thiết bị đã sẵn sàng.

Tuy nhiên, do số ca mắc Covid-19 trên địa bàn quận liên tục tăng, các nhân viên y tế được huy động tối đa cho nhiệm vụ truy vết, xét nghiệm và bóc tách F0 trong cộng đồng. Dự kiến trong ít ngày tới, đơn vị triển khai thí điểm đầu tiên tại phường Hòa Hiệp Bắc”. Tương tự, bác sĩ Trần Thiện Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ thông tin, đơn vị đang rà soát lại tình hình dịch bệnh trên địa bàn và sẽ quyết định triển khai điều trị F0 tại nhà trong tuần này. Trước mắt, quận Cẩm Lệ thành lập mỗi phường một trạm y tế lưu động để thực hiện nhiệm vụ.

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, UBND thành phố ban hành hướng dẫn cụ thể về việc điều trị bệnh nhân F0 tại nhà. Khi tiến hành triển khai, việc nhận định, đánh giá tình hình ban đầu rất quan trọng. Các nhận định gồm: điều kiện về bệnh lý và điều kiện về nhà ở có đáp ứng hay không. Cụ thể, các F0 điều trị tại nhà phải có đủ khả năng tự chăm sóc bản thân (ăn uống, tắm rửa…).

Có khả năng tự liên lạc với nhân viên y tế khi có tình trạng chuyển biến xấu, cấp cứu... “Một vấn đề khá quan trọng đối với tổ chức cách ly điều trị F0 tại nhà, đó là công tác quản lý, giám sát việc tuân thủ quy định và nguyên tắc cách ly, điều trị tại nhà đối với các F0. Bởi ngoài điều kiện về cơ sở vật chất, ý thức tự bảo vệ bản thân, bảo đảm an toàn cho người thân, cộng đồng của các F0 vô cùng cần thiết để không làm lây lan dịch ra cộng đồng. Mỗi gia đình được xem là một cơ sở cách ly, vì vậy chống lây nhiễm chéo là nhiệm vụ hết sức quan trọng”, bác sĩ Thạnh cho biết.

PHAN CHUNG

Hỗ trợ F0 điều trị tại nhà trên ứng dụng “Hỗ trợ cách ly và điều trị tại nhà”

Sở Thông tin và Truyền thông vừa có văn bản gửi Sở Y tế về việc sử dụng phân hệ giám sát, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà trên ứng dụng “Hỗ trợ cách ly và điều trị tại nhà”.
 
Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng phân hệ giám sát và hỗ trợ F0 tích hợp trong phần mềm hỗ trợ cách ly và điều trị tại nhà mà các cơ quan y tế địa phương đang sử dụng. Người cách ly, sử dụng chức năng “Hỗ trợ cách ly, điều trị” trên ứng dụng DaNang smart City (tích hợp vào 1 mẫu điện tử (eForm) cho cả người về từ vùng dịch, F1, F0); cán bộ phường, xã sử dụng phân hệ giám sát, hỗ trợ (https://quanlycachly.danang.gov.vn); Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng giữ quyền quản trị và điều phối triển khai sử dụng ứng dụng. Ngoài ra, một số chức năng được bổ sung để phục vụ giám sát, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà như: định vị/cảnh báo khi người cách ly ra khỏi nhà; có nút gọi/thông báo khẩn cấp đến cán bộ y tế trong tình huống người cách ly có biểu hiện nặng (ho ra máu, khó thở, tức ngực, không tỉnh táo).
THU HÀ

 

;
;
.
.
.
.
.