Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý điều hành và công tác khám, chữa bệnh. Qua đó, tăng hiệu quả, giảm tải khối lượng, áp lực công việc cho đội ngũ y, bác sĩ; tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian phục vụ, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý điều hành và công tác khám, chữa bệnh. TRONG ẢNH: Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đang khám cho một bệnh nhi. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Tích hợp nhiều phần mềm, ứng dụng
Là bệnh viện tuyến đầu trong công tác khám, điều trị cho bệnh nhi và phụ sản trên địa bàn, số lượng bệnh nhân đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng ngày càng tăng cao. Trước thực tế trên, đơn vị đã áp dụng mô hình bệnh viện thông minh, sử dụng hình thức đặt lịch hẹn trực tuyến qua ứng dụng, phần mềm và website với mục đích tránh ùn ứ, giảm thời gian chờ của người dân khi đến khám tại bệnh viện.
Theo bác sĩ Bùi Thị Minh Hiền, Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, sau khi đăng ký thành công và nhận được tin nhắn thông báo, người dân chỉ cần đến đúng ngày hẹn khám mà không phải đăng ký lại tại quầy, nhờ đó, lượng bệnh nhân được bố trí cân đối và hợp lý hơn. Hiện có khoảng 20% người dân đến khám sử dụng dịch vụ đặt lịch hẹn trước.
Được biết, có thời điểm, bệnh viện tiếp nhận khoảng 900-1.500 lượt khám bệnh/ngày. Chính vì thế, việc phân luồng ngay từ lúc đăng ký khám bệnh mang đến nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, các quy trình từ khám, xét nghiệm, trả kết quả, đơn thuốc… đều được đồng bộ hóa, lưu trữ bằng các phần mềm quản lý. Mọi kết quả được chuyển trực tiếp đến bác sĩ nên rút ngắn nhiều thời gian, giảm áp lực cho đội ngũ y, bác sĩ và người dân trong quá trình khám, chữa bệnh.
Ông Phan Bảo Sơn, Phó phòng CNTT, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho hay, bệnh viện đang sử dụng hệ thống quản lý bệnh viện thông minh gồm các nhóm, phần mềm quản lý khám, chữa bệnh (HIS), quản lý xét nghiệm (LIS), quản lý chẩn đoán hình ảnh (RIS) và thực hiện lưu trữ và giao tiếp hình ảnh (PACS)… Ngoài ra, bệnh viện có khoảng 40 bác sĩ chuyên ngành tham gia tư vấn và khám sức khỏe trực tuyến thông qua ứng dụng Doctor4U. Thông qua ứng dụng này, các bác sĩ của bệnh viện hỗ trợ từ xa cho người dân về các bệnh lý và đưa ra lời khuyên tư vấn.
“Các phần mềm, ứng dụng giúp nâng cao hiệu quả toàn diện công tác quản lý bệnh viện, thông qua hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) tổng thể, thông minh, tích hợp chữ ký số, bệnh án điện tử…, tạo môi trường khám chữa bệnh hiện đại, hướng đến bệnh viện không giấy. Mặc khác, tối ưu được quy trình khám chữa bệnh, giảm thời gian và khối lượng công việc, thủ tục hành chính; qua đó, nâng cao công suất, hiệu suất và chất lượng khám chữa bệnh”, ông Phan Bảo Sơn nói.
Tăng cường thực hiện chuyển đổi số
Từ năm 2015, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã ứng dụng CNTT và thực hiện chuyển đổi số trong mọi hoạt động quản lý điều hành, khám và chữa bệnh cho người dân. Trong quá trình đó, bệnh viện gặp một số khó khăn nhất định như: cơ sở vật chất, hạ tầng cần sự đầu tư rất lớn trong khi nguồn kinh phí của bệnh viện có hạn.
Mặt khác, đặc thù của bệnh viện là chuyên khám, chữa bệnh sản phụ khoa, bệnh nhi và tầm soát dị tật thai nhi… nên không có nhiều đơn vị chuyên môn tương tự tại Đà Nẵng nói riêng và toàn quốc để kết nối trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống phần mềm thông minh, phù hợp. Bên cạnh đó, mức độ thành thạo về sử dụng CNTT của nhiều y, bác sĩ, cán bộ chuyên môn, đặc biệt là đội ngũ người lao động có thâm niên không đồng đều nên cần thời gian thích nghi để bảo đảm hiệu suất công việc.
TS. BS Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đánh giá, nhờ ứng dụng CNTT và thực hiện chuyển đổi số, thời gian chờ đợi khám, chữa bệnh được rút ngắn còn khoảng 1/3 so với trước đây, giúp người bệnh giảm chi phí, thời gian đi lại nhiều. Công tác truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác và hiệu quả nhờ liên thông các hệ thống chờ, khám bệnh, xét nghiệm, đơn thuốc điện tử... Ngoài ra, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến khó lường như hiện nay, việc chuyển đổi số và ứng dụng CNTT giúp hạn chế tiếp xúc, tụ họp đông người không cần thiết, tránh lây lan dịch bệnh trong bệnh viện. Đối với công tác quản lý điều hành, chuyển đổi số giúp rút ngắn thời gian xử lý về mặt chuyên môn. Đặc biệt, hệ thống bệnh án điện tử giúp công tác thống kê, lưu trữ, báo cáo số liệu, dữ liệu được kịp thời, nhanh chóng và chính xác. Từ đó, hỗ trợ đào tạo hiệu quả, xây dựng các đề tài nghiên cứu góp phần đánh giá đúng thực trạng, đưa ra những giải pháp cải thiện tình hình tử vong, bệnh tật dựa trên số liệu thống kê trên phần mềm…
Trong thời gian đến, bệnh viện sẽ tiếp tục nỗ lực ứng dụng CNTT và thực hiện chuyển đổi số, góp phần thực hiện hiệu quả đề án Chuyển đổi số của thành phố Đà Nẵng, chuyển đổi số ngành y tế và chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
“Bệnh viện sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị CNTT để cải tiến, nâng cấp, bổ sung thêm nhiều chức năng của các phần mềm quản lý, điều hành, khám và chữa bệnh. Bệnh viện sẽ thực hiện nâng cấp hạ tầng, đường truyền internet để phù hợp với hệ thống hiện tại; đồng thời, tăng cường đào tạo, nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT; phấn đấu 100% bệnh án của bệnh nhân trở thành bệnh án điện tử trong năm đến”, TS. BS Trần Thị Hoàng thông tin.
Theo Nghị quyết số 05-NQ/TU của Thành ủy Đà Nẵng về “Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, mục tiêu trong lĩnh vực y tế đến năm 2025, mỗi người dân đều có hồ sơ sức khỏe điện tử; 100% cơ sở y tế sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử trong khám, chữa bệnh; sử dụng dịch vụ đặt lịch, tư vấn, khám, chữa bệnh qua mạng, thanh toán viện phí qua mạng; kiểm tra chứng nhận, đánh giá an toàn thực phẩm của các nhà hàng và truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo chuỗi đối với các thực phẩm thiết yếu. |
VĂN HOÀNG