Sẵn sàng điều trị F0 tại nhà

.

Thực hiện Kế hoạch số 154/KH-BCĐ ngày 21-10-2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố về việc “Triển khai mô hình trạm y tế lưu động ứng phó Covid-19 trên địa bàn Đà Nẵng”, UBND quận Thanh Khê ban hành kế hoạch triển khai mô hình trạm y tế lưu động. Đến nay, công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế và nhân lực đã sẵn sàng để triển khai khi số ca mắc trên địa bàn tăng cao.

Trên cơ sở khảo sát thực tế và đáp ứng yêu cầu, kế hoạch của UBND thành phố, Trung tâm Y tế quận Thanh Khê phối hợp UBND các phường trình UBND quận thành lập 20 trạm y tế lưu động. Theo bác sĩ Võ Duy Trinh, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Thanh Khê, việc khảo sát, đề xuất thiết lập địa điểm trạm y tế lưu động được các địa phương cân nhắc, thực hiện kỹ lưỡng nhằm bảo đảm nguyên tắc một trạm y tế lưu động quản lý mỗi cụm dân cư có khoảng 50-100 trường hợp nhiễm Covid-19 cần được cách ly, điều trị tại nhà theo hướng dẫn, điều trị của Bộ Y tế. Về nhân lực y tế phục vụ trạm y tế lưu động, Trung tâm Y tế quận Thanh Khê huy động 100 nhân viên y tế. Mỗi trạm có tối thiểu 5 nhân viên y tế, trong đó có ít nhất 1 bác sĩ phụ trách, còn lại là điều dưỡng và các nhân viên y tế khác. Đặc biệt, có tối thiểu 1 nhân viên y tế nắm rõ địa bàn dân cư được giao.

Khi đi vào vận hành, các nhân viên y tế tại trạm y tế lưu động có nhiệm vụ tiếp đón, xét nghiệm Covid-19, cấp cứu, khám bệnh, cách ly tạm thời những trường hợp mắc Covid-19. Để đáp ứng yêu cầu chuyên môn, trước đó nhân viên y tế đã tham gia các chương trình tập huấn do Sở Y tế tổ chức, trong đó tập trung vào công tác điều trị, nhận định, đánh giá tình trạng bệnh nhân ban đầu.

“Khi đi vào vận hành, toàn bộ trường hợp F0 trên địa bàn quản lý đều được đưa đến khám, điều trị ở các trạm y tế lưu động. Tại đây, các y, bác sĩ sàng lọc những bệnh nhân F0 thể nhẹ để giữ lại điều trị theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế, còn những trường hợp bệnh nặng hoặc F0 có bệnh lý nền sẽ được chuyển lên bệnh viện tuyến trên chữa trị. Chính vì thế, việc nhận định, đánh giá tình trạng ban đầu là hết sức quan trọng”, bác sĩ Võ Duy Trinh cho biết.

Hiện nay Trung tâm Y tế quận Thanh Khê đang tổ chức điều trị thí điểm F0 tại nhà tại phường Thanh Khê Đông. Theo bác sĩ Võ Duy Trinh, việc điều trị thí điểm nhằm đánh giá, rút bài học kinh nghiệm phục vụ công tác điều trị F0 dài hạn. Ngoài việc nhận định về tình trạng bệnh nhân, công tác quản lý, giám sát việc tuân thủ quy định và nguyên tắc cách ly, điều trị tại nhà đối với các F0 là hết sức quan trọng. Bởi ngoài điều kiện về cơ sở vật chất, ý thức tự bảo vệ bản thân, bảo đảm an toàn cho người thân, cộng đồng của các F0 rất cần thiết để không làm lây lan dịch ra cộng đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Nguyễn Hữu Công, việc thiết lập các trạm y tế lưu động để triển khai điều trị F0 tại nhà nhằm tránh nguy cơ quá tải tại các cơ sở khám, chữa bệnh Covid-19 trên địa bàn quận. Nhiệm vụ này hướng tới mục tiêu hạn chế mức thấp nhất số ca mắc, tử vong, giảm tác động của dịch bệnh đến sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

“Quận yêu cầu các đơn vị, địa phương quán triệt, chấp hành nghiêm túc, kịp thời các yêu cầu phòng, chống dịch của Thành ủy, UBND thành phố và UBND quận. Các đơn vị được giao nhiệm vụ phải bảo đảm các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế và các điều kiện chuyên môn liên quan theo quy định; sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ của trạm y tế lưu động theo phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ”, ông Công cho biết.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.