Sau thời gian thí điểm, việc theo dõi, điều trị người mắc Covid-19 (F0) tại nhà được triển khai rộng rãi, đồng loạt trên địa bàn thành phố. Điều này phù hợp với tình hình dịch bệnh thực tế hiện nay, khi số ca mắc Covid-19 không triệu chứng chiếm tỷ lệ lớn.
Y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai điều trị F0 tại nhà. TRONG ẢNH: Cán bộ Trạm y tế lưu động phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) giới thiệu thuốc điều trị Covid-19 phục vụ điều trị F0 tại nhà. Ảnh: PHAN CHUNG |
Bên cạnh đó, việc theo dõi, điều trị F0 tại nhà là hướng đi mà UBND thành phố giao ngành y tế phối hợp các địa phương triển khai để sẵn sàng cho kịch bản tiếp nhận số lượng lớn ca mắc Covid-19 mỗi ngày, khi xuất hiện chủng virus mới.
Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng
Là địa phương tiên phong thí điểm theo dõi, điều trị F0 tại nhà, trong 2 ngày 6 và 7-1, quận Sơn Trà tiếp nhận 31 trường hợp mắc Covid-19 không triệu chứng được theo dõi, điều trị tại nhà. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, mặc dù công tác tập huấn đã được triển khai, nhân viên y tế nắm rõ quy trình, thủ tục, hoạt động chuyên môn nhưng khi đi vào thực hiện, áp lực rất lớn. “Y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai nhiệm vụ này. Trước hết, phải xác minh cơ sở vật chất có bảo đảm các điều kiện hay không, sau đó là các quy trình, quy định chuyên môn liên quan đến việc theo dõi sức khỏe hằng ngày của bệnh nhân”, bác sĩ Thuyên cho biết.
Theo đó, các bệnh nhân F0 điều trị tại nhà phải là những trường hợp không triệu chứng, có thể tự chăm sóc bản thân, biết cách đo thân nhiệt, uống thuốc theo hướng dẫn. Trong trường hợp không thể tự chăm sóc phải có người thân khỏe mạnh, có kiến thức, đặc biệt biết cách phòng ngừa lây nhiễm chéo trong quá trình cách ly, điều trị.
Tương tự tại huyện Hòa Vang, tính đến thời điểm này, có 35 trường hợp mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà, tập trung ở một số địa phương như Hòa Nhơn (8 ca), Hòa Sơn (5 ca), Hòa Phong (4 ca), Hòa Châu (4 ca)… Theo bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, các nhân viên y tế cơ sở được tập huấn, hướng dẫn việc theo dõi, điều trị và chăm sóc F0 tại nhà nên các hoạt động chuyên môn diễn ra thuận lợi.
“Việc điều trị F0 tại nhà cần sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng y tế và chính quyền địa phương. Trong đó, các địa phương có vai trò rất lớn trong việc phối hợp khảo sát, đánh giá hiện trạng, điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm để thực hiện”, bác sĩ Vĩnh cho biết.
Điểm mới trong việc điều trị F0 tại nhà hiện nay là sự hỗ trợ, tham gia phối hợp của lực lượng cấp cứu 115. Theo quy trình, lực lượng này có nhiệm vụ tiếp nhận, vận chuyển F0 tại địa điểm phát hiện đến nơi điều trị là cơ sở y tế hoặc tại nhà. Hiện lực lượng cấp cứu 115 được trang bị 20 đầu xe với 90 nhân viên, hoạt động 24/24 giờ.
Trung bình mỗi ngày lực lượng này vận chuyển khoảng 400 trường hợp, trong đó có thời điểm hơn 300 F0 mỗi ngày. “Đối với việc vận chuyển F0 về theo dõi, điều trị tại nhà cần có giấy xác nhận của chính quyền địa phương có đủ điều kiện hay không. Để tạo thuận lợi trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ này, rất cần sự vào cuộc có trách nhiệm của các lực lượng liên quan để mọi quy trình không bị gián đoạn và đặc biệt là không quá tải, ùn tắc khi số F0 tăng cao”, bác sĩ Trần Công Thông, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng trao đổi.
Nhân viên y tế quận Sơn Trà kiểm tra một gia đình điều trị F0 tại nhà. Ảnh: PHAN CHUNG |
Để cách ly F0 tại nhà an toàn, hiệu quả
Theo Sở Y tế, tính đến ngày 7-1, các địa phương đã và đang theo dõi, điều trị 247 F0 tại nhà, trong đó có 43 trường hợp khỏi bệnh. Có 114 trường hợp không có triệu chứng, 88 trường hợp có triệu chứng nhẹ và 3 trường hợp chuyển điều trị tập trung.
Bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết, quá trình triển khai thí điểm việc theo dõi, điều trị F0 tại nhà cho thấy vai trò của chính quyền địa phương và lực lượng y tế cơ sở rất lớn. Theo quy trình hiện nay, khi phát hiện F0 (thường là đến khám, xét nghiệm tại cơ sở y tế), đơn vị đó có trách nhiệm giữ bệnh nhân lại tại phòng cách ly để hạn chế lây nhiễm, đồng thời cung cấp thông tin bệnh nhân cho địa phương nơi cư trú.
Tại đây, chính quyền địa phương và lực lượng y tế cơ sở nhanh chóng thẩm định, xác minh địa chỉ lưu trú của bệnh nhân có đủ điều kiện được theo dõi, điều trị tại nhà hay không. Sau khi có giấy xác nhận của chính quyền địa phương, Trung tâm Cấp cứu 115 bố trí phương tiện, nhân lực vận chuyển F0 theo quy định.
“Để nâng cao hiệu quả trong việc theo dõi, điều trị F0 tại nhà, các quận, huyện nên chỉ đạo các phường, xã chỉ cho phép thực hiện cách ly, điều trị F0 tại nhà sau khi đã kiểm tra, xác nhận bảo đảm đủ điều kiện; tổ chức giám sát chặt chẽ cũng như xử lý rác thải có nguy cơ lây nhiễm theo đúng quy định”, bác sĩ Thủy cho biết.
Kêu gọi lực lượng y tế trong và ngoài công lập hỗ trợ điều trị F0 tại nhà Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Thanh Thủy, để sẵn sàng cho kịch bản tiếp nhận theo dõi, điều trị từ 2.500-3.000 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày, trong đó tập trung ưu tiên điều trị F0 tại nhà, ngành y tế đề nghị các địa phương chủ động trong việc xây dựng y tế trong và ngoài công lập hỗ trợ điều trị F0 tại nhà. Theo đó, hiện nay mỗi phường sẽ thành lập 2 trạm y tế lưu động với nhân lực tối thiểu 5 người/trạm. Tuy nhiên, nhân lực trạm y tế cơ sở hiện nay chỉ dao động từ 6-9 người/phường, xã và cùng lúc phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả trong công tác theo dõi, điều trị F0 tại nhà, các địa phương cần chủ động kêu gọi, phát huy tối đa nguồn nhân lực y tế, gồm hệ thống y tế tư nhân, y, bác sĩ, thầy thuốc hưu trí, các sinh viên y khoa, đội ngũ cộng tác viên dân số… |
PHAN CHUNG