Y tế - Sức khỏe
Cẩn trọng khi thời tiết đột ngột trở lạnh
Thời tiết tại Đà Nẵng trở lạnh, kèm theo gió mạnh và mưa phùn gây bất lợi cho sức khỏe. Theo các bác sĩ, mọi người dân, nhất là người có bệnh nền, người già và trẻ em cần giữ ấm, cẩn thận khi rời khỏi nhà.
Bệnh nhân lớn tuổi đến khám bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng sáng 23-2. Ảnh: T.S |
Theo thống kê của Bệnh viện Đà Nẵng, từ ngày 21 đến 23-2, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tăng 10-15% so với ngày thường. Trong đó, người già và người có bệnh nền chiếm số lượng nhiều. Tương tự, báo cáo của Bệnh viện Phụ sản - Nhi thành phố cho biết, trong hai ngày 21 và 22-2, lượng bệnh tăng khoảng 20% so với trước đó. Trong số này, số bệnh nhân nhi đến khám và điều trị chủ yếu là bệnh về hô hấp, ngoài ra còn có các bệnh rối loạn tiêu hóa, dị ứng...
Đối với tuyến y tế cơ sở, Trạm Y tế phường Mân Thái, quận Sơn Trà cho biết, hiện đơn vị không tiếp nhận, điều trị các bệnh thông thường mà theo dõi, tư vấn, chăm sóc các trường hợp F0, F1 tại nhà. Nhưng những ngày qua, số lượng người dân gọi điện hỏi thăm về cách phòng ngừa bệnh khi trời trở lạnh tăng nhiều.
Bác sĩ Lê Văn Trung Sơn công tác tại Trạm Y tế phường Mân Thái cho biết, thông qua việc gọi điện thoại nhờ tư vấn, hoặc nhân viên y tế đến tận nhà chăm sóc bệnh nhân F0, trạm hướng dẫn thêm cho người dân cách phòng tránh những bệnh thường gặp khi thời tiết đột ngột trở lạnh. Theo đó, đơn vị đặc biệt lưu ý người dân giữ ấm cơ thể, hiểu các dấu hiệu hạ thân nhiệt như run, tăng nhịp tim, thở dốc, mệt mỏi, chóng mặt... để gọi cấp cứu khi cần thiết. Bên cạnh đó, ăn uống đủ chất, tập thể dục thường xuyên sẽ giúp cơ thể duy trì trạng thái sức khỏe tốt.
Lượng bệnh nhân ở các bệnh viện trên địa bàn tăng nhẹ, tuy nhiên theo khuyến cáo của các bác sĩ, với diễn biến thời tiết khá phức tạp như hiện nay, người dân tuyệt đối không chủ quan.
Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, so với cùng thời điểm mọi năm, năm nay thời tiết khắc nghiệt hơn. Những ngày trước đó trời có nắng, nhiệt độ khá cao nhưng nay đột ngột hạ xuống dưới 200C. Đây là yếu tố khiến mọi người, đặc biệt là người già, người có nhiều bệnh nền suy yếu hệ miễn dịch dễ mắc các bệnh về tim mạch, hạ thân nhiệt... Với người già, khi nhiệt độ bên ngoài xuống thấp dễ làm tổn thương mạch máu; cơ chế điều hòa tuần hoàn não kém hơn bình thường... Những yếu tố này dễ dẫn đến tình trạng tai biến, đột quỵ. Vì vậy, người già, người có bệnh nền nên chú ý giữ đủ ấm cho cơ thể, tránh hoạt động vất vả ngoài trời có thể gây áp lực lên tim.
Dưới góc độ Đông y, bác sĩ Lê Thị Hoa, từng công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng chia sẻ, điều quan trọng nhất với tất cả mọi người, nhất là người già, người có nhiều bệnh như huyết áp, tim mạch, tiểu đường, xương khớp..., khi nhiệt độ xuống thấp tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc “không chuyển trạng thái đột ngột”. Tức là không đột ngột từ nơi ấm áp bước ra nơi lạnh; khi thức giấc không đột ngột ngồi dậy; không đột ngột thực hiện động tác mạnh... Tất cả cần có thời gian chuyển trạng thái, khi ở trong nhà ra ngoài trời phải giữ ấm cơ thể, di chuyển chậm để cơ thể dần thích nghi. Hoặc đang nằm muốn ngồi dậy từng bước xoa nóng một số vị trí trên cơ thể, sau đó từ từ ngồi dậy... Về ăn uống, cần chú ý ăn đủ chất, tăng rau xanh, các loại trái cây, bổ sung một số loại vi chất. Đây là những cách làm đơn giản, không tốn kém nhưng rất hiệu quả cho người già mỗi khi thời tiết trở lạnh đột ngột.
THANH VÂN