Vào công cụ tìm kiếm Google, gõ từ khóa “Điều trị Covid-19 tại nhà”, chỉ sau 0,72 giây, có đến 42,9 triệu kết quả. Tiếp tục gõ từ khóa “Phòng, điều trị bệnh khi chuyển mùa”, chỉ sau 0,43 giây chúng ta nhận được 34,7 triệu kết quả...
Những kết quả nhanh, gọn và dễ tiếp cận như vậy nói lên điều gì? Trước hết, dễ thấy rằng Covid-19 và những bệnh thường xuất hiện vào lúc chuyển mùa như hiện nay đang là mối bận tâm lớn từ cộng đồng. Thế nhưng, người sử dụng công nghệ “ứng xử” như thế nào với số lượng kết quả khổng lồ như vậy mới thực sự là câu hỏi khó trả lời. Chỉ biết rằng, thực tế có những câu chuyện cười ra nước mắt, thậm chí có trường hợp đánh đổi tính mạng chỉ vì nghe lời khuyên từ “bác sĩ Google”.
Không thể phủ nhận, internet và công cụ tìm kiếm thông tin Google mở ra cho mọi người cơ hội tiếp cận, kiếm tìm thông tin thuận lợi và dễ dàng. Tất cả thông tin, từ đơn giản đến những kiến thức hàn lâm đều có thể tìm thấy dễ dàng và nhanh chóng trên mạng...
Trở lại câu chuyện mang tính thời sự là Covid-19 và những bệnh xuất hiện ở thời khắc chuyển mùa. Thời gian qua, liên tục trên các phương tiện truyền thông cũng như cơ quan y tế, thầy thuốc... lên tiếng về tác hại khi điều trị theo phát đồ của “bác sĩ Google”.
Thế nhưng lạ thay, danh sách số người phải cấp cứu, bệnh trở nặng sau khi theo “bác sĩ Google” nhập viện không vì thế giảm bớt. Lý giải về thực trạng này, trước hết đó là tâm lý ngại đến cơ sở y tế của người dân, do nhiều thủ tục hành chính, nay lại thêm nỗi lo lây nhiễm Covid-19 nên họ quay sang tìm đến “bác sĩ Google” cho tiện. Thứ nhì, có nhiều người bị chính thông tin thổi phồng về hiệu quả điều trị nên nghe theo hướng dẫn của “bác sĩ Google”.
Không thể phủ nhận, thời gian qua, các cơ quan chức năng rất cố gắng trong việc giúp người dân tiếp cận thông tin chính thống bằng việc thường xuyên cập nhật thông tin trên website, mở các chuyên mục “hỏi đáp”, lập đường dây nóng giải đáp thắc mắc của người dân về điều trị Covid-19 và các bệnh tật khác. Nhiều bác sĩ còn thường xuyên livestream, sẵn sàng giải thích, cung cấp các thông tin cho người dân... Thế nhưng, những nỗ lực này của các cơ quan chức năng cũng như các thầy thuốc vẫn còn quá ít so với số lượng người hằng ngày, hằng giờ tìm kiếm và thực hành theo hướng dẫn của “bác sĩ Google”.
Thiết nghĩ, trong thời gian đến, các cơ quan chức năng nỗ lực nhiều hơn nữa, với sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức, hội, đoàn thể... giúp người dân tiếp cận, tìm hiểu và sử dụng thông tin từ các nguồn chính thống trong việc điều trị bệnh cho mình.
Về phía người sử dụng mạng xã hội cũng cần nhớ rằng, thông tin trên các công cụ tìm kiếm là thông tin mở, tức mọi người đều có thể đưa thông tin của mình lên một cách chủ quan, không cần kiểm tra, vì vậy độ chính xác là hoàn toàn bỏ ngỏ. Chỉ một khi hiểu được cốt lõi của vấn đề này, chúng ta mới sáng suốt trong việc chọn lựa và sử dụng thông tin hiệu quả. Còn nếu cứ mải miết nghe theo “bác sĩ Google”, nguy cơ “tiền mất, tật mang” rất cao.
THANH VÂN