Trước thực trạng số lượng F0 trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng, ngành y tế tập trung triển khai những giải pháp quyết liệt nhằm hạn chế tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế, bảo đảm công tác thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhất là bệnh nhân nặng.
Dù khó khăn, vất vả nhưng các y, bác sĩ vẫn nỗ lực từng ngày góp phần kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho người dân. Ảnh: XUÂN SƠN |
Quá tải bệnh nhân
Theo Sở Y tế, hiện có 15 cơ sở y tế trên địa bàn thành phố tiếp nhận, thu dung, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 với 1.900 bệnh nhân, trong đó hơn 270 trường hợp nặng.
Tại Bệnh viện dã chiến số 1, cơ sở đang điều trị hơn 820 bệnh nhân, trong đó hơn 150 bệnh nhân nặng. Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, sự khác biệt trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 lần này là vai trò, công việc dồn lên vai các nhân viên y tế nhiều hơn. Nguyên nhân do tình trạng bệnh nhân trở nặng nhiều hơn trước, các nhân viên y tế ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn còn kiêm việc chăm sóc toàn diện, hỗ trợ bệnh nhân sinh hoạt, ăn uống hàng ngày. Bệnh viện dã chiến đang khảo sát và mở thêm khu hồi sức tích cực khoảng 40 giường.
“Cái khó lớn nhất hiện nay tại Bệnh viện dã chiến số 1 là nguồn nhân nhân lực. Một số cơ sở y tế bắt đầu điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nên chủ động rút nhân lực tại đây. Hiện tại, nhân lực phục vụ block thứ 2 chưa đủ, nhưng bệnh viện vẫn phải mở rộng qua block thứ 3 để đáp ứng nhu cầu điều trị. Ở đây có nhiều bệnh nhân nặng và tập hợp những bệnh như tai biến, đái tháo đường, hậu phẫu… nên rất khó khăn cho nhân lực để điều hành”, bác sĩ Trung cho biết.
Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực cũng xảy ra tại nhiều cơ sở y tế. Theo bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, đơn vị đang đối mặt thực tế nhân viên bị mắc Covid-19 nghỉ làm để cách ly, điều trị khá nhiều. Theo báo cáo mới nhất, hiện 57/300 nhân viên y tế tại đơn vị này mắc Covid-19. “Nguyên nhân mắc Covid-19 xuất phát từ nhiều phía, không hoàn toàn do lây nhiễm chéo trong quá trình điều trị mà liên quan đến quá trình sinh hoạt, giao tiếp hằng ngày. Bởi các hoạt động trở lại bình thường, nhân viên y tế ngoài giờ làm cũng tham gia sinh hoạt, tiếp xúc như những người dân bình thường”, bác sĩ Vĩnh cho biết.
Để bảo đảm công tác chuyên môn, đặc biệt là việc điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 theo phân công của ngành y tế, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang luân phiên điều chuyển nhân lực, tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao chuyên ngành hồi sức, thận; quán triệt, nhắc nhở nhân viên y tế tuân thủ các quy định, hạn chế tối đa việc lây nhiễm trong nhân viên y tế.
“Hiện nay việc theo dõi, điều trị F0 tại nhà rất áp lực do số lượng bệnh nhân tăng cao. Để giảm tải áp lực, chính quyền địa phương nên can thiệp, hỗ trợ và tăng cường nhân lực hỗ trợ nhân viên y tế thực hiện các công việc hành chính. Ngoài ra, ngành y tế cũng nên kêu gọi, huy động thêm nguồn lực, trong đó có sinh viên y khoa hỗ trợ cho các địa phương thực hiện các công việc không nặng về chuyên môn”, bác sĩ Vĩnh đề xuất.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến. Ảnh: XUÂN SƠN |
Điều chuyển, cân đối
Bác sĩ Trương Văn Trình, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, dự báo trong những ngày tới, số lượng F0 tăng nhiều và diễn biến phức tạp do nhiều trường hợp không khai báo. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý, điều trị tại cộng đồng. Bên cạnh đó, tỷ lệ nhân viên y tế mắc Covid-19 cũng tăng, gây ảnh hưởng công tác điều trị tại các cơ sở y tế và việc theo dõi F0 tại nhà.
“Ngoài việc mở thêm khu hồi sức tích cực với 40 giường tại Bệnh viện dã chiến số 1, ngành y tế đang tiến hành mở rộng thêm khoảng 300 giường tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi để tiếp nhận các trường hợp nặng trong giai đoạn thời gian tới. Cùng với đó, ngành y tế đẩy nhanh việc điều trị thuốc kháng virus tại cộng đồng và các cơ sở y tế. Đồng thời, tăng cường thu dung bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện tư nhân, bệnh viện chuyên khoa và trung tâm y tế các quận, huyện để giảm tải cho Bệnh viện dã chiến số 1, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Phụ sản - Nhi”, bác sĩ Trình khẳng định.
Đối với việc điều phối nhân lực y tế, hiện nay các bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện bắt đầu tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 để giảm tải cho các cơ sở được phân công trước đây. “Ngành y tế yêu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế thiết lập các khu vực điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 riêng biệt, hạn chế lây nhiễm chéo mà vẫn bảo đảm chuyên môn điều trị các bệnh lý thông thường.
Tiếp tục rà soát, kêu gọi và điều chuyển nhân lực tại các cơ sở y tế không quá tải trong hoạt động chuyên môn để tăng cường cho Bệnh viện dã chiến số 1. Bởi hiện nay số ca mắc Covid-19 trở nặng, có nguy cơ tiếp tục tăng, các hoạt động chuyên môn tại đây bắt buộc phải duy trì, thậm chí mở rộng để đáp ứng nhu cầu”, bác sĩ Trình cho biết.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến, phần lớn F0 không triệu chứng đang cách ly, chăm sóc tại nhà, trường hợp có nguy cơ trung bình được chuyển vào các cơ sở y tế để theo dõi, điều trị. “Nhân lực y tế đang gặp khó khăn nên phải sử dụng một cách tối ưu hóa. Sở Y tế quán triệt các bệnh viện nếu không tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng phải hỗ trợ nhân lực hồi sức cho bệnh viện dã chiến. Vấn đề sống còn hiện nay là công tác điều trị F0 tại nhà và tại cơ sở y tế”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cần vận dụng và cân nhắc việc xác nhận F0 thông qua nhân viên y tế hoặc người dân lấy mẫu qua giám sát của nhân viên y tế để tránh tình trạng nhân viên y tế phải làm trực tiếp quá nhiều. Đối với các F0 điều trị tại nhà, Sở Y tế phân công nhiệm vụ rõ ràng cho mạng lưới thầy thuốc đồng hành, nhân viên y tế và trạm y tế các phường, xã để tránh trùng lặp các phần việc. Đồng thời, tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố tình hình dự kiến số ca F0 và số ca có khả năng chuyển nặng trong thời gian đến để có định hướng, chủ động phương án xử lý phù hợp.
PHAN CHUNG - LÊ HÙNG