Y tế - Sức khỏe

Thực phẩm tốt cho phổi sau khi mắc Covid-19

08:45, 17/03/2022 (GMT+7)

Hậu Covid-19, ngoài việc tiếp tục theo dõi và điều trị theo chỉ định của bác sĩ để mau chóng hồi phục sức khỏe thì chế độ dinh dưỡng giúp cải thiện chức năng phổi là điều mà nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 quan tâm.

Rau xanh là một trong những loại thực phẩm tốt cho phổi sau khi mắc Covid-19. Ảnh: K.Q
Rau xanh là một trong những loại thực phẩm tốt cho phổi sau khi mắc Covid-19. Ảnh: K.Q

Theo đó, Bộ Y tế đã đưa ra danh sách 10 loại thực phẩm tốt cho phổi mà người bệnh sau khi mắc Covid-19 nên dùng hằng ngày.

Quả lê

Quả lê chứa nhiều chất dinh dưỡng như axit malic, axit citric, carotene, vitamin B1, B2, C… có chức năng hỗ trợ làm sạch phổi tốt. Ăn lê giúp cải thiện tình trạng viêm ở bệnh nhân bị viêm phổi.

Táo

Táo là thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, trong đó có một flavonoid chống oxy hóa là quercetin có tác dụng bảo vệ phổi khỏi tác hại của ô nhiễm không khí và khói thuốc.

Bưởi

Bưởi là loại quả cung cấp nhiều khoáng chất, vitamin thiết yếu như vitamin C, vitamin B6, axit folic và magie… mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của lá phổi, giúp cơ thể bảo vệ phổi khỏi nhiễm trùng và tăng khả năng miễn dịch tổng thể.

Cà phê

Các nghiên cứu cho thấy cafein có tác dụng tương tự như một loại thuốc giãn phế quản, có thể tạm dừng làm giảm và cải thiện chức năng trong vòng 2-4 giờ sau khi ăn. Khi có những nguy cơ sức khỏe ở phổi hậu Covid-19, sử dụng cà phê đúng liều lượng giúp cải thiện, làm cho người bệnh dễ thở hơn.

Trà xanh

Trà xanh có tác dụng chống oxy hóa, loại bỏ các độc tố ra khỏi phổi, bảo vệ phổi trước các yếu tố gây bệnh như vi khuẩn, bụi bẩn, hóa chất độc hại… Ngoài ra, lá trà xanh còn có tác dụng phòng chống các bệnh như ung thư phổi, giảm cholesterol trong máu, phòng viêm khớp, tim mạch, truyền nhiễm…

Các loại hạt

Các loại hạt như hạt điều, hạt hướng dương, hạt bí, hạnh nhân, quả óc chó cung cấp cho cơ thể một lượng lớn khoáng chất và magie. Đây là những chất thiết yếu có tác dụng làm giãn cơ trơn bao bọc xung quanh các phế quản, từ đó làm giãn phế quản, giúp không khí dễ dàng đi qua đường thở tới các phế nang làm nhiệm vụ trao đổi khí cho hệ hô hấp.

Tỏi, gừng

Tỏi cung cấp hàm lượng lớn flavonoid giúp sản sinh glutathione, loại bỏ các độc tố. Những người thường xuyên ăn 2-3 tép tỏi sống mỗi ngày từ 3-4 lần/tuần sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh phổi lên tới 44%. Trong khi đó, gừng có đặc tính chống viêm hiệu quả, giúp loại bỏ các chất độc hại có trong phổi ra bên ngoài. Bên cạnh đó, gừng còn giúp lưu thông khí huyết, cải thiện hệ tuần hoàn phổi.

Củ cải

Củ cải được chứng minh có lợi cho chức năng, làm giảm huyết áp và tối ưu hóa lượng oxy, tất cả đều có thể giúp những người gặp khó khăn trong việc thở. Củ cải đường cũng chứa nhiều vitamin và chất dinh dưỡng giúp tăng cường sức khỏe cho phổi như magiê và kali.

Củ cải trắng có chứa hoạt tính kháng virus và kháng khuẩn, giúp làm thông mũi ở những người bị cảm lạnh hoặc cảm cúm. Uống nước ép củ cải trắng không chỉ làm thông thoáng đường thở bị tắc, loại bỏ chất nhầy dư thừa mà còn giúp chống lại bệnh tật.

Cà chua

Cà chua là một trong những nguồn thực phẩm giàu lycopene, một loại carotenoid có liên quan đến việc cải thiện chức năng phổi.

Rau lá xanh

Các loại rau xanh như cải ngọt, rau bina, cải xoăn, bắp cải là nguồn cung cấp dồi dào carotenoid, sắt, kali, canxi và vitamin. Những chất dinh dưỡng này có tác dụng chống viêm và chống ôxy hóa, có thể giúp giảm viêm và tăng cường sức khỏe tổng thể. Đặc biệt, bắp cải là sản phẩm có tác dụng thanh nhiệt giải độc và giảm ho, rất thích hợp cho bệnh nhân bị viêm phổi. Ngoài ra, những bệnh nhân bị viêm nhiễm cũng có thể ăn nhiều bắp cải để làm dịu cơn sốt.

K.Q (nguồn: Bộ Y tế)

.