Hiệu quả điều trị bằng y học cổ truyền

.

Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả điều trị, đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh, được các cơ quan chức năng đánh giá cao.

Bác sĩ khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Y học cổ truyền (bên trái) thăm khám bệnh nhân vào đầu năm 2022. Ảnh: LÊ VĂN THƠM
Bác sĩ khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Y học cổ truyền (bên trái) thăm khám bệnh nhân vào đầu năm 2022. Ảnh: LÊ VĂN THƠM

Những năm qua, Bệnh viện Y học cổ truyền được UBND thành phố và Sở Y tế đầu tư nhiều trang, thiết bị hiện đại, hỗ trợ đắc lực cho công tác khám, chữa bệnh. Từ tháng 10-2021, bệnh viện chuyển đến cơ sở mới khang trang, rộng rãi trên tuyến đường Đinh Gia Trinh (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) với quy mô 300 giường bệnh. Đội ngũ thầy thuốc nơi đây thường xuyên tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn; có nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học được các cơ quan chức năng đánh giá cao và đưa vào áp dụng tại bệnh viện.

Ban giám đốc bệnh viện xây dựng, duy trì hoạt động 10 đơn vị chuyên sâu nhằm chuyên môn hóa và nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị. Từ đầu năm 2022, Bệnh viện Y học cổ truyền triển khai hoạt động Đơn vị tư vấn và điều trị hậu Covid-19, chuyên tư vấn, điều trị di chứng ảnh hưởng về sức khỏe của bệnh nhân Covid-19 đã xuất viện.

Đặc biệt, bệnh viện bào chế thành công 23 chế phẩm từ cây thuốc Nam và các vị thuốc y học cổ truyền. Những chế phẩm này được cơ quan chức năng thẩm định và cho phép sử dụng trong công tác điều trị.

Thầy thuốc ưu tú, BS. Nguyễn Văn Ánh, Giám đốc bệnh viện cho biết: “Thời gian tới, bệnh viện tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua viết sáng kiến, làm đề tài nghiên cứu khoa học, phát huy kết quả bào chế thuốc, nỗ lực thực hiện kết hợp Đông y với Tây y trong công tác khám, chữa bệnh, tăng cường hiệu quả hoạt động của Đơn vị tư vấn và điều trị hậu Covid-19”.

Các hoạt động điều trị, chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện được thực hiện khoa học, tận tình. Bệnh nhân N.D.T.G (quê tỉnh Thừa Thiên Huế), bị tai biến mạch máu não năm 2021, bất động hoàn toàn. Trước đây con bà túc trực tại bệnh viện để chăm sóc nhưng 3 tháng nay, bà đã tự phục vụ.

Bà D. bày tỏ: “Sau khi bị tai biến, tôi điều trị nhiều nơi mà không thuyên giảm, nhưng từ khi vào đây, với sự tận tình chữa trị của các bác sĩ, điều dưỡng, tôi đỡ nhiều. Bây giờ, các con yên tâm về lo việc nhà khi tôi có thể tự làm mọi sinh hoạt”.

Hồi tháng 11-2021, bà P.T.Q. (86 tuổi, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bị di chứng nhồi máu não, liệt toàn thân, gia đình đưa bà đến Bệnh viện Y học cổ truyền với tâm trạng “còn nước còn tát”. Bà Q. được các thầy thuốc tích cực điều trị kết hợp giữa Đông y với Tây y, được tập phục hồi chức năng dưới sự hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu người Mỹ - bà Virginia Lockett.

Anh Nguyễn Văn Luận, con bà Q. chia sẻ: “Khi đưa mẹ đến đây nhập viện, anh em tôi nghĩ làm cho tròn đạo hiếu chứ không còn hy vọng, vậy mà nay bệnh mẹ thuyên giảm nhiều, đã làm được một số sinh hoạt thường ngày”…

Mới đây, tại buổi kiểm tra kết quả công tác năm 2021, đoàn kiểm tra của Cục Quản lý Y dược cổ truyền, Bộ Y tế cho rằng, Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố đạt thành tích xuất sắc toàn diện, nhiều năm dẫn đầu hệ thống bệnh viện y học cổ truyền cả nước.

“Với sự chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực cùng với trang, thiết bị hiện đại, tin tưởng Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố sẽ phát triển mạnh hơn trong thời gian đến”, Trưởng đoàn kiểm tra Hoàng Thị Hoa Ly nhấn mạnh.

MINH NGỌC

;
;
.
.
.
.
.