Hỗ trợ phòng, chống dịch qua đường dây nóng

.

Thời gian qua, ngành y tế thiết lập hệ thống đường dây nóng nhiều cấp hỗ trợ người dân trong công tác phòng, chống Covid-19. Thông tin phản ánh sau khi tiếp nhận được chuyển đến các cơ quan, đơn vị liên quan để xử lý. Theo đánh giá chung, nội dung phản ánh chủ yếu là giải đáp thắc mắc của người dân đến các vấn đề liên quan như công tác tiêm chủng, điều trị F0, điều trị hậu Covid-19, các chính sách hỗ trợ, nhập cảnh…

Nhân viên y tế tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn.Ảnh: PHAN CHUNG
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: PHAN CHUNG

Hơn 2 năm qua, số điện thoại đường dây nóng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố (0905108844) hoạt động liên tục 24/24 để tiếp nhận thông tin của người dân liên quan đến tình hình Covid-19.

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng, tùy theo từng giai đoạn, tần suất hoạt động của đường dây nóng khác nhau. Thời điểm khi dịch bệnh mới bùng phát và Đà Nẵng là tâm dịch của cả nước (tháng 8-2020), số điện thoại đường dây nóng của CDC Đà Nẵng mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm cuộc điện thoại từ người dân. Nội dung các cuộc gọi chủ yếu tìm hiểu về chủ trương, chính sách phòng, chống dịch của thành phố; khai báo thông tin F1, F2, F liên quan và các chính sách đi, đến Đà Nẵng.

Năm 2021, khi dịch bệnh bùng phát trên khắp cả nước, Đà Nẵng áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ, số điện thoại đường dây nóng của CDC Đà Nẵng tiếp tục là kênh thông tin kết nối giữa người dân với ngành y tế trong việc cung cấp chủ trương, chính sách thay đổi liên tục. “Đến thời điểm hiện tại, nội dung các cuộc gọi đến đường dây nóng lại tập trung vào vấn đề tiêm vắc-xin, cập nhật sổ sức khỏe điện tử, công tác điều trị, cách ly F0 tại nhà…

Khi Covid-19 không còn phức tạp, nguy hiểm như trước do đã tiêm phủ vắc-xin, sự quan tâm của người dân giảm nhiều so với trước. Hiện trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận trên dưới 100 cuộc gọi liên quan, nội dung chủ yếu là giải đáp, tư vấn. Số điện thoại đường dây nóng không còn thực sự “nóng” như trước, chưa kể người dân cũng có nhiều kiến thức, kinh nghiệm và nhiều kênh thông tin khác để tham khảo, tìm hiểu”, bác sĩ Thạnh cho biết.

Ngành y tế thiết lập hệ thống đường dây nóng nhiều cấp để tiếp nhận, xử lý thông tin và hỗ trợ người dân phòng, chống dịch.
Ngành y tế thiết lập hệ thống đường dây nóng nhiều cấp để tiếp nhận, xử lý thông tin và hỗ trợ người dân phòng, chống dịch.

Để chủ động giải đáp thắc mắc và nhu cầu người dân, từ năm 2020, Sở Y tế thiết lập thêm các số điện thoại đường dây nóng tại các Trung tâm Y tế quận, huyện. Bác sĩ Phạm Hồng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà cho biết, đơn vị lập hai số điện thoại đường dây nóng, giao hai Phó Giám đốc Trung tâm trực tiếp chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin. “Những vấn đề trong phạm vi, thẩm quyền của đơn vị, chúng tôi trực tiếp xử lý, giải quyết. Nếu vượt quá hoặc không thuộc thẩm quyền, lãnh đạo Trung tâm hướng dẫn, chuyển thông tin đến đơn vị liên quan. Nội dung phản ánh chủ yếu liên quan chủ trương, chính sách phòng, chống dịch, công tác cách ly, tiêm chủng. Những vấn đề này đều thể hiện rõ trong các chủ trương, chính sách về phòng, chống dịch của Trung ương và thành phố, chúng tôi có nhiệm vụ truyền đạt, giải thích để người dân rõ thêm. Ngoài ra, thời điểm triển khai áp dụng cách ly, điều trị F0 tại nhà, số điện thoại Trạm trưởng Trạm Y tế các phường cũng được công bố rộng rãi như một kênh thông tin chính thức để tiếp nhận, hướng dẫn, xử lý các F0, F liên quan theo đúng quy định”, bác sĩ Nam cho biết.

Theo bác sĩ Trương Văn Trình, Phó Giám đốc Sở Y tế, từ ngày 2-2-2020, Bộ Y tế thiết lập thêm đường dây nóng 1900 9095 để tư vấn người dân các biện pháp phòng, chống Covid-19. Các cuộc gọi đến đường dây này đều miễn phí. Theo đó, khi người dân gọi, phản ánh các vấn đề liên quan đến Đà Nẵng, hệ thống tổng đài kết nối cuộc gọi với bộ phận tiếp nhận thông tin tại Sở Y tế. Tại đây, sở sẽ tiếp nhận, xử lý thông tin theo đúng phạm vi, thẩm quyền.

“Các nội dung phản ánh qua đường dây nóng đều được đưa ra trong các cuộc giao ban lãnh đạo sở để giải quyết. Những vấn đề thuộc cơ quan, đơn vị nào, sở chuyển xuống xử lý. Nếu vấn đề nóng, gây bức xúc dư luận, sở lập tức kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý ngay. Qua hơn hai năm phòng, chống dịch, hệ thống đường dây nóng các cấp, đơn vị đều phát huy được vai trò, là cầu nối giải đáp thắc mắc, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện tốt hơn các quy định phòng, chống dịch”, bác sĩ Trình nhận xét.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.