Sẵn sàng tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

.

UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo khảo sát, có khoảng 69% phụ huynh trên địa bàn thành phố đồng ý tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho con em mình. Đến thời điểm hiện tại, ngành y tế và các địa phương sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, tổ chức tiêm chủng khi có kế hoạch.

UBND thành phố yêu cầu các ngành, địa phương phối hợp, triển khai có hiệu quả công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Trong ảnh: Nhân viên y tế tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh THCS trên địa bàn quận Sơn Trà. Ảnh: PHAN CHUNG
UBND thành phố yêu cầu các ngành, địa phương phối hợp, triển khai có hiệu quả công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. TRONG ẢNH: Nhân viên y tế tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh THCS trên địa bàn quận Sơn Trà. Ảnh: PHAN CHUNG

Theo Sở Y tế, số liệu rà soát, thống kê từ các địa phương cho thấy, trên toàn địa bàn thành phố có khoảng 133.000 trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi. Trong đó, hiện có khoảng 30.000 trẻ đã mắc Covid-19 (theo quy định, trẻ đã mắc Covid-19 tiêm sau 3-6 tháng). Khảo sát ý kiến của phụ huynh cho thấy, hiện có khoảng 70.000 trẻ (69%) sẵn sàng cho kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trong thời gian đến.

Hiện các địa phương đã xây dựng kế hoạch tiêm chủng khi vắc-xin được cung ứng. Tại quận Thanh Khê, khảo sát có khoảng 17.000 trẻ trong độ tuổi tiêm vắc-xin. Theo ông Nguyễn Hữu Công, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, địa phương giao UBND các phường chủ trì phối hợp với các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non, nhó lớp... đóng trên địa bàn phường có trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi rà soát lại, lập danh sách; thực hiện tuyên truyền, vận động người dân khẩn trương, tích cực cho con em đi tiêm chủng kịp thời, đúng thời gian. Quận cũng thiết lập hai điểm tiêm tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin quận và Trường THCS Huỳnh Ngọc Huệ gồm 11 bàn tiêm để tổ chức tiêm khi có kế hoạch.

“Trong thời gian tổ chức tiêm, lãnh đạo các trường có trách nhiệm cử giáo viên chủ nhiệm đứng điểm tại điểm tiêm để theo dõi, đôn đốc học sinh của trường đi tiêm đúng thời gian quy định. Chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong việc đưa đón học sinh đi tiêm, phát mẫu phiếu khám sàng lọc, phiếu đồng ý tiêm để phụ huynh điền đầy đủ thông tin nộp lại cho giáo viên chủ nhiệm trước khi đi tiêm”, ông Công cho biết.

Tương tự, tại quận Sơn Trà, có khoảng 16.900 trẻ em trong độ tuổi tiêm vắc-xin, hiện địa phương thiết lập 3 điểm tiêm tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin quận, Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện và Trường THCS Nguyễn Chí Thanh với 15 bàn tiêm.

Theo bác sĩ Ngô Văn Đình Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, các nhân viên y tế ngoài kinh nghiệm tổ chức tiêm vắc-xin trước đây, nay được tập huấn thêm, trong đó đặc biệt lưu ý đến công tác khám sàng lọc, theo dõi phản ứng sau tiêm cho trẻ, đồng thời hướng dẫn người nhà theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho trẻ sau tiêm. “Các điểm tiêm đều có sự phối hợp giữa y tế, nhà trường và địa phương. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản cũng như phương tiện phục vụ công tác cấp cứu, xử lý tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đều bảo đảm theo quy định”, bác sĩ Hoài cho biết.

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, theo quy định của Bộ Y tế, vắc-xin phòng Covid-19 tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi bao gồm 2 loại đó là Pfizer (liều 10μg - 0,2 ml tương đương 1/3 liều người lớn) và Moderna (liều 50μg - 0,25 ml tương đương 1/2 liều người lớn). Đến thời điểm hiện tại, CDC Đà Nẵng đã tiếp nhận 10.300 liều vắc-xin Moderna từ Bộ Y tế. Hiện ngành y tế đang xây dựng kế hoạch và tổ chức tiêm cho trẻ em các địa phương trong thời gian sớm nhất.

“Căn cứ vào khả năng cung ứng vắc-xin, hướng dẫn của Bộ Y tế và tình hình dịch tại địa phương, việc tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi dự kiến triển khai ngay khi tiếp nhận vắc-xin với 2 đợt. Trong đó, đợt 1 dự kiến triển khai bắt đầu từ tháng 4-2022, tổ chức tiêm chủng cho các trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi không bao gồm trẻ đã mắc Covid-19 trong 3 tháng qua. Đợt 2 dự kiến triển khai sau khi có hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế về thời điểm triển khai tiêm chủng cho trẻ mắc Covid-19. Toàn thành phố hiện có khoảng 30.000 trẻ đã mắc Covid-19”, bác sĩ Thạnh cho biết.

Việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi giúp chủ động phòng, chống dịch trong cộng đồng. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng khám bệnh hậu Covid-19 cho trẻ em. Ảnh: PHAN CHUNG
Việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi giúp chủ động phòng, chống dịch trong cộng đồng. TRONG ẢNH: Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng khám bệnh hậu Covid-19 cho trẻ em. Ảnh: PHAN CHUNG

Trong khi đó, theo bác sĩ Trương Văn Trình, Phó Giám đốc Sở Y tế, công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ tổ chức theo hình thức cuốn chiếu theo trường, theo địa bàn, bảo đảm an toàn, hiệu quả. Một trong những yêu cầu mà các đơn vị, cơ sở đặc biệt chú ý là thực hiện khám sàng lọc trước tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong đó lưu ý việc khai thác kỹ tiền sử mắc Covid-19 của trẻ khi khám sàng lọc và có chỉ định trì hoãn tiêm chủng sau khi mắc bệnh 3 tháng theo hướng dẫn. Việc giám sát và xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cần đặc biệt chú ý. Theo đó, sau khi tiêm, trẻ cần được theo dõi ít nhất 30 phút tại điểm tiêm chủng. Nhân viên y tế hướng dẫn đối tượng tiêm chủng, phụ huynh, người giám hộ theo dõi trẻ chặt chẽ tại nhà trong vòng 24 giờ và tiếp tục theo dõi trong vòng 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu tiên sau tiêm chủng về các dấu hiệu toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm, thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường.

“Người thân của trẻ cần liên hệ các bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu sau tiêm chủng có biểu hiện sức khỏe bất thường. Đến ngay bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất khi có một trong các dấu hiệu như sốt cao (≥390C), tím tái, khó thở…hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 24 giờ sau tiêm chủng. Trường hợp xảy ra tai biến nặng khi đang triển khai tiêm chủng, người đứng đầu cơ sở tiêm chủng có trách nhiệm dừng ngay buổi tiêm chủng, xử trí cấp cứu và báo cáo theo quy định”, bác sĩ Trình cho biết.

Tiêm vắc-xin để yên tâm hơn

Chị Nguyễn Thảo Anh, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê cho biết: Covid-19 dù không còn phức tạp, đáng sợ như trước nữa nhưng mình vẫn không thực sự yên tâm nếu con mình mắc phải. Hiện nay, các trường học mở cửa trở lại, các hoạt động kinh tế - xã hội đã hồi phục và sắp tới du khách, chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam cũng rất nhiều. Điều này mở ra nhiều cơ hội để hồi phục, phát triển kinh tế nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ. Thích ứng an toàn theo mình chính là tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ lây nhiễm. Mình ủng hộ việc tiêm cho trẻ em.

Trong khi đó, chị Lê Thị Nhung, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà chia sẻ: “Bản thân mình đã mắc Covid-19 nên rất sợ bị tái nhiễm. Mặc dù không còn nguy hiểm như trước nhưng hậu Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, sinh hoạt. Trước đây mình cũng phân vân lựa chọn có nên tiêmvắc-xin cho con hay không. Nhưng sau khi bản thân trực tiếp mắc, điều trị và vượt qua những khó khăn hậu Covid-19, mình nghĩ việc tiêm vắc-xin cho con là cần thiết, là cách để bảo vệ sức khỏe cho con, nhất là trong bối cảnh nhiều chủng virus cùng xuất hiện như hiện nay”.

Cần làm gì khi đưa trẻ đi tiêm vắc-xin?

Theo bác sĩ Trần Thị Hoàng, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng: Người nhà chuẩn bị thông tin về bệnh lý của trẻ; thuốc trẻ đang sử dụng; tiền sử dị ứng đối với thuốc, thức ăn nếu có; chuẩn bị các thông tin về tình trạng sức khỏe. Mặc áo quần thoải mái, áo tay ngắn; mang theo nước uống; trấn an trẻ không lo lắng khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19; đi đúng giờ hẹn; ngồi nghỉ theo dõi sau tiêm 30 phút. Cần theo dõi toàn trạng của trẻ có hốt hoản, ngất xỉu không. Theo dõi hô hấp của trẻ có tiếng thở bất thường (rít, khò khè), có thở hụt hơi, thở gấp không. Các dấu hiệu cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gấp đó là kích thích, vật vã, lừ đừ, co giật; đau ngực, đánh trống ngực, mệt lả, vã mồ hôi; khó thở khi hoạt động bình thường, khi nghỉ ngơi; sốt cao khó hạ nhiệt độ sau khi sử dụng thuốc hạ sốt, hoặc kéo dài trên 24 giờ; nôn nhiều, bỏ bữa; phát ban tiến triển nhanh trong vòng vài giờ.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.