Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ vừa đã cập nhật Khuyến nghị Y tế liên quan đến cuộc điều tra về sự bùng phát bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em trên toàn thế giới.
Hình ảnh mô phỏng virus gây bệnh viêm gan. Ảnh: Getty Images/TTXVN |
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết một nghiên cứu bệnh chứng (nhằm tìm kiếm nguyên nhân gây bệnh) dự kiến hoàn tất trong tuần này sẽ cung cấp thêm thông tin rõ ràng hơn về mối liên hệ có thể có giữa adenovirus hoặc Covid-19 với bệnh viêm gan bí ẩn.
Theo CDC Mỹ, tính đến ngày 5/5, cơ quan này và các đối tác ở các bang đang điều tra 109 trường hợp trẻ em bị viêm gan không rõ nguyên nhân tại 25 bang và vùng lãnh thổ, hơn 50% trong số đó có kết quả xét nghiệm dương tính với adenovirus với hơn 90% trường hợp phải nhập viện, 14% được ghép gan và 5 trường hợp tử vong. Báo cáo của Medical Xpres cho thấy khoảng 18% trường hợp mắc căn bệnh này trên toàn thế giới cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19.
Phát biểu họp báo, bà Philippa Easterbrook, quan chức trong chương trình viêm gan toàn cầu của WHO, cho biết trọng tâm trong tuần tới là xem xét xét nghiệm huyết thanh để tìm các trường hợp phơi nhiễm và mắc Covid-19 trước đó. Cũng theo bà, trong tuần này, Vương quốc Anh sẽ có dữ liệu về một nghiên cứu bệnh chứng so sánh tỷ lệ phát hiện adenovirus ở trẻ em bị viêm gan cấp tính bí ẩn với những trẻ nhập viện khác không mắc bệnh về gan. Điều này nhằm xác định liệu việc nhiễm adenovirus chỉ ngẫu nhiên được phát hiện hay có mối quan hệ nhân quả với bệnh viêm gan cấp tính. Hiện tại, các giả thuyết hàng đầu vẫn là những giả thuyết liên quan đến adenovirus, ngoài ra vẫn còn một sự cân nhắc quan trọng về vai trò của Covid-19 như một bệnh đồng nhiễm hoặc một bệnh nhiễm trùng trong quá khứ.
Tiến sĩ Daniel Lucey, Giáo sư y khoa lâm sàng tại Trường Y Dartmouth Geisel, cho biết câu hỏi đặt ra là liệu có một mô hình đặc trưng trong bệnh lý viêm gan ở những bệnh nhân này hay không. Mô hình như vậy có thể được nhận thấy ở giai đoạn bệnh tiến triển khi phẫu thuật ghép gan được thực hiện, hoặc sớm hơn trước khi có tổn thương gan nghiêm trọng. Nếu một mô hình bệnh lý gan như vậy đã được tìm thấy, đây có thể được sử dụng để giúp xác định căn nguyên của bệnh viêm gan hoặc ít nhất giúp sớm đưa ra một hội chứng bệnh lý-lâm sàng thống nhất.
Theo hãng tin Reuters, do adenovirus được sử dụng để sản xuất một số vaccine ngừa Covid-19, một giả thuyết đã đề cập đến khả năng về mối liên hệ giữa tiêm phòng và dịch viêm gan bùng phát ở Anh, nơi phần lớn các ca mắc căn bệnh này được báo cáo. Tuy nhiên, BBC News cho rằng adenovirus được sử dụng trong vaccine là "chất vận chuyển vô hại đã được sửa đổi để chúng không thể nhân bản hoặc gây nhiễm trùng". Tương tự, Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cho biết: "Không có bằng chứng về bất kỳ mối liên hệ nào giữa (bệnh viêm gan bí ẩn) với vaccine (ngừa Covid-19). Đa số các trường hợp dưới 5 tuổi và chưa được tiêm vaccine vì còn quá nhỏ.
Tiến sĩ Norberto Rodriguez-Baez, Giáo sư nhi khoa tại Trung tâm Y tế Tây Nam Đại học Texas (Mỹ), cho biết hầu hết trẻ em trong các trường hợp được báo cáo mắc bệnh viêm gan bí ẩn đều có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng. Những triệu chứng này xuất hiện do sự phát triển của bệnh vàng da. Vàng da là khi da và mắt chuyển sang màu vàng do gan mất khả năng đào thải bilirubin đúng cách. Đáng chú ý là sốt không được mô tả là một triệu chứng phổ biến trong những trường hợp này. Ngoài ra, tất cả trẻ em trước đây đều khỏe mạnh.
Tiến sĩ Rodriguez-Baez nhấn mạnh điều đáng lo ngại là các bậc phụ huynh khó có khả năng nhận biết được nguy cơ con em mình phát triển bệnh viêm gan. Do đó, điều quan trọng là các bậc cha mẹ cần cảnh giác với các dấu hiệu của bệnh viêm gan - đặc biệt là chứng vàng da và vàng mắt - để kịp thời đưa các con đi khám bệnh.
Theo TTXVN