Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đủ, đúng liều giúp tăng cường hệ miễn dịch

.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, vắc-xin phòng Covid-19 là yếu tố quan trọng trong phòng, chống dịch, tạo cơ sở, tiền đề để thích ứng an toàn, hiệu quả trong tình hình mới. Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, ngành y tế và các ngành, địa phương đã triển khai các kế hoạch tiêm vắc-xin đủ, đúng liều với từng nhóm đối tượng cụ thể. Báo Đà Nẵng trao đổi với bác sĩ Trương Văn Trình, Phó Giám đốc Sở Y tế xung quanh vấn đề này.

Việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đủ, đúng liều giúp tăng cường hệ miễn dịch. Trong ảnh: Nhân viên y tế tiêm  vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ảnh: PHAN CHUNG
Việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đủ, đúng liều giúp tăng cường hệ miễn dịch. TRONG ẢNH: Nhân viên y tế tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ảnh: PHAN CHUNG

* Bác sĩ cho biết  cụ thể về hiệu quả, sự cần thiết của việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19?

- Thực tế thời gian qua đã chứng minh vắc-xin phòng Covid-19 đã rất hiệu quả trong việc bảo vệ mọi người, giảm khả năng bệnh diễn biến nặng, tránh nhập viện, thậm chí ngăn ngừa tử vong do Covid-19. Thông tin từ hệ thống quản lý điều trị Covid-19 của Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế cho thấy, trong số những trường hợp tử vong do Covid-19 ở Việt Nam thời gian qua có tới 52,8% trường hợp chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19; 29,8% đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi và chỉ có 7,3% đã tiêm 3 mũi.

Ở nước ta hiện nay, mặc dù Covid-19 đã được kiểm soát, nhưng vẫn ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mới mỗi ngày. Covid-19 chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy vắc-xin vẫn rất cần thiết trong việc bảo vệ con người khỏi những diễn biến khó lường của dịch. Thực tế hiện nay cho thấy, virus gây Covid-19 vẫn luôn biến đổi và xuất hiện những biến chủng mới, khó lường. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia đã mở cửa đi lại, là cơ hội để các biến thể lưu hành và phát triển, làm gia tăng tỷ lệ mắc Covid-19 trên toàn cầu. Vì vậy, việc tiêm vắc-xin đúng, đủ liều theo khuyến cáo của ngành y tế là cần thiết.

* Tình hình tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại Đà Nẵng hiện nay như thế nào, thưa bác sĩ?

- Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND thành phố, thời gian qua Sở Y tế đã chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương triển khai đồng loạt các kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 với các nhóm đối tượng. Cụ thể, ngành y tế triển khai kế hoạch số 2551/SYT-NVY ngày 3-6 và công văn số 2554/SYT-NVY ngày 4-6 tiêm vắc-xin cho nhóm đối tượng từ 12 tuổi trở lên, đặc biệt là tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho người từ 18 tuổi trở lên.

Tiếp đến là kế hoạch số 2629/KH-SYT ngày 8-6, tổ chức tiêm mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và kế hoạch số 2801/KH-SYT ngày 17-6, tổ chức tiêm mũi 2 vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tính đến ngày 27-6, có hơn 3.390 trẻ tiêm vắc-xin mũi 1 theo kế hoạch số 2629/KH-SYT ngày 8-6, đạt tỷ lệ 12,4%; có hơn 8.400 trẻ tiêm mũi 2 vắc-xin phòng Covid-19 theo kế hoạch số 2801/KH-SYT ngày 17-6, đạt tỷ lệ 35,2%.

Đối với việc tiêm mũi 4 vắc-xin phòng Covid-19, các đơn vị, địa phương triển khai đồng loạt. Tuy nhiên, tính đến nay chỉ có hơn 35.900 trường hợp tiêm mũi 4, đạt tỷ lệ 10,4% so với kế hoạch.

* Vì sao tỷ lệ tiêm mũi 4 vắc-xin phòng Covid-19 chưa cao?

- Có nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết, do tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, nên đa số người dân có tâm lý chủ quan lơ là, dẫn đến không đi tiêm chủng nữa, vì cho rằng như thế là đã có miễn dịch tốt và dịch cũng không tái phát nữa. Một số người lao động tại thành phố sau khi tình hình dịch đã ổn nên đi các địa phương khác để làm ăn vì thế ảnh hưởng đến số lượng của người tham gia tiêm chủng.

Bên cạnh đó, một số người dân nghe theo các thông tin trên mạng không chính thống cho rằng tiêm vắc-xin ảnh hưởng tới sức khỏe. Mặt khác, hệ thống tiêm chủng cũng chỉ mới cung cấp địa chỉ của đối tượng tiêm chủng tới phường, xã, chưa cung cấp tới thôn, tổ vì vậy ảnh hưởng tới công tác mời tiêm và sàng lọc các đối tượng tiêm.

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các nhân viên y tế quận Sơn Trà.  Ảnh: PHAN CHUNG
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các nhân viên y tế quận Sơn Trà. Ảnh: PHAN CHUNG

* Giải pháp nào để cải thiện thực trạng trên, góp phần tăng tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn thành phố ?

- Để đạt hiệu quả cao hơn trong công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, các đơn vị, địa phương cần tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông, tập trung vào đối tượng chính là những người cần phải tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4), gồm người trên 50 tuổi, lực lượng tuyến đầu chống dịch, cán bộ y tế, người lao động tại các khu công nghiệp, du lịch, chợ, nhà hàng, khách sạn, lực lượng công an, quân đội… Khẳng định vai trò của tiêm chủng trong kiểm soát dịch và phát triển kinh tế, tiêm chủng là để phòng, chống dịch bệnh vì dịch vẫn còn. Tiêm vắc-xin không ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân theo thông báo, khẳng định của cơ quan chuyên môn y tế.

Cần huy động cả hệ thống chính trị các cấp vào cuộc, người đứng đầu các địa phương, tổ chức, phải chịu trách nhiệm nếu số lượng người tham gia tiêm chủng không bảo đảm đồng thời cam kết chịu trách nhiệm nếu để dịch xảy ra tại nơi mình quản lý. Đối với ngành y tế, chúng tôi cũng lên kế hoạch, thiết lập các điểm tiêm linh hoạt, an toàn, phù hợp, thời gian hợp lý… với từng địa phương, đối tượng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận với việc tiêm chủng.

* Cảm ơn bác sĩ về cuộc trao đổi này!

PHAN CHUNG thực hiện

;
;
.
.
.
.
.