Cảnh báo tình trạng "trẻ hóa" bệnh nhân đột quỵ

.

Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân trẻ tuổi đột quỵ nhập viện cấp cứu, điều trị gia tăng. Nếu như trước đây, căn bệnh này chỉ xuất hiện ở bệnh nhân lớn tuổi với các bệnh nền đi kèm, thì nay đang được cảnh báo “trẻ hóa”, nhất là hậu Covid-19. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, đây là dấu hiệu đáng lo ngại và người trong cuộc cần chủ động nắm bắt và ứng phó khi xảy ra sự cố.

Tình trạng trẻ hóa bệnh nhân đột quỵ đang được báo động. Trong ảnh: Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân đột quỵ. Ảnh: PHAN CHUNG
Tình trạng trẻ hóa bệnh nhân đột quỵ đang được báo động. TRONG ẢNH: Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân đột quỵ. Ảnh: PHAN CHUNG

Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đà Nẵng vừa tiếp nhận cấp cứu, điều trị bệnh nhân D.Q.H (22 tuổi, trú quận Ngũ Hành Sơn) trong tình trạng tím tái, chóng mặt, mất thăng bằng. Bệnh nhân H. được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng vào khoảng 11 giờ ngày 7-6, sau khi đi nhậu về và bệnh nhân tắm đêm như một thói quen trước khi đi ngủ. Tại đây, bệnh nhân được khám, chụp MRI, kết quả cho thấy mạch máu não bệnh nhân bị dị dạng và vỡ. Việc đưa bệnh nhân cấp cứu kịp thời trong “giờ vàng” đã tránh được tình trạng phù não, dẫn đến trở nặng và tử vong.

Trước đó, bệnh nhân L.T.S (31 tuổi, trú tỉnh Quảng Nam) được chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng trong trạng thái co cứng chân tay, môi tím, thở ngáp, hôn mê, ngưng tim và ngưng thở. Bệnh viện Đà Nẵng đã kích hoạt quy trình “báo động đỏ” để tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhân. Theo người nhà, bệnh nhân trước đó bị Covid-19, đã điều trị khỏ nhưng vẫn còn một số triệu chứng như mất ngủ, thiếu tập trung khi làm việc, ăn không ngon miệng.

Các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng đã chỉ định chụp mạch máu não, kết quả cho thấy mạch máu não bệnh nhân bị tắc nhiều đoạn ở động mạch cảnh trong và não giữa bên trái, là các mạch máu rất lớn của não. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não giờ thứ 2 và ngay lập tức được chỉ định điều trị bằng phương pháp tiêu sợi huyết tĩnh mạch. Theo nhận định, nếu đưa bệnh nhân đến chậm hơn thì nguy cơ sẽ tổn thương toàn bộ bán cầu não bên trái, khả năng tử vong cao hoặc phải nằm một chỗ, khó phục hồi.

Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đà Nẵng hiện đang tiếp nhận, điều trị hơn 100 bệnh nhân đột quỵ, trong đó có nhiều bệnh nhân trẻ, nguy kịch. Trung bình mỗi năm, đơn vị này điều trị cho khoảng 4.000 bệnh nhân bị đột quỵ ở mọi lứa tuổi. Theo bác sĩ Dương Quang Hải, Phó trưởng khoa Đột quỵ, bệnh nhân đột quỵ được tiếp nhận, điều trị phân thành 2 nhóm chính là đột quỵ xuất huyết và đột quỵ thiếu máu cục bộ.

Đáng lưu ý, đột quỵ thiếu máu não cục bộ do các cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch, cản trở quá trình máu lưu thông lên não đang trở nên phổ biến, không phân biệt tuổi tác hay yếu tố bệnh nền. “Nếu người già bị đột quỵ thường do các bệnh lý đi kèm, nhất là cao huyết áp, đái tháo đường thì việc người trẻ bị đột quỵ lại xuất phát từ thói quen sinh hoạt, ăn uống dẫn đến xuất hiện các cục máu đông, cản trở quá trình lưu thông máu lên não. Việc sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, ma túy hay thuốc tránh thai… đã làm gia tăng thực trạng này”, bác sĩ Hải chia sẻ.

Khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, đột quỵ để lại nhiều di chứng nặng nề, trong đó có đến 70% trường hợp bị đột quỵ không thể trở lại tình trạng sức khỏe ban đầu. Thậm chí, những bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ dù có nền tảng thể lực tốt cũng không thể điều trị khỏi hoàn toàn mà để lại di chứng. Dưới góc độ xã hội, người trẻ bị đột quỵ khiến xã hội mất đi nguồn lực lao động, người thân tốn công sức, tài sản để chăm sóc cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, các di chứng đi kèm sau đột quỵ cũng khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt.

Để phòng tránh đột quỵ, người dân cần thay đổi thói quen sinh hoạt, tăng cường tập thể dục giúp, duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý, nhiều rau củ quả, ít chất béo, đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ngọt và các chất kích thích. “Muốn biết mình có ở trong nhóm nguy cơ cao đột quỵ hay không bạn nên đi khám, tầm soát đột quỵ, giúp nhận diện, phát hiện sớm các dị dạng mạch máu não, nhận biết được các vấn đề về tim mạch, nhất là các chứng rối loạn nhịp tim, hoặc bị hẹp, hở van tim...

Bên cạnh đó, khi xuất hiện các triệu chứng như: yếu liệt một bên tay chân, rối loạn cảm giác ở một bên tay chân, méo miệng, liệt một bên mặt, giọng nói thay đổi, nói khó, bỗng nhiên chóng mặt, rối loạn thị giác... cần phải đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Nếu thời gian có các triệu chứng kéo dài càng lâu thì tế bào não bị tổn thương càng nhiều, gây ra những tổn thương khó có thể phục hồi”, bác sĩ Hải khuyến cáo.

Công nhận Bệnh viện Đà Nẵng là đơn vị cấp cứu đột quỵ hạng bạch kim

Tổ chức Đột quỵ thế giới vừa trao giải thưởng chất lượng Platinum (hạng bạch kim) trong cấp cứu và điều trị đột quỵ Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đà Nẵng. Theo bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, với giải thưởng này, Bệnh viện Đà Nẵng nằm trong top 10 bệnh viện tại Việt Nam được công nhận chất lượng bạch kim cho nỗ lực cấp cứu và điều trị đột quỵ bảo đảm 7 tiêu chí đánh giá, gồm: tỷ lệ bệnh nhân từ lúc nhập viện đến thời điểm được điều trị tiêu sợi huyết dưới 60 phút: ≥ 75%; tỷ lệ bệnh nhân từ lúc nhập viện đến thời điểm được điều trị can thiệp tái thông dưới 120 phút: ≥ 75%; tỷ lệ bệnh nhân tái thông trên tổng số bệnh nhân đột quỵ: ≥ 15%; tỷ lệ bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ được tiến hành chụp CT scan hoặc MRI sọ não ≥ 85%; tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được đánh giá rối loạn nuốt ≥ 85%; tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não được điều trị chống kết tập tiểu cầu khi xuất viện ≥ 85%; tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ liên quan rung nhĩ được điều trị chống đông khi xuất viện ≥ 85%. Trong nhiều năm qua, Khoa Đột quỵ Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận, điều trị thành công nhiều ca bệnh đột quỵ từ các tỉnh, thành trong khu vực chuyển về.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.