Y tế - Sức khỏe
Đà Nẵng nỗ lực không mệt mỏi vượt qua đại dịch
Hơn hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã xâm nhập và hoành hành khắp thế giới, ở nước ta và Đà Nẵng là một trong những địa phương đối mặt với nhiều đợt dịch bùng phát khá nghiêm trọng. Từ trong gian khó, thành phố đã thể hiện tinh thần kiên cường, đồng thuận, sáng tạo để vươn lên.
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin cho học sinh trên địa bàn quận Hải Châu. Ảnh: PHAN CHUNG |
Nhìn lại quá khứ, khi Covid-19 diễn biến rất phức tạp, có những lúc hệ thống y tế của thành phố quá tải trong việc tiếp nhận điều trị người bệnh do thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ các y bác sĩ, nhân viên, điều dưỡng, thuốc men và phác đồ điều trị Covid-19, nhất là những ngày đầu bùng phát dịch bệnh, chưa đủ để đáp ứng kịp thời cho công tác chăm sóc người bệnh, gây lo lắng cho các cơ quan quản lý cũng như người dân.
Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn đà lây lan với tốc độ nhanh chưa từng có gây nguy hiểm đến tính mạng cho hàng vạn người, thành phố buộc phải triển khai giãn cách xã hội nhằm khẳng định quan điểm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.
Để vượt qua thách thức đầy khó khăn, thành phố đã có những bước đi thích hợp, sáng tạo và quyết đoán tùy từng thời điểm, từng nơi, từng địa phương, địa bàn để phòng, chống có hiệu quả và đã nhanh chóng ngăn ngừa, kiểm soát được dịch bệnh; nhanh chóng khôi phục sản xuất - kinh doanh, từng bước ổn định đời sống của người dân, cũng như giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Nhìn lại quá trình hơn hai năm căng mình chống dịch, có thể rút ra những suy ngẫm.
Một là, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, đúng hướng. Bám sát các yêu cầu của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 và tình hình thực tiễn của địa phương, Đảng bộ và chính quyền thành phố Đà Nẵng đã nhanh chóng đề ra các giải pháp cụ thể để triển khai ngay lập tức đến các đơn vị, địa phương và từng người dân nhằm: hiểu rõ sự nguy hiểm của Covid-19, diễn biến sự lây lan và có các biện pháp phòng ngừa tích cực trong mỗi người, mỗi nhà, mỗi tổ dân phố để giảm thiểu số ca bệnh lây lan.
Đặc biệt, lần đầu tiên khi thực hiện Chỉ thị 19 ngày 24-4-2020 của Chính phủ vào đợt dịch bùng phát tháng 7-2020, Đà Nẵng đã tạo ra những hiệu ứng tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong một phát biểu với cán bộ chủ chốt của thành phố lúc bấy giờ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng bày tỏ: “Quyết định này là việc chưa có trong tiền lệ, ví như là trận đánh lớn, gần như dốc hết lực. Trong đó, việc quét sạch dịch bệnh hay không đều nhờ vào sự quyết tâm của chúng ta”.
Tinh thần đó của Bí thư Thành ủy đã được kích hoạt sâu rộng trong toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố, biến nó thành sức mạnh “chống dịch như chống giặc”. Không chỉ trong các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch như y tế, công an, quân đội… mà quyết tâm đó ngay lập tức đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, quyết không sợ hãi, mà bình tĩnh, tự tin và chung tay, góp sức thực hiện các mục tiêu đề ra và đã đạt kết quả cao.
Hai là, huy động mọi nguồn lực để phòng, chống dịch bệnh. Bài học “Ý Đảng, lòng dân” trong công cuộc “giải tỏa, đền bù, chỉnh trang đô thị” kể từ ngày Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương một lần nữa được Đảng bộ và chính quyền thành phố vận dụng linh hoạt và trở thành dấu ấn đậm nét trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Các chủ trương, chính sách và những biện pháp phòng, chống dịch của Ban chỉ đạo thành phố đề ra đã được các đơn vị, địa phương quán triệt kịp thời, vận dụng sáng tạo dưới nhiều hình thức như: việc tuyên truyền, vận động để mọi người hiểu rõ về nguy cơ, tác động của dịch bệnh để tự phòng ngừa, đồng thời nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh, ngăn chặn các thông tin xấu độc gây hoang mang trong xã hội; lập các tổ Covid-19 cộng đồng ở các khu dân cư, khu tập thể để trợ giúp về tinh thần cũng như vật chất cho người dân trong sinh hoạt thường ngày hay ở các khu vực cách ly đặc biệt…
Tinh thần “tương thân, tương ái” do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cùng các tổ chức hội, đoàn… đã trở thành biểu tượng sống động xuất hiện ngày càng nhiều ở các trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19, ở các xóm cư dân nghèo, các khu ký túc xá các trường đại học có sinh viên không kịp về quê tránh dịch… bằng những suất cơm, gói quà, viên thuốc hay để mọi người vượt qua khó khăn. Ngoài ra, việc lập bệnh viện dã chiến quy mô cả nghìn giường để phục vụ cho công tác thu dung điều trị bệnh nhân, hay Quỹ phòng, chống Covid-19, đã được các tầng lớp nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tham gia đóng góp hàng trăm tỷ đồng.
Ba là, duy trì sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới và ổn định đời sống người dân. Trong hơn hai năm dịch Covid-19 cũng là khoảng thời gian làm ngưng trệ mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt thường ngày của người dân thành phố. Vì thế, thành phố đã kịp thời ban hành các văn bản, chỉ đạo trực tiếp và đề ra các chính sách cụ thể để các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp chủ động lập các phương án nhằm duy trì hoạt động trong điều kiện có thể.
Đặc biệt, những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh, cho xuất khẩu hay đời sống của người dân vẫn được duy trì không để bị gián đoạn gây nên sự thiếu hụt nghiêm trọng. Trong khi đó, lực lượng công an, quân đội đã tăng cường các biện pháp đấu tranh nhằm ngăn chặn những hành vi sai trái, các băng nhóm tội phạm giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn để góp phần cho công tác phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả.
Bốn là, nhanh chóng khôi phục các hoạt động khi dịch bệnh được kiểm soát. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền thành phố, sự nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò của lực lượng tuyến đầu, nhất là ngành y tế, nên vào cuối năm 2021 trở đi, tình hình Covid-19 trên địa bàn thành phố đã từng bước được kiểm soát.
Bằng những kinh nghiệm trong suốt hai năm qua, nắm bắt thời cơ thuận lợi khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã có ngay nghị quyết và chương trình hành động cụ thể để nhanh chóng khôi phục sản xuất - kinh doanh, đưa các hoạt động của xã hội và đời sống người dân sớm trở lại bình thường trong trạng thái mới.
Minh chứng cho điều đó là tháng 6-2022 vừa qua, Đà Nẵng liên tiếp tổ chức các sự kiện: “Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á (Routes Asia) 2022”, diễn đàn “Đà Nẵng - Điểm đến tiềm năng châu Á” và Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương, đặc biệt là hàng ngàn nhà đầu tư, kinh doanh trong và ngoài nước. Những sự kiện đó đã mang đến cho thành phố một tinh thần mới, khí thế mới để nhanh chóng “bù đắp” lại những thiệt hại sau hơn hai năm ròng rã đối mặt với Covid-19, làm gián đoạn tiến trình thực Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII.
Nhìn lại chặng đường hơn 2 năm vừa qua, có thể thấy “cuộc chiến” phòng, chống Covid-19 của Đà Nẵng đã đạt được những thành quả bước đầu. Yếu tố đầu tiên và mang tính quyết định đến thành quả này chính là nhờ sự tập trung chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền thành phố, sự thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ, phù hợp của các cấp, các ngành và cả xã hội nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ tốt nhất cho an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Nhìn lại giai đoạn đã qua và những gì đang hướng tới, chúng ta có quyền tin tưởng với sự chung tay, góp sức, sự ủng hộ của Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương , bạn bè quốc tế và cả cộng đồng dân cư…, nhất định thành phố sẽ khôi phục hoàn toàn các hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống trong thời gian sớm nhất; đồng thời tăng tốc phấn đấu để đạt các mục tiêu và khát vọng được đặt ra tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025.
TUYẾT MINH