Y tế - Sức khỏe
Khẩn trương phòng dịch sốt xuất huyết
Đến giữa tháng 11, Liên Chiểu là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) cao nhất thành phố, với hơn 1.900 ca, tập trung ở các phường Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam và Hòa Minh. Trước nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lan rộng, ngành chức năng quận Liên Chiểu đang tập trung nhiều giải pháp phòng dịch, bảo vệ sức khỏe người dân.
UBND phường Hòa Khánh Bắc huy động lực lượng tham gia dọn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết. Ảnh: H.L |
Số ca mắc tăng cao
Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu mỗi ngày tiếp nhận hàng chục ca nghi nhiễm SXH đến thăm khám, điều trị. Để đáp ứng các trường hợp điều trị nội trú, trung tâm phải kê thêm giường ngoài hành lang. Chị Trần Thị Phương Ng. (phường Hòa Khánh Bắc) cho biết, mẹ chị nhập viện 3 ngày nay nhưng vẫn còn sốt cao. “Tôi khá lo lắng vì số ca điều trị SXH cùng thời điểm tại trung tâm y tế quận đông, hầu hết giường bệnh đều có người nằm. Trong đó có một số trường hợp xin chuyển viện tuyến trên”, chị Phương Ng. chia sẻ.
Từ tháng 7 đến nay, số ca mắc SXH tại quận Liên Chiểu liên tục tăng dù địa phương thực hiện nhiều biện pháp phòng bệnh. Bác sĩ Nguyễn Văn Khanh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế quận cho biết tình hình SXH trên địa bàn hiện nay rất phức tạp, tăng gần 1.700 ca so với cùng kỳ năm 2021. Qua kiểm tra thực tế, ngành y tế nhận thấy người dân còn chủ quan trong khâu phòng dịch, đặc biệt tại các khu vực tập trung đông phòng trọ.
Ghi nhận gần 700 ca SXH, phường Hòa Khánh Bắc đang đối mặt với nguy cơ mất kiểm soát an toàn dịch bệnh. Trước thực trạng này, địa phương tăng cường hoạt động tổng dọn vệ sinh toàn địa bàn. Hoạt động có sự tham gia của đại diện hộ gia đình, hội, đoàn thể, cán bộ khu dân cư, tập trung phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, tìm kiếm, lật úp vật dụng có khả năng chứa nước, tạo điều kiện cho muỗi sinh sản; loại bỏ, lấp kín các hốc chứa nước tự nhiên như hốc cây, gốc tre nứa, lốp ô tô cũ…
Ông Phan Văn Đại, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Bắc cho biết, từ tháng 7, địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng dịch như tổng vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi… nhưng thời tiết mưa nhiều, cộng với tâm lý chủ quan của người dân khiến công tác phòng bệnh chưa phát huy hiệu quả. “Địa bàn rộng, nhiều khu vực thấp trũng, nhà trọ chen chúc trong kiệt, hẻm nhỏ cũng là nguyên nhân khiến hoạt động diệt lăng quăng, bọ gậy gặp nhiều khó khăn. Số ca nhiễm tăng nhanh đang thách thức công tác phòng dịch. Vì thế, chúng tôi tập trung huy động toàn dân dọn vệ sinh, nhất là khu vực có nhiều nhà trọ, cống rãnh, khu đất trống”, ông Phan Văn Đại nói.
Đẩy mạnh hoạt động phòng dịch
Trước tình hình dịch bệnh tăng nhanh trong mùa mưa, quận Liên Chiểu khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng dịch. Đến nay, 100% bí thư chi bộ, cán bộ tổ dân phố, cộng tác viên dân số - sức khỏe toàn quận tham gia lớp tập huấn về kiến thức phòng, chống dịch SXH do cán bộ y tế hướng dẫn.
Ông Nguyễn Văn Em, Tổ trưởng tổ 118, phường Hòa Minh cho biết các hoạt động phòng, chống SXH đang được tổ khẩn trương thực hiện. “Các nội dung liên quan đến công tác phòng dịch được chúng tôi thường xuyên cập nhập trên ứng dụng zalo tổ dân phố, xem đây là kênh thông tin quan trọng để phổ biến kế hoạch tổng dọn vệ sinh, tuyên truyền, vận động người dân chủ động giữ vệ sinh, giám sát các vị trí dễ xảy ra ao tù, nước đọng”, ông Em nói.
Tại buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch SXH ở quận Liên Chiểu ngày 12-11, đoàn công tác Sở Y tế thành phố nêu ra nhiều nguyên nhân khiến tình hình dịch bệnh SXH tại Liên Chiểu chưa có dấu hiệu giảm. Sau chuyến khảo sát, nắm tình hình dịch bệnh SXH tại phường Hòa Khánh Bắc, một số điểm nóng trên địa bàn, bà Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế yêu cầu quận Liên Chiểu khẩn trương thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch, khoanh vùng, không để dịch bệnh lan nhanh. Trong đó, cần triển khai đồng bộ nhiều biện pháp như dọn vệ sinh, nêu cao vai trò đội ngũ y tế dự phòng, cộng tác viên dân số. Mặt khác, tăng cường kiểm tra những khu vực đã ra quân dọn vệ sinh, tránh ra quân hình thức.
Để bảo đảm sức khỏe người dân, Sở Y tế Đà Nẵng yêu cầu Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu bảo đảm nguồn thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng hộ cá nhân, phương tiện cấp cứu, điều trị và giường bệnh. Nâng cao năng lực chẩn đoán điều trị bệnh SXH, tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, điều trị đúng phát đồ, hạn chế tối đa trường hợp biến chứng nặng gây tử vong; thực hiện phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị, hạn chế tối thiểu tình trạng quá tải và tăng gánh nặng điều trị tại đơn vị.
Cùng với đó, UBND quận Liên Chiểu giao Trung tâm Y tế quận chỉ đạo Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trạm Y tế các phường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chủ động phun hóa chất diệt muỗi theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Thực hiện nghiêm túc công tác điều tra, xử lý véc-tơ trước và sau khi phun hóa chất diệt muỗi, bảo đảm trên 90% hộ gia đình, các phòng, các tầng trong nhà thuộc phạm vi ổ dịch được phun. Mặt khác, kêu gọi người dân tích cực hưởng ứng “Chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt lăng quăng, bọ gậy phòng chống dịch SXH” với mục tiêu: diệt lăng quăng, bọ gậy là cách đơn giản và hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh SXH.
HUỲNH LÊ