Y tế - Sức khỏe

Gỡ khó cho ngành y tế

07:16, 06/02/2023 (GMT+7)

Sau khi Covid-19 được kiểm soát, ngành y tế thành phố đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Là ngành giữ vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân thành phố nói riêng, khu vực miền Trung - Tây nguyên nói chung nhưng hiện nay, ngành y tế thành phố cần làm nhiều việc để ổn định và củng cố nhân lực, vị thế.

Nhiều cơ sở y tế hiện nay quá tải. Trong ảnh: Người dân đến khám bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng.  Ảnh: PHAN CHUNG
Nhiều cơ sở y tế hiện nay quá tải. TRONG ẢNH: Người dân đến khám bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Bài 1: Cơ sở y tế xuống cấp, quá tải

Cơ sở y tế xuống cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu dung, điều trị là thực trạng đang diễn ra tại Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn. Bên cạnh đó, tình trạng quá tải cũng đã tồn tại nhiều năm qua tại một số bệnh viện hạng 1. Đây là hai trong nhiều vấn đề mà ngành y tế thành phố đang đối mặt, gây khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bệnh viện xuống cấp

Trung tâm Y tế Ngũ Hành Sơn là cơ sở y tế hạng 2, có nhiệm vụ tiếp nhận, khám, thu dung điều trị cho người dân trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và các quận, huyện khác thông tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) theo quy định. Ngoài ra, là địa bàn tiếp giáp với Quảng Nam, Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Trung tâm Y tế Ngũ Hành Sơn đóng vai trò quan trọng trong tiếp nhận người dân, công nhân ở địa phương lân cận đến khám, điều trị khi có nhu cầu. Tuy nhiên, trái ngược với vị trí quan trọng này là tình trạng vắng vẻ đến khó tin tại các khoa, phòng điều trị. Nguyên nhân của thực trạng này xuất phát từ tình trạng xuống cấp kéo dài tại cơ sở y tế này.

Khu vực hành lang dẫn vào các khoa, phòng đều bị bong tróc trần nhà, lõi thép gỉ sắt lộ ra cả bên ngoài. Các mảng thạch cao, vôi, xi-măng văng khắp nền nhà, rơi xuống đầu bệnh nhân. Không chỉ hành lang, toàn bộ tòa nhà 2 tầng, nơi tập trung các khoa, phòng điều trị đều bị xuống cấp nghiêm trọng, ẩm mốc.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Kh. (68 tuổi, trú phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) điều trị nội trú vì viêm phổi khi thời tiết chuyển mùa, than thở: “Cực chẳng đã mới vào đây điều trị vì gần nhà con cái tiện ghé thăm, mang thức ăn cho tiện, chứ điều kiện điều trị, chăm sóc quá tệ. Trần nhà bong tróc, có khi đang ăn cơm thì rơi xuống bàn, điện thì chập chờn, nước, nhà vệ sinh thì hư hỏng”.

Theo ghi nhận, phần lớn khu nhà chuyên môn tại tầng 2 bị bỏ hoang, thiết bị vệ sinh bị hư hỏng. Mùa mưa đến, nước mưa thấm từ trên sân thượng lan xuống từng tầng, chảy dọc theo hành lang. Các nhân viên y tế buộc phải hứng từng xô nước và thay nhau đổ hàng giờ để nước không tràn ra sàn. Không chỉ khu vực điều trị, các khu vực chuyên môn, vô trùng khác như xét nghiệm sinh hóa, chẩn đoán hình ảnh đều cùng chung một cảnh ngộ. Rất nhiều thiết bị y tế buộc phải bọc kín túi ni lông để chống ẩm mốc.

Bác sĩ Lê Kiên Cường, Phó trưởng Khoa Xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, cho biết cơ sở vật chất xuống cấp nên các hoạt động xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cũng bị gián đoạn, ảnh hưởng đến thời gian, kết quả chẩn đoán cho bệnh nhân. “Điện chập chờn, có khi các thiết bị đang đọc kết quả thì mất giữa chừng buộc phải chạy lại từ đầu rất mất thời gian. Ngoài ra, tường ẩm mốc, bong tróc, trần thấm nước, nhân viên y tế làm việc trong điều kiện môi trường như thế này cũng không bảo đảm sức khỏe”, bác sĩ Cường cho biết.

Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn có quy mô 150 giường bệnh kế hoạch nhưng mỗi ngày chỉ tiếp nhận khám, điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân. Cơ sở xuống cấp khiến bệnh nhân ít đến khám. Thực tế này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cán bộ, nhân viên y tế, nhất là trong bối cảnh nguồn thu nhập của nhân viên rất hạn chế.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn, cho biết một trong những nguyên nhân khiến trung tâm xuống cấp là do xây dựng đã lâu năm, nhiều hạng mục đã hư hỏng. “Hiện đã có chủ trương đầu tư, xây mới Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn với kinh phí hơn 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, các bước đầu tư, xây dựng đều phải thực hiện theo quy trình, thủ tục. Trong thời gian đó, chúng tôi cũng đã đề xuất cải tạo tạm thời một số hạng mục cần thiết để tiếp tục duy trì hoạt động chuyên môn. Hy vọng dự án đầu tư Trung tâm Y tế quận sẽ được triển khai đúng kế hoạch, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho đơn vị”, bác sĩ Hưng nói.

Cơ sở y tế quá tải

Tình trạng bệnh nhân nằm ghép tại các giường bệnh hoặc phải nằm hành lang để điều trị không còn là cảnh hiếm thấy tại các cơ sở y tế. Cơ sở xuống cấp, bệnh nhân ngày càng đông khiến chất lượng, hiệu quả điều trị bị ảnh hưởng. Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng là hai cơ sở y tế tuyến cuối, không chỉ tiếp nhận, khám, điều trị cho bệnh nhân trên địa bàn thành phố mà còn trong khu vực miền Trung - Tây nguyên. Nhiều năm qua, hai cơ sở y tế này luôn đối mặt với tình trạng quá tải.

Dịp thời tiết chuyển mùa, Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng luôn rơi vào tình trạng quá tải. Thời điểm bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) tăng cao, khoa phải kê thêm giường tại các khu vực hành lang. Bác sĩ Phạm Ngọc Hàm, Trưởng Khoa Y học Nhiệt đới, cho biết thực trạng này tồn tại nhiều năm. Thời điểm các dịch bệnh như SXH, sởi, siêu vi, cúm… bùng phát, số bệnh nhân tăng cao, khoa phải kê thêm giường để đáp ứng nhu cầu điều trị.

Tình trạng quá tải cũng diễn ra ở nhiều khoa, phòng khác như: Ngoại chấn thương, Ngoại thần kinh, Khoa Lão, Nội Thần kinh, Tim mạch can thiệp… “Các khoa, phòng chuyên môn khi quá tải đều phải có kế hoạch bổ sung, kê thêm giường để đáp ứng nhu cầu điều trị. Việc quá tải do nhu cầu bệnh nhân tăng được ghi nhận nhiều năm qua và khi xây dựng kế hoạch, bệnh viện phải cố gắng duy trì, bảo đảm các điều kiện về chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là chống lây nhiễm chéo”, bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết.

Tương tự, là bệnh viện tuyến cuối chuyên khoa phụ sản - nhi, mỗi ngày, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng tiếp nhận, khám điều trị ngoại trú cho hơn 1.000 bệnh nhân và thu dung điều trị nội trú cho gần 1.500 bệnh nhân. Một số khoa như: Nhi sơ sinh, Y học nhiệt đới, Nhi hô hấp… thường rơi vào tình trạng quá tải. Bên cạnh đó nhiều thiết bị, cơ sở vật chất như quạt, điều hòa hoạt động không ổn định khiến chất lượng điều trị bị ảnh hưởng.

Theo bác sĩ Phạm Thị Kim Chi, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Y tế, những năm gần đây, mặc dù chỉ tiêu giường bệnh tại các cơ sở y tế liên tục gia tăng nhưng so với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố vẫn chưa đáp ứng hết được nhu cầu thực tế của người dân. Nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố vẫn còn có tình trạng quá tải, đặc biệt là các bệnh viện hạng 1.

“Tình trạng kê thêm giường bệnh trong điều kiện cơ sở chật hẹp đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động thăm khám, chăm sóc điều dưỡng và sinh hoạt của bệnh nhân. Tình trạng quá tải cũng ảnh hưởng đến khả năng làm việc của đội ngũ cán bộ y tế, không đủ thời gian để tư vấn về chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, không đủ thời gian để nghiên cứu trao đổi kinh nghiệm chuyên và nhiều vấn đề khác nữa”, bác sĩ Chi cho biết.

PHAN CHUNG

.