Y tế - Sức khỏe
"Người bạn" của những nữ bệnh nhân tâm thần
Nhắc đến bệnh nhân tâm thần, nhiều người mang tâm lý ái ngại, sợ sệt. Thế nhưng, với điều dưỡng Nguyễn Văn Tình, nhân viên y tế Khoa cấp tính nữ nói riêng và đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng nói chung, họ luôn gần gũi, đồng cảm, thấu hiểu với những câu chuyện, hoàn cảnh của người bệnh. Từ đó, tận tụy chăm sóc, theo dõi, chữa trị, chỉ mong người bệnh sớm được trở về cuộc sống đời thường.
Điều dưỡng Nguyễn Văn Tình (bìa trái) trò chuyện cùng các nữ bệnh nhân. Ảnh: L.H |
Chiều cuối tuần, có mặt tại Khoa cấp tính nữ (Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng), chúng tôi ghi nhận bên cạnh những bệnh nhân tự chủ được việc đi lại, sinh hoạt, ăn uống, một số khác phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của nhân viên y tế... Trong giờ ăn cơm, không khí bỗng chốc bị phá vỡ khi nữ bệnh nhân trẻ tuổi vứt muỗng xuống nền và la hét. Trước sự kích động của bệnh nhân, điều dưỡng Nguyễn Văn Tình động viên, dỗ dành.
Thấy chúng tôi có phần lo sợ, điều dưỡng Tình cười: “Những việc này hết sức bình thường, nó diễn ra như cơm bữa”. Dứt lời, điều dưỡng Tình đút từng muỗng cơm cho nữ bệnh nhân. “Đúng rồi, giỏi lắm. Cố gắng ăn uống nhiều để sớm về với gia đình và người thân”, điều dưỡng Tình nhẹ nhàng nói.
Mỗi ngày, Khoa cấp tính nữ chăm sóc, điều trị nội trú từ 40-50 bệnh nhân. Hầu hết bệnh nhân tại đây chủ yếu làm theo ý mình, không theo sự hướng dẫn của y, bác sĩ. Vì vậy, ngoài việc điều trị thuốc theo liệu trình, y, bác sĩ phải dùng tâm lý, tình cảm để “cảm hóa, thuần phục”. Điều dưỡng Tình chia sẻ: “Dù hung dữ khi lên cơn nhưng bệnh nhân tâm thần vẫn có những khoảng lặng khiến các y, bác sĩ ai nấy đều mủi lòng. Những lúc như vậy, bác sĩ, điều dưỡng ngay lập tức trở thành ba mẹ, anh em, người thân để bệnh nhân trải lòng...”.
Hơn 37 năm khoác áo blouse trắng, điều dưỡng Nguyễn Văn Tình luôn thấu hiểu, đồng cảm với hoàn cảnh của từng bệnh nhân tâm thần và dành hết tâm huyết của mình để phục vụ họ. Năm 1985, tốt nghiệp trường y, anh Tình xin về làm việc tại Khoa cấp tính nữ. Bệnh nhân của anh là những người phụ nữ ở nhiều độ tuổi, có thể là cô gái bị trầm cảm sau sinh, người đàn bà trung niên tâm thần phân liệt hay một bà cụ không còn tỉnh táo…
Công việc của điều dưỡng Tình và những đồng nghiệp ở khoa là chăm sóc toàn diện, hỗ trợ điều trị và trở thành người thân, bạn bè của những bệnh nhân. Ngoài chuyên môn, yếu tố tâm lý chiếm hơn 50% trong việc điều trị cho bệnh nhân tâm thần. Đôi khi các y, bác sĩ phải hóa thân thành người bệnh để cùng nói, cùng cười, tâm sự, dỗ dành họ ăn, uống thuốc. Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn, điều dưỡng Tình luôn tích cực trau dồi kỹ năng giao tiếp để chăm sóc các bệnh nhân được tốt hơn, với mong muốn họ sớm hồi phục, trở về với gia đình và cộng đồng; trở về với vai trò của một người mẹ, người vợ hiền...
Theo các điều dưỡng Khoa cấp tính nữ, nhiều năm gắn bó với người bệnh, số lần điều dưỡng Tình bị tấn công không thể đếm xuể, nhẹ thì bị xé quần áo, bảng tên, kéo đứt dây đồng hồ, nặng thì thương tích, chảy máu... “Việc y, bác sĩ và nhân viên y tế bị bệnh nhân tấn công là chuyện hết sức bình thường. Khi bệnh nhân lên cơn, họ sẽ tấn công người xung quanh”, điều dưỡng Tình nói.
Chăm sóc, điều trị bệnh nhân tỉnh táo đã khó, chăm sóc, điều trị bệnh nhân tâm thần càng khó khăn, vất vả gấp bội. Nhưng bằng tình thương, sự sẻ chia và trách nhiệm của mình, điều dưỡng Tình và những y, bác sĩ đã quên đi sự hiểm nguy có thể đến với mình bất cứ lúc nào để theo dõi, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần, giúp họ sớm trở về cuộc sống đời thường. “Khi bệnh nhân lên cơn, ánh mắt hoang dại, nhìn mình như kẻ thù làm cho mọi người nhìn thấy rất sợ hãi. Thế nhưng, sau khi hết cơn “hưng phấn”, họ lại trở về là những con người hiền lành. Ánh mắt trìu mến, biết ơn của bệnh nhân khi được mình chăm sóc là động lực giúp những y, bác sĩ nơi đây quên hết sợ hãi để gần gũi với người bệnh”, điều dưỡng Tình tâm sự.
Theo bác sĩ Lâm Tứ Trung, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, suốt 37 năm công tác, điều dưỡng Nguyễn Văn Tình luôn vượt qua khó khăn, vất vả để phục vụ tốt cho bệnh nhân điều trị nội trú. Đây là công việc đòi hỏi người điều dưỡng phải có tâm, tận tụy và hết lòng yêu thương người bệnh.
“Việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần nói chung đã vất vả thì chăm sóc các bệnh nhân nữ còn vất vả hơn rất nhiều. Phần vì gia đình không có người hỗ trợ cùng các y, bác sĩ ở đây, phần vì tâm sinh lý của họ phức tạp hơn so với bệnh nhân nam. Có chị không ý thức được hành động của mình, điều dưỡng Tình phải kiêm nhiệm tất cả từ cho uống thuốc đến nhắc nhở vệ sinh cá nhân, chải tóc, tắm giặt thay quần áo, thậm chí còn là người bạn để chia sẻ với họ những tâm sự mà trong tiềm thức họ còn nhớ được. Với bệnh nhân mới nhập viện hay nằm viện thời gian dài, điều dưỡng Tình đều tận tình hướng dẫn, giải thích cặn kẽ để bệnh nhân cảm thấy yên tâm khi thực hiện các y lệnh. Điều dưỡng Tình là tấm gương có tinh thần làm việc không biết mệt mỏi, hết lòng vì bệnh nhân”, bác sĩ Lâm Tứ Trung nói.
Nhân kỷ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2023), UBND thành phố tổ chức và trao giải thưởng “Tỏa sáng Blouse trắng” năm 2021 và 2022. Đây là giải thưởng thường niên của thành phố Đà Nẵng vinh danh những cán bộ, nhân viên ngành y tế trực tiếp tham gia công tác khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng, chống dịch. Điều dưỡng Nguyễn Văn Tình (Khoa cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng) là 1 trong số 39 cá nhân tiêu biểu được tuyên dương trong lần này. |
LÊ HÙNG