Khi đi khám bệnh, chữa bệnh, người dân không phải mang theo thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), chỉ cung cấp mã số thẻ để nhân viên bệnh viện truy xuất dữ liệu. Người dân có thể sử dụng điện thoại thông minh cài đặt phần mềm chuyên dụng để lưu trữ thông tin về lịch sử khám, chữa bệnh, dùng thuốc của mình. Mô hình bệnh viện thông minh tại Bệnh viện Liên Chiểu (Trung tâm Y tế Liên Chiểu) đang phục vụ người dân với nhiều tiện ích.
Thu viện phí “không tiền mặt” tại Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu. Ảnh: TRỌNG HUY |
Từ đơn thuốc điện tử
Sau khi khám bệnh tại Bệnh viện Liên Chiểu, ông Trần Văn Giáo (quận Liên Chiểu) được hướng dẫn cài đặt phần mềm lên điện thoại thông minh để theo dõi đơn thuốc điện tử của mình được cập nhật trên hệ thống phần mềm liên thông toàn quốc. Với đơn thuốc điện tử này, ông không phải cầm xấp giấy mỗi khi sử dụng thuốc. Khi đi xa, ông vẫn có thể truy xuất đơn thuộc để mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Phần mềm cũng lưu lịch sử khám bệnh, chữa bệnh của bệnh nhân. “Quá tiện lợi! Ngày trước, cứ khám xong về, ôm mớ thuốc rồi dò từng chữ trong đơn thuốc. Nay có đơn thuốc điện tử này, không chỉ cập nhật lịch sử khám, chữa bệnh của mình, thuốc đang sử dụng, hình thức uống, số lần và thời điểm nào uống. Chỉ cần mở ứng dụng trên điện thoại là có thể cập nhật hết, rõ ràng và chi tiết”, ông Giáo nói.
Theo ông Trần Ngô Quốc Trí, chuyên viên công nghệ thông tin Trung tâm y tế quận Liên Chiểu, quy trình khám bệnh của bệnh nhân khi đến trung tâm vẫn phải có kê đơn thuốc bằng giấy, từ đó mới nhập nội dung đơn thuốc vào phần mềm để tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu đơn thuốc điện tử quốc gia. Khi được tích hợp và cập nhật, người bệnh chỉ cần dùng tài khoản mã định danh của mình để kích hoạt và mở cơ sở dữ liệu đơn thuộc quốc gia để xem đơn thuốc của mình và theo dõi, sử dụng.
Hiện nay, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu đang triển khai các phần mềm để phục vụ khám, chữa bệnh như phần mềm quản lý xét nghiệm, phần mềm hệ thống quản lý chẩn đoán hình ảnh, phần mềm kết nối với dữ liệu bảo hiểm y tế; triển khai hệ thống hồ sơ y tế điện tử, sức khỏe công dân, thanh toán viện phí không tiền mặt…
Với việc triển khai các hệ thống phần mềm ứng dụng, một mặt tạo thuận lợi cho bệnh viện dễ dàng quản lý trong khám, chữa bệnh, lưu giữ dữ liệu bệnh nhân để từ đó có phương án đưa ra chẩn đoán, phác đồ điều trị tốt hơn, nhanh chóng hơn. Đối với việc kết nối dữ liệu với bảo hiểm y tế giúp bệnh viện kiểm soát và nắm rõ tình trạng bảo hiểm của người bệnh, cũng như chủ động thông tin tình hình bệnh tật liên quan cho cơ quan bảo hiểm để thuận lợi, chính xác trong chi trả…
Đồng thời, các phần mềm giúp bệnh nhân giảm các thủ tục, thời gian chờ đợi và nắm rõ được lịch sử bệnh án cũng như quá trình điều trị của mình theo đơn thuốc và bệnh án của bác sĩ.
Khám bệnh từ xa
Bệnh viện Liên Chiểu đang có hơn 80% bệnh nhân đăng ký khám, chữa bệnh qua dịch vụ công trực tuyến mức 4. Qua khảo sát mức độ hài lòng của bệnh nhân nội trú và ngoại trú, mức độ hài lòng lần lượt là 99,2% và 99,6%. Năm 2020, bệnh viện tổ chức nghiên cứu đề tài về thực trạng thời gian khám bệnh và một số yếu tố liên quan đến thời gian khám bệnh của người bệnh.
Từ kết quả nghiên cứu, nhóm đã đề xuất các giải pháp rút ngắn thời gian khám bệnh, như tăng cường nhân lực vào buổi sáng, đặc biệt vào buổi sáng thứ hai đầu tuần, đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt khu vực chờ đợi của người bệnh; bổ sung các ki-ốt bấm số tự động…
Theo bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm y tế Liên Chiểu, bệnh viện đang tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu bệnh nhân phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh; áp dụng chữ ký số, lập hồ sơ điện tử trong xử lý văn bản hành chính; nâng cấp hệ thống các phần mềm quản lý viện phí - bảo hiểm y tế, phần mềm kế toán; số hóa, 70% hồ sơ bệnh án, thực hiện kê đơn thuốc điện tử...
Qua đó, rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng dịch vụ, đem đến sự hài lòng cho người bệnh. “Việc xây dựng bệnh viên thông minh là một phần trong công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, tạo niềm tin trong nhân dân”, bác sĩ Vĩnh nói.
Được biết, Bệnh viện Liên Chiểu đang xây dựng đề tài khoa học đánh giá thực trạng và nhu cầu sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa tại Trung tâm Y tế Liên Chiểu.
Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở định hướng phát triển nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám, chữa bệnh trong giai đoạn đến.
TRỌNG HUY