Tháo gỡ nút thắt của ngành y

.

Như vậy là lời hứa sẽ giải quyết những vấn đề “nóng” của ngành y tế liên quan đến thiếu trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở y tế đã được thực hiện vào đầu tháng 3. Chính phủ ban hành Nghị định 07/2023/NĐ-CP (sửa đổi một số điều của Nghị định 98/2021/NĐ-CP) và Nghị quyết 30/NQ-CP (sửa đổi một số điểm trong Nghị quyết 144/NQ-CP). Đây có lẽ là hai văn bản pháp quy được nhiều người trông mong nhất vì đã tháo được nhiều điểm nghẽn trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.

Một ca mổ tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Ảnh: LÝ TRƯỜNG
Một ca mổ tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Ảnh: LÝ TRƯỜNG

Ngay khi có văn bản gỡ rối, một người bạn của tôi là bệnh nhân phải chịu đau hơn một tháng qua vì bệnh viện tạm dừng mổ phiên để dành vật tư cho trường hợp cấp cứu khẩn cấp, đã mở cờ trong bụng. Vì anh này biết khi có hành lang pháp lý mới ra đời, các bệnh viện sẽ có trang thiết bị, phòng mổ lại sáng đèn để phẩu thuật nhiều ca bệnh hơn. Bệnh nhân mừng vui, nhiều cơ sở y tế như được cởi tấm lòng bởi tiếng nói đã được lắng nghe. Các bác sĩ cũng rất trông chờ vật tư y tế sớm trang bị đầy đủ để phục vụ bệnh nhân để thực hiện sứ mệnh lời thề Hippocrates.

Điểm mới quan trọng trong Nghị quyết 30/NQ-CP mà những cơ sở y tế trông chờ nhất chính là việc cho phép thay đổi xác định giá các gói thầu trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế. Bởi trong thời gian qua, nhiều thiết bị y tế hư hỏng chưa thể sửa chữa được vì có những gói thầu không thể tìm được 2-3 báo giá như quy định trước đây.

Tình trạng có tiền nhưng không xài được là vấn đề khó khăn chung của cả ngành y tế chứ không riêng Đà Nẵng. Bởi khắp các tỉnh, thành phố có nhiều loại hàng trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, hóa chất không thể tìm được các báo giá khác nhau để bảo đảm điều kiện thầu. Ngay tại Đà Nẵng, tháng 10-2022, HĐND thành phố  đi tiên phong bằng việc thông qua Nghị quyết 60/2022/NQ-HĐND gỡ khó cho mua sắm, đầu tư công.

Trong đó phân cấp thẩm quyền quyết định trong quản lý, sử dụng tài sản công đã giúp ngành y thành phố “cởi trói” một số vấn đề. Cụ thể cho phép chuyển quyền mua sắm trang thiết bị trực tiếp về cho một số cơ sở y tế để tự chủ. Việc tự quyết mua sắm, tự tổ chức đấu thầu đã và đang tạo một số bước chuyển biến mới cho các đơn vị  trong việc rút ngắn được thời gian mua sắm so với trước kia. Ngoài ra, các cơ sở y tế chủ động “may áo” cho mình thì những dự trù, tính toán sát với thực tế hơn.

Ấy vậy mà mới gỡ khó được phần nào việc thiếu thốn vật tư y tế, khó khăn chung của toàn ngành thì vẫn còn đó. Đặc biệt là trong vấn đề xây dựng báo giá khi mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, giải quyết các vấn đề liên quan đến “máy đặt”, “máy mượn".

Bởi khác với những mặt hàng phổ dụng hằng ngày, trang thiết bị y tế luôn tồn tại tình trạng nhà phân phối độc quyền. Luật pháp quốc tế cũng cho phép việc bảo hộ độc quyền trong một thời gian nhất định để bảo đảm nhà đầu tư có thể thu hồi vốn đối với các sáng chế mang tính tiên phong, cách mạng liên quan đến sức khỏe con người (tất nhiên trừ những trường hợp khẩn cấp mang tính thảm họa như Covid-19).

Do vậy, một số mặt hàng không thể cùng lúc có nhiều báo giá hoặc thậm chí không có thẩm định giá. Đó là chưa kể sẽ luôn có tình trạng “bán bia kèm lạc”, máy móc chuyên sâu luôn đi kèm sinh phẩm của hãng, không có chuyện "mang râu ông nọ cắm cằm bà kia" giữa các hãng với nhau.

Nghị định và nghị quyết mới ra đời ở trên như cơn mưa tắm mát. Không chỉ giải quyết được điểm nghẽn thiếu báo giá, Nghị quyết 30/NQ-CP còn cho phép Hội đồng khoa học quyết định lựa chọn sản phẩm chất lượng phù hợp với người bệnh.

Bởi so với trước, việc đấu thầu theo giá khiến các cơ sở y tế có thể mua được sản phẩm giá rẻ nhưng không chủ động về chất lượng. Ngoài ra, Nghị quyết 30/NQ-CP còn gỡ vướng mua sắm vật tư theo máy (hay còn gọi máy mượn, máy đặt), giải quyết cho rất nhiều bệnh viện sử dụng các trang thiết bị y tế đã được cho, tặng.

Tất nhiên những khó khăn về thiếu vật tự y tế và sinh phẩm đến nhiều yếu tố như tình trạng đứt đoạn chuỗi cung ứng, các hãng không mặn mà với việc cung cấp trang thiết bị cho hệ thống y tế công lập.... Nhưng với việc Chính phủ kịp thời lắng nghe, ban hành những hành lang pháp lý tạo sự an toàn là điều đáng mong đợi nhất của ngành y. Và quan trọng hơn cả, mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân sẽ tiếp tục được bảo đảm như lâu nay đã từng.

LÝ TRƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.