Để tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4-3-2023 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 14/2023/TT-BYT quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập. Thông tư này được kỳ vọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng giá gói thầu.
Ảnh minh họa: Bùi Giang/TTXVN |
Theo Thông tư số 14/2023/TT-BYT, khi xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế, chủ đầu tư xác định giá gói thầu theo một trong ba phương pháp, bao gồm: Thu thập báo giá do các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế cung cấp; khảo sát giá trúng thầu của hàng hóa, dịch vụ tương tự; kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp thẩm định giá.
Thông tư quy định, phương pháp được sử dụng đầu tiên là phương pháp thu thập báo giá của các nhà cung cấp, sau khi không thực hiện được phương pháp này mới thực hiện một trong hai phương pháp còn lại. Trường hợp chủ đầu tư sử dụng từ hai phương pháp xác định giá gói thầu trở lên, có thể được lựa chọn giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn.
Cũng theo Thông tư số 14, trước khi xây dựng giá gói thầu theo báo giá của nhà cung cấp, đối với gói thầu trang thiết bị y tế và linh kiện, phụ kiện, vật tư thay thế sử dụng cho trang thiết bị y tế, căn cứ tình hình thực tế, chủ đầu tư quyết định việc thành lập Hội đồng hoặc đề nghị Sở Y tế hỗ trợ thành lập Hội đồng, hoặc giao một đơn vị trực thuộc để lựa chọn danh mục, yêu cầu về tính năng và yêu cầu kỹ thuật cơ bản trên cơ sở yêu cầu về chuyên môn; đăng tải yêu cầu báo giá theo mẫu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của chủ đầu tư hoặc Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, cổng dịch vụ công trực tuyến về quản lý trang thiết bị y tế (https://dmec.moh.gov.vn) trong thời gian tối thiểu 10 ngày kể từ ngày thông tin đăng tải thành công.
Trường hợp, chủ đầu tư xác định được trên thị trường Việt Nam chỉ có một hoặc hai nhà cung cấp, được phép gửi trực tiếp yêu cầu báo giá đến nhà cung cấp.
Sau khi hết thời hạn đăng tải yêu cầu báo giá, chủ đầu tư căn cứ số báo giá nhận được (kể cả trường hợp chỉ nhận được một hoặc hai báo giá) để tự quyết định lựa chọn giá gói thầu hoặc giao Hội đồng thực hiện việc xem xét, lựa chọn giá gói thầu để trình chủ đầu tư xem xét, quyết định.
Trường hợp có từ hai báo giá trở lên, có thể được lựa chọn báo giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu về chuyên môn.
Trường hợp để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền hoặc cần triển khai ngay theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu, chủ đầu tư được phép gửi trực tiếp yêu cầu báo giá đến nhà cung cấp.
Trước đó, theo quy định cũ, chủ đầu tư bắt buộc phải tham khảo 3 báo giá khi xây dựng giá gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế. Trong điều kiện không tham khảo được 3 báo giá và các tài liệu tham khảo theo quy định khác, không có quy định giao cho chủ đầu tư quyết định xây dựng giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu…
Để tháo gỡ "nút thắt"' này, Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4-3-2023 do Chính phủ ban hành đã sửa đổi cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023...
Theo Báo Tin tức