Y tế - Sức khỏe

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành y tế

13:59, 10/08/2023 (GMT+7)

Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế là chủ trương được Chính phủ, Bộ Y tế hiện thực hóa bằng các đề án, nghị định, với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, mang lại sự hài lòng, hiệu quả cho cả người dân lẫn nhân viên y tế. Những năm qua, ngành y tế thành phố đã đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động chuyển đổi số với các mục tiêu cụ thể, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng lộ trình triển khai đề án chuyển đổi số trên địa bàn.

Chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu quả trong hoạt động khám, chữa bệnh. Trong ảnh: Khám bệnh cho bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.  Ảnh: PHAN CHUNG
Chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu quả trong hoạt động khám, chữa bệnh. TRONG ẢNH: Khám bệnh cho bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Nhiều năm qua, người dân khi đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng đều được cải thiện, rút ngắn thời gian chờ đợi, giảm thiểu các thủ tục hành chính. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám, chữa bệnh là một trong những yếu tố chính tạo ra sự khác biệt đó. Theo bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, bệnh viện đã chủ động nâng cấp hạ tầng, xây dựng phần mềm, cải tiến quy trình để ứng dụng công nghệ thông tin được tốt hơn.

Điều này giúp bệnh nhân có thể đặt lịch khám qua mạng, thông tin khám, chữa bệnh nội, ngoại trú, các thông tin về chỉ định và kết quả thực hiện cận lâm sàng, quản lý phác đồ điều trị, quản lý thuốc, vật tư y tế, thanh toán viện phí, bảo hiểm y tế... đều được cập nhật đầy đủ. Ngoài ra, bệnh viện thực hiện quản lý hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy tại một số khoa, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán hình ảnh, thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt...

“Bệnh viện cũng kết nối dữ liệu để chia sẻ thông tin về chẩn đoán hình ảnh, góp phần nâng cao công suất, hiệu suất, chất lượng và tối ưu hóa quy trình khám, chữa bệnh, theo hướng nhanh, chính xác hơn, công khai, minh bạch tại cơ sở y tế trong quá trình chăm sóc sức khỏe cho người dân”, bác sĩ Trung cho biết.

Thực tế này cũng đang được triển khai, ứng dụng tại nhiều cơ sở y tế khác. Theo Sở Y tế, một số bệnh viện trên địa bàn đã được đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin khá tốt như: Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, Trung tâm Y tế Hải Châu... Các cơ sở này đều đã có trang bị camera, phòng server và bố trí nhân lực công nghệ thông tin. Trong những năm qua, ngành y tế thành phố xây dựng và đưa vào sử dụng các cơ sở dữ liệu số như: Quản lý dữ liệu khám, chữa bệnh, hồ sơ sức khỏe công dân; quản lý dữ liệu về cơ sở hành nghề y, dược, quản lý trang thiết bị y tế toàn ngành; dữ liệu về phác đồ điều trị, nghiên cứu khoa học...

Với hạ tầng công nghệ thông tin đã được xây dựng, các bệnh viện đã triển khai hệ thống đặt lịch khám qua mạng, phần mềm quản lý thông tin bệnh viện qua đó từng bước quản lý toàn diện các thông tin đăng ký, đặt lịch hẹn, thông tin khám, chữa bệnh nội, ngoại trú, các thông tin về chỉ định và kết quả thực hiện cận lâm sàng, quản lý phác đồ điều trị, quản lý thuốc, vật tư y tế, thanh toán viện phí, bảo hiểm y tế...

Theo bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, trên cơ sở định hướng chuyển đổi số của Bộ Y tế, UBND thành phố và trước yêu cầu thực tiễn của công tác y tế, ngành xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách vừa lâu dài, xuyên suốt trong công tác quản lý Nhà nước và tổ chức các hoạt động sự nghiệp của ngành. Trong những năm qua, các đơn vị y tế đã từng bước triển khai thành công các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám, chữa bệnh.

Đến nay, 100% văn bản đến và đi đều được ngành thực hiện trên môi trường mạng, 100% cung cấp dịch vụ công đạt mức độ 4; 100% các cơ sở khám, chữa bệnh có hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện HIS và một số đơn vị triển khai hệ thống LIS, PACS; 100% trạm y tế sử dụng phần mềm quản lý thống nhất; 100% nhà thuốc đã kết nối liên thông với hệ thống “Cơ sở dữ liệu dược Quốc gia”...

Mục tiêu của ngành y tế đến năm 2025 sẽ có 100% các cơ sở y tế triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; 100% các cơ sở khám, chữa bệnh triển khai đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến; 50% số bệnh viện trên địa bàn thành phố chuyển đối số thành công triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt; phấn đấu đạt mức 6 về nhóm tiêu chí hạ tầng công nghệ thông tin theo quy định của Bộ Y tế ở các bệnh viện, hướng đến bệnh viện thông minh.

“Bên cạnh đó, ngành y tế thành phố cũng đặt ra tầm nhìn của chuyển đổi số ngành y tế tới năm 2030 là việc ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động, dịch vụ của ngành y tế thành phố, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh. Mục đích của chuyển đổi số là nhà quản lý điều hành hệ thống hiệu quả; cán bộ y tế được nâng cao trình độ chuyên môn, quản trị công việc hiệu quả; người dân được tiếp cận và sử dung dịch vụ y tế thuận lợi và có chất lượng”, bác sĩ Thủy cho biết.

PHAN CHUNG

.