Y tế - Sức khỏe
Đề phòng đột quỵ ở người lớn tuổi
Đột quỵ là biểu hiện của bệnh lý nhồi máu não cấp do mạch máu não bị tắc nghẽn hoặc giảm lưu lượng máu não. Đây là bệnh đang trở nên phổ biến và trẻ hóa theo độ tuổi. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, bệnh này cần có sự can thiệp y tế nhanh nhất để tái lưu thông lại dòng máu bị hẹp, tắc trong não, tránh để lại hậu quả, di chứng về sau. Đặc biệt đối với bệnh nhân lớn tuổi bị đột quỵ, cần được phát hiện, can thiệp kịp thời, vì khả năng hồi phục chậm kèm với nhiều bệnh nền khác, có thể rất nguy hiểm đến tính mạng.
Nhân viên y tế chăm sóc, điều trị bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện C Đà Nẵng. Ảnh: P.C |
Thời gian gần đây Bệnh viện C Đà Nẵng liên tục tiếp nhận, điều trị nhiều bệnh nhân lớn tuổi mắc kèm các bệnh nền khác bị đột quỵ, nhập viện cấp cứu, điều trị. Mới đây, bệnh viện vừa thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp mạch não hút huyết khối động mạch cảnh trong, cứu sống bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp. Bệnh nhân phục hồi gần như hoàn toàn trong niềm vui chung của gia đình bệnh nhân và đội ngũ các thầy thuốc tham gia cấp cứu, can thiệp, điều trị, phục hồi chức năng cho bệnh nhân.
Cụ thể, bệnh nhân N.T.Q (53 tuổi, trú thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) được người nhà chở nhập viện trong tình trạng lơ mơ. Trước đó, vào khoảng 20 giờ đêm, bệnh nhân đang ngồi làm việc thì đột ngột gục đầu xuống bàn, người nhà lay gọi bệnh nhân không biết gì, kèm nôn mửa. Bệnh nhân sau khi nhập viện thì bị liệt hoàn toàn nửa người bên phải, liệt mặt trung ương bên phải.
Các bác sĩ tại Bệnh viện C Đà Nẵng đã cho bệnh nhân chụp CT sọ não - mạch não và kết quả cho thấy bệnh nhân bị hẹp tắc hoàn toàn động mạch cảnh trong bên trái đoạn nội sọ đến động mạch não giữa. Theo các bác sĩ, đây là trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu não cấp giờ thứ 3 do tắc hoàn toàn động mạch cảnh trong bên trái. Sau cuộc hội chẩn khẩn, bệnh nhân đã được đưa vào phòng can thiệp mạch não, lấy huyết khối.
Đây là một can thiệp mang yếu tố quyết định sống còn, buộc các bác sĩ phải chạy đua với thời gian để cứu lấy tế bào não. Sau can thiệp lấy huyết khối thành công, bệnh nhân tỉnh hơn, gọi hỏi biết làm theo y lệnh, cải thiện cơ lực nửa người bên phải. Bệnh nhân Q. được chuyển về Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện C Đà Nẵng để theo dõi sát, điều trị nội khoa và phục hồi chức năng tích cực. Sau 2 tuần theo dõi, điều trị phục hồi, bệnh nhân đã nói rõ hơn, có thể đi lại, tự sinh hoạt hằng ngày và được xuất viện.
Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện C Đà Nẵng hiện đang tiếp nhận, điều trị 30 bệnh nhân lớn tuổi bị đột quỵ, trong đó có 6 bệnh nhân hồi sức. So với các khoa, phòng chuyên môn khác, số bệnh nhân nằm tại trung tâm so với số giường bệnh được phân bổ luôn chiếm tỷ lệ cao. Điều đó cho thấy, đột quỵ đang trở nên phổ biến và xảy ra ở nhiều bệnh nhân lớn tuổi.
Bác sĩ Trần Xuân Nghĩa, Trung tâm Đột quỵ cho biết, bất cứ lứa tuổi nào đột quỵ cũng gây nguy hiểm và để lại hậu quả nặng nề nếu không được phát hiện, can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, ở bệnh nhân lớn tuổi nếu bị đột quỵ thì rất nguy hiểm do sức khỏe giảm sút, thể trạng yếu, đồng thời mắc cùng lúc nhiều bệnh nền khác nên việc chăm sóc, điều trị cũng vất vả, khó khăn hơn.
“Bệnh nhân lớn tuổi bị đột quỵ thì nguy cơ biến chứng là rất cao. Có những trường hợp nằm một chỗ nên lâu dài sẽ sinh lở loét, hoại tử. Tuỳ theo mức độ của từng bệnh nhân mà trung tâm thực hiện điều trị, chăm sóc khác nhau như tiêu sợi huyết, điều trị oxy cao áp, can thiệp mạch máu não…”, bác sĩ Nghĩa cho biết.
Trong khi đó, theo Điều dưỡng trưởng Trung tâm Đột quỵ Nguyễn Thị Khánh Trang, các bệnh nhân đột quỵ tại đây đều được chăm sóc toàn diện, người nhà chỉ được vào thăm nuôi trong những giờ nhất định. “Bệnh nhân lớn tuổi bị đột quỵ thường mắc các bệnh nền kèm như: đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận… nên quá trình chăm sóc, điều trị phải chặt chẽ, có sự hỗ trợ từ các khoa, phòng chuyên môn khác, từ chế độ dinh dưỡng cho đến thuốc điều trị. Đối với đột quỵ, bệnh nhân sẽ được điều trị theo phác đồ của bác sĩ, ngoài ra, quá trình phục hồi chức năng cũng sẽ được thực hiện tại chỗ để thuận lợi cho các bệnh nhân lớn tuổi”, điều dưỡng Trang cho biết.
Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng, những năm qua, số bệnh nhân lớn tuổi bị đột quỵ kèm với các bệnh nền khác tăng cao. Từ thực tế đó, bệnh viện đã không ngừng đầu tư, nâng cấp Trung tâm Đột quỵ để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân tốt nhất. “Bệnh viện thành lập tổ đội cấp cứu, tiếp nhận, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân đột quỵ trong thời gian sớm nhất, có sự tham gia của các khoa Cấp cứu, Chẩn đoán hình ảnh và Trung tâm Đột quỵ.
Đây là bệnh lý hết sức nguy hiểm, để lại hậu quả, di chứng nên các ê-kip phải chạy đua với thời gian, bệnh nhân được can thiệp, điều trị càng sớm thì khả năng hồi phục càng cao. Hiện nay, công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế của bệnh viện đang được triển khai theo quy định. Trong đó, chúng tôi tập trung ưu tiên giải quyết sớm nhất tình trạng thiếu thuốc, vật tư Trung tâm Đột quỵ để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, điều trị bệnh nhân”, bác sĩ Dũng cho biết.
PHAN CHUNG