Y tế - Sức khỏe

Phản hồi loạt bài 'Tiềm ẩn rủi ro từ các cơ sở làm đẹp trái phép': Lợi bất cập hại

06:51, 23/08/2023 (GMT+7)

Sau khi đăng tải loạt bài “Tiềm ẩn rủi ro từ các cơ sở làm đẹp trái phép”, Báo Đà Nẵng tiếp tục ghi nhận các ý kiến của người trong cuộc, người dân và cơ quan y tế. Việc các cơ sở làm đẹp hoạt động trái phép mang đến rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh và đe dọa sức khỏe, tính mạng của người dân.

Cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng để tạo sự an toàn cho người dân khi sử dụng dịch vụ thẩm mỹ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp.  Trong ảnh: Nhân viên Viện thẩm mỹ Văn Trường thực hiện kỹ thuật xâm lấn chăm sóc sắc đẹp cho khách. Ảnh: P.C
Cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng để tạo sự an toàn cho người dân khi sử dụng dịch vụ thẩm mỹ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Nhân viên Viện thẩm mỹ Văn Trường thực hiện kỹ thuật xâm lấn chăm sóc sắc đẹp cho khách. Ảnh: P.C

* Anh Dương Duy Lâm, quản lý Viện thẩm mỹ Văn Trường (quận Thanh Khê): Cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư

Hiện nay cơ sở làm đẹp nói chung có hai loại hình. Thứ nhất là các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, do Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp giấy đăng ký kinh doanh, Sở Y tế thẩm định, cấp phép hoạt động. Thứ hai là các cơ sở thẩm mỹ do UBND các quận, huyện giao Phòng Kế hoạch - Tài chính cấp giấy đăng ký kinh doanh dạng doanh nghiệp hoặc hộ gia đình. Cùng cung cấp dịch vụ làm đẹp nhưng tiêu chuẩn, điều kiện của các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ khá chặt chẽ, chịu sự quản lý từ hoạt động chuyên môn, chứng chỉ hành nghề của đội ngũ y bác sĩ, bảo đảm quy định xử lý rác thải y tế, rác thải nguy hại môi trường…

Theo quy định hiện nay, các cơ sở thẩm mỹ mở tại các quận, huyện không được dùng các kỹ thuật xâm lấn, không sử dụng thuốc, các hóa chất, thiết bị để thực hiện phẫu thuật, thủ thuật, tiêm, bơm vào các bộ phận trên cơ thể khách hàng. Để làm được điều này, nhân viên y tế phải có chứng chỉ hành nghề được đào tạo bài bản và phải được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động. Tuy nhiên trên thực tế, nhất là thời gian qua khi cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, thì đây là vi phạm phổ biến nhất. Để làm được điều đó, các cơ sở này sử dụng những kỹ thuật viên tay ngang cử đi học việc qua loa xong về trực tiếp làm.

Để hạ giá thành dịch vụ nhằm đánh vào thị hiếu “ham rẻ, khuyến mãi” của khách hàng, họ sử dụng các loại hoạt chất, thuốc, thiết bị trôi nổi, không nguồn gốc như cơ quan chức năng đã phát hiện. Đây là thiệt thòi mang tính cạnh tranh thị trường đối với lĩnh vực làm đẹp. Dưới góc độ bảo đảm an toàn, sức khỏe, tính mạng cho người dân, tôi đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm. Ngoài ra, về cạnh tranh thị trường, các cơ sở thẩm mỹ “chính danh” cũng rất mong muốn cơ quan chức năng cần siết chặt hơn hoạt động của các cơ sở hành nghề về thẩm mỹ nói chung, từ đó tạo môi trường đầu tư lành mạnh, công bằng cho các cơ sở tham gia dịch vụ này.

* Chị Nguyễn Lê Thành (trú phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn): Xử lý nghiêm những cơ sở “treo đầu dê bán thịt chó”

Làm đẹp là nhu cầu chính đáng không chỉ dành riêng cho phụ nữ mà còn cả nam giới. Việc nở rộ nhiều loại hình dịch vụ, cơ sở làm đẹp hiện nay là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó. Tuy nhiên, ở dưới góc độ khách hàng, người dân có nhu cầu, tôi đề nghị cơ quan chức năng phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử phạt thật nghiêm các cơ sở làm đẹp hoạt động vượt quá chức năng, phạm vi mình được cấp phép.

Có một thực tế hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội, các cơ sở làm đẹp đua nhau quảng bá, tiếp thị với những lời mời chào phô trương, vượt quá khả năng của mình. Tôi đã từng là nạn nhân của một cơ sở làm đẹp tại quận Hải Châu, khi biết cơ sở không được thực hành phẫu thuật xâm lấn như trong quảng cáo. Tuy nhiên, tâm lý chung hiện nay, phần lớn khách hàng không có khả năng kiểm chứng các danh mục kỹ thuật mà cơ sở làm đẹp được cấp phép mà thường tiếp cận, lựa chọn thông qua người quen mách bảo, giá cả hợp lý và phần quảng cáo, giới thiệu của chính họ. Chính vì thế, việc quảng cáo, giới thiệu sai sự thật của các cơ sở này là hết sức nguy hiểm, vô hình chung là hợp thức hóa cho sai phạm. Vì thế, đề nghị cơ quan chức năng phải quan tâm hơn đến vấn đề giới thiệu, quảng bá của các cơ sở này.

* Bác sĩ Kim Văn Hùng, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng: Hậu quả nặng nề

Làm đẹp là ngành nghề hoạt động kinh doanh có điều kiện, chịu sự quản lý, giám sát chặt chẽ của nhiều ngành và địa phương. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà đến nay, nhiều cơ sở làm đẹp trái phép vẫn hoạt động một cách công khai. Là bệnh viện chuyên khoa trực tiếp khám, điều trị các bệnh về da, chúng tôi cũng thường xuyên tiếp nhận, điều trị những bệnh nhân bị biến chứng hết sức nguy hiểm do tùy tiện làm đẹp ở các cơ sở không rõ ràng. Phẫu thuật thẩm mỹ là quá trình can thiệp vào cơ thể bằng kỹ thuật của nhân viên y tế kết hợp với các thành phần, hoạt chất được Bộ Y tế cấp phép.

Việc lựa chọn phương pháp làm đẹp nhanh và rẻ tiền sẽ khiến người bệnh gặp nguy hiểm, biến chứng, nhiễm trùng, thậm chí tử vong. Việc khắc phục hậu quả cho bệnh nhân bị biến chứng do các cơ sở làm đẹp trái phép cũng rất gian nan, vất vả. Nhiều bộ phận cơ thể bị biến dạng, hoại tử nên các bác sĩ phải khám, chẩn đoán và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Để khôi phục lại như ban đầu không phải là điều dễ dàng, thậm chí, để an toàn cho cơ thể, các bác sĩ buộc phải cắt bỏ các bộ phận bị hoại tử. Khi đó, từ mục đích ban đầu là làm đẹp thì khách hàng đã tự làm xấu, làm nguy hại đến bản thân mình.

Chính vì thế, người dân cần quan tâm, tìm hiểu rõ, kỹ càng các cơ sở làm đẹp khi bản thân có ý định thẩm mỹ. Tuyệt đối không vì tin đồn, rỉ tai nhau không kiểm chứng mà phó mặc sức khỏe, ngoại hình và tính mạng của mình cho các cơ sở trái phép.

PHAN CHUNG ghi

.