Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây từ người sang người và có khả năng tạo thành dịch. Hiện nay, tình hình bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Bắc, đã ghi nhận một số trường hợp tử vong. Tại Đà Nẵng, dù chưa ghi nhận trường hợp nghi ngờ, xác định mắc bệnh bạch hầu, tuy nhiên ngành y tế khuyến cáo và chủ động thực hiện các biện pháp giám sát, phát hiện sớm, kiểm soát bệnh bạch hầu.
Khi có dấu hiệu của bệnh bạch hầu, phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Ảnh: PHAN CHUNG |
Liên quan đến vấn đề này, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế vừa có công văn gửi các địa phương về việc tăng cường các biện pháp kiểm soát, phòng, chống, thu dung điều trị bệnh bạch hầu. Theo đó, bệnh lây truyền trực tiếp từ người bệnh nhiễm vi khuẩn bạch hầu sang người lành thông qua đường hô hấp. Bệnh cũng lây gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không bảo đảm.
Ngoài ra, vi khuẩn bạch hầu còn có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Bộ Y tế cũng lưu ý, mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu không có miễn dịch đặc hiệu hoặc nồng độ kháng thể ở dưới mức bảo vệ. Theo đó, trẻ em và người lớn ở mọi độ tuổi có tiếp xúc với người bị nhiễm bạch hầu, đi du lịch đến các vùng dịch tễ của bệnh bạch hầu nhưng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh; những người suy giảm miễn dịch; người sống trong điều kiện đông đúc hoặc mất vệ sinh… đều có thể mắc bạch hầu.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, độc tố bạch hầu có thể gây các tổn thương như viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, tử vong do đột ngột trụy tim mạch. Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim, sau nhiều năm gây ra bệnh tim mãn và suy tim. Ngoài ra, bệnh bạch hầu gây thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận; tắc nghẽn đường hô hấp và gây tử vong trong vòng 6-10 ngày.
Bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng cho biết, việc xử lý ca bệnh, ổ dịch, phòng, chống dịch bệnh bạch hầu được ngành y tế triển khai thực hiện theo Quyết định số 3593/QĐ-BYT ngày 18-8-2020 của Bộ Y tế, đồng thời hướng dẫn những biện pháp phòng bệnh bạch hầu. “Trước hết là chủ động phòng bệnh bằng việc tiêm vắc-xin.
Cần phải đưa trẻ đi tiêm chủng vắc-xin đầy đủ, đúng lịch. Các loại vắc-xin phòng bệnh bạch hầu gồm có vắc-xin 5 trong 1 SII (vắc-xin phối hợp phòng 5 bệnh Bạch hầu - uốn ván - ho gà - viêm phổi do HIB - viêm gan B), vắc xin DPT (Bạch hầu - uốn ván - ho gà) được tiêm cho tất cả trẻ từ 2 tháng đến 18 tháng tuổi. Vắc-xin 5 trong 1, 6 trong 1; vắc-xin uốn ván - bạch hầu hấp phụ được chỉ định cho trẻ em từ 7 tuổi trở lên và người lớn.
Cần vệ sinh phòng bệnh, nhà ở, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh”, bác sĩ Hóa cho biết.
CDC Đà Nẵng cũng lên kế hoạch phòng, chống bệnh bạch hầu trong trường hợp phát hiện ca mắc. Theo đó, tại nơi có ổ dịch bạch hầu sẽ tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp viêm họng giả mạc. Tổ chức sát trùng tẩy uế đồng thời và sát trùng tẩy uế lần cuối tất cả các đồ vật có liên quan tới bệnh nhân bạch hầu. Tẩy uế và diệt khuẩn phòng bệnh nhân hằng ngày bằng cresyl, chloramin B; bát đĩa, đũa, chăn màn, quần áo... phải được luộc sôi.
Tất cả bệnh nhân nghi ngờ, bệnh nhân có thể mắc bệnh phải được mang khẩu trang và cách ly ngay tại cơ sở y tế. Ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh có thể mắc bệnh cần phải cách ly riêng biệt với ca bệnh xác định. Nếu dịch xảy ra trong trường học thì tất cả học sinh có biểu hiện sốt, đau họng hoặc có các triệu chứng khác nghi ngờ mắc bệnh đều cần phải được nghỉ học và đưa tới cơ sở y tế để quản lý, điều trị và lấy mẫu xét nghiệm.
Theo bác sĩ Võ Thu Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, để tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng, chống, thu dung điều trị bệnh bạch hầu, Sở Y tế đã có công văn gửi các sở, ngành, địa phương phối hợp và thông báo ngay cho các đơn vị y tế dự phòng trên địa bàn khi phát hiện trường hợp có biểu hiện nghi ngờ hoặc xác định mắc bệnh bạch hầu.
“Các địa phương cần tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh bạch hầu tại cộng đồng, nhất là tại các cơ sở giáo dục, mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình, cơ sở trông giữ trẻ trên địa bàn. Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu của bệnh, phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời”, bác sĩ Tùng cho biết.
Ngành y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố rà soát quy trình, trang thiết bị, thuốc, vật tư theo hướng dẫn để tổ chức thực hiện việc khám sàng lọc, cách ly, thu dung, điều trị người bệnh bạch hầu theo quy định, hạn chế tới mức thấp nhất tỉ lệ tử vong. Bảo đảm công tác phòng lây nhiễm chéo cho người bệnh và nhân viên y tế trong cơ sở khám, chữa bệnh.
“Nếu có các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ tới bạch hầu, thì phải ưu tiên lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu và triển khai thực hiện ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm tìm vi khuẩn sớm để định hướng điều trị. Tăng cường theo dõi, phát hiện sớm các biến chứng để kịp thời xử trí, chuyển tuyến khi cần thiết đồng thời triển khai cho người tiếp xúc uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn của ngành y tế”, bác sĩ Tùng cho biết thêm.
PHAN CHUNG