Y tế - Sức khỏe
Chủ động phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ
Sau khi ghi nhận thêm nhiều ca mắc đậu mùa khỉ tại một số tỉnh, thành khu vực phía Nam, ngành y tế thành phố đã có công văn khẩn, đề nghị các sở, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh. Các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố chủ động xây dựng phương án tiếp nhận, thu dung điều trị nếu có ghi nhận bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ, trên cơ sở tuân thủ các kịch bản mà ngành y tế đã xây dựng.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tập trung công tác sàng lọc, phân luồng, phát hiện sớm ca mắc đậu mùa khỉ. (Ảnh chụp tại Bệnh viện Đà Nẵng). Ảnh: ĐẠI BÌNH |
Việc phát hiện bệnh đậu mùa khỉ hiện nay được thực hiện thông qua hoạt động giám sát tại cửa khẩu và sự chủ động của người dân trong việc ghi nhận, phát hiện các triệu chứng liên quan đến bệnh này. Theo bác sĩ Phạm Trúc Lâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, trên cơ sở áp dụng các phương án mà ngành y tế đã xây dựng, CDC Đà Nẵng đã tăng cường các biện pháp kiểm dịch y tế quốc tế, giám sát người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ bằng cách giám sát thân nhiệt người nhập cảnh. Tại khu vực nhập cảnh, nhân viên y tế tiến hành giám sát thân nhiệt, quan sát thực tế hoặc qua khai báo của người nhập cảnh để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, kịp thời xử lý.
“Theo đó, khi hành khách nhập cảnh sẽ đi qua hệ thống thiết bị kiểm tra thân nhiệt. Nếu khách không có triệu chứng nghi ngờ thì sẽ được nhập cảnh theo quy trình thông thường. Trong trường hợp có một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ như đau đầu, nổi hạch, sốt, phát ban, đau cơ, đau lưng, mệt mỏi… thì sẽ được chuyển vào phòng cách ly tạm thời để khai thác yếu tố dịch tễ và khám sơ bộ. Nếu không có yếu tố dịch tễ thì hành khách sẽ được nhập cảnh, tự theo dõi sức khỏe 21 ngày đồng thời tiếp tục thực hiện quy trình giám sát tại cộng đồng. Trong trường hợp có yếu tố dịch tễ và triệu chứng nghi ngờ, hành khách sẽ được chuyển về cơ sở y tế để khám, chẩn đoán và xét nghiệm điều trị”, bác sĩ Lâm cho biết.
Liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ, trước đó Bộ Y tế đã có hướng dẫn về việc phát hiện, ghi nhận các triệu chứng liên quan. Cụ thể, triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da. Triệu chứng điển hình thường kéo dài từ 2 đến 4 tuần và tự biến mất mà không cần điều trị. Bộ Y tế khuyến cáo, khi nghi ngờ đang có triệu chứng hoặc đã tiếp xúc gần với một người mắc bệnh đậu mùa khỉ, người dân hãy liên hệ với cơ sở y tế để xin tư vấn, xét nghiệm và được chăm sóc y tế.
Bác sĩ Võ Thu Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, để chủ động ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ, ngành y tế đã xây dựng 3 kịch bản ứng phó với bệnh. Đó là chưa ghi nhận ca nào; ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ xâm nhập vào thành phố và kịch bản ứng phó khi bệnh đậu mùa khỉ lây lan mạnh trong cộng đồng. Kịch bản dễ xảy ra hiện nay là ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ xâm nhập vào thành phố. Khi đó, CDC Đà Nẵng phối hợp các cơ sở y tế khẩn trương triển khai điều tra dịch tễ, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần.
Người tiếp xúc với bệnh nhân phải thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang y tế, kính đeo mắt, găng tay, mũ áo... sử dụng riêng biệt các vật dụng, đồ dùng sinh hoạt cá nhân trong quá trình tiếp xúc gần với người bệnh; rửa tay ngay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh. Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với bệnh nhân và những người khác. Người bệnh sẽ được cách ly, điều trị tại cơ sở y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm giảm tối đa biến chứng, tử vong, hạn chế việc chuyển tuyến bệnh nhân để tránh lây lan, đồng thời thực hiện theo dõi, hội chẩn theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định…
Để kịch bản này không xảy ra, ngay từ bây giờ, các đơn vị, sở, ngành, địa phương liên quan cần tăng cường truyền thông, giám sát, phát hiện sớm bệnh đậu mùa khỉ. “Ngành y tế vừa có công văn khẩn đề nghị UBND các quận huyện phối hợp, chỉ đạo UBND các xã, phường, các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương cùng với ngành y tế trong công tác giám sát tại cộng đồng, phát hiện sớm, thông tin, báo cáo, kịp thời triển khai các biện pháp xử lý, can thiệp, kiểm soát, phòng, chống dịch, phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ; tăng cường truyền thông về bệnh đậu mùa khỉ để người dân hiểu được nguyên nhân, đường lây và các biện pháp phòng bệnh tại cộng đồng.
Vận động người dân thực hiện vệ sinh nơi ở, vệ sinh cá nhân để phòng bệnh. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị y tế trên địa bàn rà soát phương án ứng phó, phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ của đơn vị; quán triệt, phổ biến toàn cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế về công tác phòng, chống dịch bệnh. Các cơ sở khám bệnh chữa bệnh tập trung công tác sàng lọc, phân luồng, phát hiện sớm; khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh phải thực hiện biện pháp cách ly tạm thời, thực hiện điều tra, giám sát, xử lý, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo phương án đã ban hành”, bác sĩ Tùng cho biết.
ĐẠI BÌNH