Phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ

.

Sau khi nước mưa rút, nhiều địa phương đã nhanh chóng vào cuộc xử lý môi trường để phòng, chống dịch bệnh. Ngành y tế khuyến cáo, mưa lớn gây ngập nhiều nơi là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn sinh sôi, phát triển. Vì vậy, các địa phương, người dân cần chủ động triển khai dọn dẹp vệ sinh và các biện pháp phòng, chống cần thiết. Những loại dịch bệnh dễ xuất hiện, bùng phát trong và sau khi mưa lũ diễn ra là tiêu chảy cấp, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, các bệnh ngoài da…

Sau mưa lũ là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, mầm bệnh sinh sôi, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Ảnh: PHAN CHUNG
Sau mưa lũ là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, mầm bệnh sinh sôi, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Ảnh: PHAN CHUNG

Đợt mưa lũ diễn ra từ ngày 15 đến 17-10 khiến 777 hộ dân tại 36 tổ dân phố, 9 trường học và 202 giếng nước sinh hoạt của người dân trên địa bàn huyện Hòa Vang bị ngập. 4 xã có số hộ bị ngập nhiều nhất là Hòa Sơn (111 hộ), Hòa Nhơn (260 hộ), Hòa Khương (148 hộ) và Hòa Phong (188 hộ). Theo bác sĩ Võ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, ngay sau khi nước rút, đơn vị đã thành lập 2 đoàn tổ chức phun hoá chất khử khuẩn tại các điểm ngập trên địa bàn huyện theo hình thức cuốn chiếu, triển khai đến hết ngày 22-10. Hiện nay, một số hộ dân trên địa bàn huyện vẫn còn dùng nước giếng khơi nên tiềm ẩn nguy cơ bị các bệnh về mắt, tiêu hóa nếu ô nhiễm. Đối với những giếng bị ngập đợt mưa vừa qua, nhân viên y tế huyện Hòa Vang cung cấp Cloramin B 25% và hướng dẫn xử lý.

“Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt truyền thông trực tiếp tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp bảo đảm vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, tẩy uế, khử trùng, vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý rác thải, thay rửa các dụng cụ chứa nước, hủy bỏ các dụng cụ phế thải nhằm loại bỏ trừ ổ bọ gậy, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh”, bác sĩ Vinh cho biết. UBND huyện Hòa Vang cũng đề nghị UBND 11 xã phân công cán bộ phụ trách để theo dõi, chỉ đạo công tác xử lý môi trường và giám sát các dịch bệnh xảy ra sau mưa lũ. Theo dõi và phát hiện kịp thời các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt lưu ý các bệnh như: Sốt xuất huyết (SXH), tay - chân - miệng (TCM), tiêu chảy cấp nghi ngờ dịch tả, thương hàn, lỵ...

Tương tự, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu giao các khoa chuyên môn như Kiểm soát bệnh tật &HIV/AIDS, Y tế công cộng - dinh dưỡng và an toàn thực phẩm phối hợp UBND 5 phường xây dựng kế hoạch khử khuẩn, xử lý môi trường. “Chúng tôi tập trung vào việc hướng dẫn người dân phòng chống một số bệnh sau bão, lũ như bệnh đường tiêu hóa, bệnh da liễu và các bệnh về mắt do nhiễm khuẩn...

Phối hợp các địa phương tiến hành công tác vệ sinh môi trường và xử lý hóa chất để sát trùng, tẩy uế môi trường cho tất cả các tuyến đường, khu dân cư, điểm tập trung dân cư tránh bão, lụt, trường học, chợ, giếng nước sinh hoạt của nhân dân… và các cơ quan trên địa bàn huyện bị ô nhiễm. Ngành y tế cũng khuyến cáo người dân, khi có diễn biến bất thường về tình hình các loại dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm cần báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn, hỗ trợ”, bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu cho biết.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Một số bệnh có thể xuất hiện, bùng phát sau mưa lũ, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân là: sốt xuất huyết, bệnh đường hô hấp, các bệnh về da, bệnh tiêu chảy cấp, đau mắt đỏ…

Bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Y tế, CDC Đà Nẵng đã có công văn gửi các đơn vị, địa phương về việc phối hợp, tổ chức các hoạt động bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ. CDC Đà Nẵng cũng phân công cán bộ, nhân viên thực hiện nhiệm vụ giám sát công tác phòng, chống dịch trong và sau mưa lũ tại các địa phương.

“Ngoài nhiệm vụ của cơ quan chức năng, chính quyền các cấp, người dân cũng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện thay rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt. Bảo đảm vệ sinh môi trường theo nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Giữ vệ sinh cơ thể, sử dụng trang thiết bị bảo hộ trong khi làm vệ sinh môi trường, tránh tiếp xúc với nguồn bệnh”, bác sĩ Hóa khuyến cáo.

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố, sở y tế các địa phương chủ động giám sát, phòng, chống các bệnh thường gặp. Trong đó, đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị y tế chủ động rà soát và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các vùng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng do thiên tai, nhất là vùng có thể bị ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng và chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra... Đồng thời bảo đảm nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.