Đột quỵ là một trong những bệnh lý phổ biến gây tử vong, tàn tật, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Trước đây, đột quỵ thường xuất hiện nhiều ở bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý nền thì thời gian gần đây đang có dấu hiệu trẻ hóa, đặc biệt đã xuất hiện nhiều ở trẻ em. Theo các bác sĩ, tuy số lượng không phổ biến nhưng các bậc phụ huynh không nên chủ quan, cần cảnh giác, nhận biết sớm các dấu hiệu để đưa con đến viện sớm, kịp “giờ vàng” cứu chữa.
Bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng khám, hướng dẫn tập phục hồi chức năng cho bệnh nhi đột quỵ. Ảnh: PHAN CHUNG |
Ở trẻ, tuy số lượng không nhiều vì đây được coi là bệnh lý ít gặp nhưng trong thời gian gần đây, một số bệnh viện đã ghi nhận các trường hợp bệnh nhi bị đột quỵ. Cha mẹ nên cảnh giác để đưa con đến viện sớm, kịp “giờ vàng” cứu chữa.
Các bác sĩ Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đà Nẵng vừa cấp cứu ngay trong đêm cứu bé trai 10 tuổi bị đột quỵ não bằng thuốc tiêu sợi huyết. Cụ thể, bệnh nhi N.N.H. (SN 2013, trú quận Thanh Khê) nhập cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng lơ mơ, liệt nửa người phải, không nói được. Người nhà cho biết, khi đang chơi cùng bé thì bé nói đau đầu, sau đó méo miệng, lơ mơ, nói khó. Lo lắng, người nhà đã nhanh chóng đưa cháu đến Bệnh viện Đà Nẵng.
Tại đây, các bác sĩ tiến hành chụp CT, sau đó hội chẩn khẩn với các bác sĩ khoa Đột quỵ. Đây là trường hợp đột quỵ trẻ em rất hiếm gặp, bệnh nhi vào viện có tình trạng yếu nửa người phải tiến triển đến liệt hoàn toàn và rối loạn tri giác, chỉ may mắn duy nhất là gia đình biết thông tin về bệnh đột quỵ nên đưa cháu nhanh chóng đến bệnh viện trong thời gian “vàng”.
Sau khi nhận định tình trạng bệnh lý, các bác sĩ đột quỵ đã kích hoạt báo động đỏ nội viện với mức độ “đặc biệt” nhất để huy động sự hỗ trợ của các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, can thiệp mạch não, nhân viên xét nghiệm của bệnh viện để làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết cho bệnh nhân. Đồng thời hội chẩn khẩn với chuyên gia đột quỵ đầu ngành tại Thành phố Hồ Chí Minh ngay trong đêm để chẩn đoán chính xác và quyết định điều trị cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết với hy vọng cứu sống bệnh nhi. Bệnh nhi H. sau đó đã đáp ứng điều trị, cải thiện dần chức năng sau quá trình điều trị thuốc kết hợp phục hồi chức năng. Hiện bệnh nhi H. đã được xuất viện, đi học trở lại sau một tháng nằm viện.
Trước đó, Bệnh viện Đà Nẵng cũng tiếp nhận bệnh nhi 8 tuổi là T.A.D. (trú quận Liên Chiểu) nhập viện trong tình trạng co giật và được chẩn đoán nhồi máu não, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên phải. Người thân cháu D. kể lại, cháu hoàn toàn khỏe mạnh, đi học, sinh hoạt, vui chơi bình thường. Sau khi tắm buổi tối xong, cháu có biểu hiện bị co giật, không thể tự chủ các hành động chăm sóc bản thân như mặc áo quần, lau cơ thể. Khi nhập viện, cháu rơi vào trạng thái miệng méo, nói không tròn tiếng, đi lại cần sự trợ giúp của người nhà… Sau gần 3 tuần tích cực điều trị thuốc kết hợp phục hồi chức năng, cháu đã hồi phục tốt, có thể tự đi lại, vui chơi mà không phải phụ thuộc vào dụng cụ trợ giúp hay người nhà hỗ trợ.
Theo bác sĩ Phạm Như Thông, Phó Trưởng Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đà Nẵng, đây không phải là những trường hợp bệnh nhân nhỏ tuổi hiếm gặp tại Bệnh viện Đà Nẵng. Việc điều trị sẽ gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro vì có thể có thêm biến chứng, cũng như có thể để lại di chứng ảnh hưởng đến tương lai của cháu. Qua những trường hợp này cho thấy đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nếu xảy ra ở người trẻ hoặc trẻ nhỏ, hậu quả có thể rất nặng nề do di chứng cả về thể chất và tinh thần cho người bệnh.
Đối với những trường hợp bệnh nhi có bất thường về tim mạch hoặc có rối loạn đông máu là một trong những nguyên nhân có thể dẫn tới đột quỵ cần được quan tâm lưu ý hơn. Nếu như đột quỵ ở người lớn có các dấu hiệu ban đầu điển hình dễ nhận biết như miệng méo, nói ngọng, yếu liệt chân tay… thì ở trẻ em, dấu hiệu ban đầu khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với những bệnh lý thông thường như động kinh, đặc biệt là viêm màng não. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhi có nguy cơ tàn tật rất cao, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Theo các chuyên gia, thời gian “vàng” trong điều trị đột quỵ là 3-6 giờ kể từ khi phát đột quỵ. Khi trẻ có những dấu hiệu đột quỵ, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, bởi thời gian “vàng” trong cấp cứu đột quỵ được tính bằng phút, bằng giây. Bên cạnh đó, khi trẻ có dấu hiệu đột quỵ, cần đặt trẻ vào một vị trí thoải mái, tốt nhất cho trẻ nằm ngửa hoặc nằm nghiêng an toàn, đầu, vai hơi nâng cao và được hỗ trợ bằng gối hoặc quần áo. Hạn chế di chuyển trẻ, giữ môi trường thông thoáng, nới lỏng quần áo. Nếu trẻ ngưng thở, cần hô hấp nhân tạo và đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất. Không tự ý bấm huyệt, châm cứu, đánh gió hoặc chích lể máu đầu ngón tay, sau gáy hay sau tai vì những động tác này có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Người nhà bệnh nhân cần nắm rõ các dấu hiệu đột quỵ theo quy tắc BE FAST để nhận biết sớm và cấp cứu kịp thời bệnh nhân bị đột quỵ. Cụ thể, B (BALANCE) là mất thăng bằng, đau đầu, chóng mặt, E (EYESIGHT) là mất thị lực 1 phần/hoàn toàn, tầm nhìn bị mờ đột ngột, F (FACE) là gương mặt tự nhiên bị méo, nụ cười méo 1 bên, nhân trung lệch, A (ARM) là một bên tay chân yếu, cầm nắm đồ không chắc, S (SPEECH) là mất khả năng nói, đột nhiên nói khó, nói ngọng, T (TIME) là Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. |
PHAN CHUNG