Điều chỉnh giá dịch vụ y tế góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

.

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 22/2023/TT-BYT (gọi tắt Thông tư 22) quy định, từ ngày 17-11 mức giá khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) được điều chỉnh tăng khoảng 10%. Nhiều dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng giá, giúp các bệnh viện tăng nguồn thu từ BHYT, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

Thực hiện chuyển giao kỹ thuật theo đề án Bệnh viện vệ tinh tại Trung tâm Y tế quận Sơn Trà. Ảnh: PHAN CHUNG
Thực hiện chuyển giao kỹ thuật theo đề án Bệnh viện vệ tinh tại Trung tâm Y tế quận Sơn Trà. Ảnh: PHAN CHUNG

Giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT quy định tại Thông tư 22 được xây dựng trên cơ sở chi phí trực tiếp và tiền lương để bảo đảm việc khám chữa bệnh (KCB). Theo đó, giá dịch vụ KCB BHYT gồm giá dịch vụ khám bệnh, hội chẩn; giá dịch vụ ngày giường bệnh; giá dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm. Cụ thể, ngày 17-11, giá nhiều dịch vụ y tế của các bệnh viện cùng hạng được điều chỉnh tăng. Đối với bệnh viện hạng 1, giá khám bệnh mỗi lần tăng từ 38.700 đồng lên 42.100 đồng; bệnh viện hạng 2 từ 34.500 đồng lên 37.500 đồng và bệnh viện hạng 3 từ 27.500 đồng lên 30.100 đồng.

Cùng việc điều chỉnh giá khám bệnh, giá ngày giường điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh cũng tăng theo quy định của Thông tư 22. Theo đó, giá giường bệnh hồi sức cấp cứu của bệnh viện hạng đặc biệt là 509.400 đồng/ngày (tăng 51.400 đồng); hạng 1 là 474.700 đồng/ngày (tăng 47.700 đồng); hạng 2 là 359.200 đồng/ngày (tăng 34.200 đồng)…; thấp nhất là giá giường bệnh tại trạm y tế xã có giá 64.100 đồng/ ngày. Với một số chuyên khoa chuyên sâu như ghép tạng, ghép tủy, ghép tế bào gốc thì giá giường bệnh của các chuyên khoa này ở bệnh viện hạng đặc biệt có giá mới là 867.500 đồng/ngày (tăng 85.500 đồng).

Theo đánh giá của Bộ Y tế, giá dịch vụ y tế BHYT trong Thông tư 22 được xây dựng trên cơ sở chi phí trực tiếp và tiền lương. Trong đó, chi phí trực tiếp gồm: quần áo, mũ, khẩu trang, ga gối đệm; điện, nước, chi phí vệ sinh; chi phí duy tu, bảo dưỡng nhà cửa, trang thiết bị... Chi phí tiền lương gồm: tiền lương theo ngạch bậc, phụ cấp do Nhà nước quy định; phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật theo quyết định của Thủ tướng. Do đó, với mức điều chỉnh viện phí BHYT (tăng khoảng 10%) theo Thông tư 22, thì các bệnh viện có thêm nguồn thu từ BHYT để nâng chất lượng dịch vụ y tế phục vụ người bệnh.

Dù nhiều dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng giá, nhưng theo đại diện Bộ Y tế, thông tư không gây ảnh hưởng hay tác động đối với nhóm đối tượng tham gia BHYT là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội, vì đây là nhóm đối tượng được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh. Với các đối tượng phải đồng chi trả 5%-20% chi phí khám chữa bệnh BHYT thì chịu tác động, nhưng khoản tăng thêm không nhiều, họ có khả năng chi trả vì có thu nhập tăng theo lương cơ sở.

Bác sĩ khám, điều trị bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đà Nẵng.  Ảnh: PHAN CHUNG
Bác sĩ khám, điều trị bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Ghi nhận tại Đà Nẵng, việc điều chỉnh tăng giá khám chữa bệnh BHYT theo Thông tư 22 chưa tác động nhiều đến các cơ sở y tế cũng như người bệnh. Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu cho rằng, giá dịch vụ y tế điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ là yếu tố quan trọng để bảo đảm quyền lợi của bệnh nhân, bệnh viện và cán bộ y tế. So với mức cũ, giá khám bệnh mới cao hơn khoảng 10%.

“Giá khám chữa bệnh cũ tại các cơ sở y tế công lập không được tính đúng, tính đủ dẫn đến bị hụt nguồn thu. Do vậy, lộ trình tăng giá khám chữa bệnh BHYT được đặt ra để bệnh viện ở các tuyến đều có nguồn lực đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng và chuyên môn. Từ đây, người dân sẽ được tiếp cận nhiều dịch vụ kỹ thuật cao tại địa phương, góp phần giảm tải cho tuyến trên. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa nhận được phản ánh của người dân liên quan đến việc điều chỉnh giá này”, bác sĩ Vĩnh cho biết.

Bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết, sau khi nhận được Thông tư 22 của Bộ Y tế về việc triển khai điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT, sở đã có công văn gửi các cơ sở y tế trực thuộc, căn cứ nội dung quy định chi tiết tại các điều khoản của Thông tư 22 phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan để tổ chức triển khai thực hiện kịp thời. Các cơ sở KCB thực hiện công khai, niêm yết giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo mức giá quy định hiện hành tại các địa điểm thuận tiện cho người dân được biết khi đến khám, chăm sóc sức khỏe.

“Đối với giá dịch vụ KCB  không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT mà không phải là dịch vụ khám chữa bệnh yêu cầu tại cơ sở y tế công lập, trong thời gian chờ cơ quan có thẩm quyền quyết định mức giá, các cơ sở này tiếp tục thực hiện mức giá quy định tại Nghị quyết số 243/2019/NQ-HĐND ngày 11-7-2019 của HĐND thành phố quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trên địa bàn thành phố”, bác sĩ Thủy cho biết.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.