Y tế - Sức khỏe
Cảnh báo tình trạng vật nuôi cắn người
Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, số người đến khám, tư vấn và tiêm huyết thanh, vắc-xin phòng dại tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố tăng cao. Ngành y tế khuyến cáo người dân cẩn trọng vì bệnh dại hết sức nguy hiểm, cần chủ động phòng bệnh, kể cả tiêm huyết thanh, vắc-xin kịp thời, cũng như quản lý vật nuôi chặt chẽ hơn.
Ngành y tế cảnh báo nhiều người dân bị vật nuôi cắn, cào xước làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh dại. TRONG ẢNH: Nhân viên CDC tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh cho người dân. Ảnh: PHAN CHUNG |
Phòng Khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp đến đề nghị tiêm huyết thanh, vắc-xin phòng bệnh dại. Trước đó, cháu N.Q.X. (8 tuổi, trú quận Liên Chiểu) trong lúc đến nhà bà ngoại thì bất ngờ bị chó nuôi lao ra cắn vào bắp đùi bên trái. X. bị rách vùng da, rỉ máu, các vết răng in rõ trên vùng da bị cắn, được các nhân viên y tế chỉ định tiêm vắc-xin phòng dại và tiếp tục theo dõi các biểu hiện sau tiêm ngay tại phòng khám. Tương tự, đơn vị này tiếp nhận anh P.D.T. (42 tuổi, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) đến CDC Đà Nẵng khám để được tư vấn tiêm vắc-xin phòng dại.
“Mình dẫn con đi công viên 29-3 chơi hội chợ dịp sau Tết, đông người chen lấn không để ý nên giẫm phải chó của người dân dắt đi dạo cùng và bị cắn. Dù chủ nói là đã tiêm phòng dại cho chó rồi nhưng không yên tâm, phải đến đây để được các nhân viên y tế khám, tư vấn và chỉ định”, anh T. cho biết. Vết thương do chó cắn của anh T. nhẹ do có lớp quần jean dày bảo vệ nên anh chỉ bị xây xát. Anh T. được tư vấn, chỉ định tiêm vắc-xin và theo dõi sau tiêm 30 phút ngay tại cơ sở y tế.
Theo bác sĩ Đỗ Văn Lân, Phó phòng Khám đa khoa, CDC Đà Nẵng, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, số người bị vật nuôi là chó, mèo cắn, cào xước đến đây khám tăng cao so với trước đây. Mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận khám, tư vấn cho hàng chục trường hợp. Những trường hợp này bị vật nuôi, trong đó nhiều nhất là chó, mèo cắn, cào xước gây chảy máu, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh dại. Theo bác sĩ Lân, trong bối cảnh nhiều gia đình nuôi thú cưng và xem đó là thành viên thân thiết của gia đình nên thả rông, dắt đi dạo, đến các địa điểm đông người như quán ăn, cà phê, khu mua sắm... thì nguy cơ người dân bị vật nuôi tấn công là rất cao.
“Sau khi tiếp nhận, khám và tư vấn, tùy theo mức độ tổn thương của người bệnh do vật nuôi cắn, chúng tôi có những chỉ định phù hợp. Chỉ riêng tiêm vắc-xin phòng dại, mỗi ngày đơn vị tiêm cho 15-20 trường hợp. Đối với những bệnh nhân chỉ định tiêm huyết thanh mà đơn vị chưa đáp ứng được do nguồn cung bị đứt, CDC Đà Nẵng sẽ giới thiệu đến các cơ sở y tế có nguồn này để người dân được tiêm phòng dại một cách kịp thời”, bác sĩ Lân cho biết.
Theo Bộ Y tế, bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Bệnh thường lưu hành ở các nước thuộc khu vực châu Á và châu Phi. Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật).
Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc-xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc-xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả phòng, chống bệnh dại. Việc chỉ định điều trị dự phòng bệnh dại được dựa theo 3 phân độ vết thương. Cụ thể, độ I là tình trạng sờ, cho động vật ăn, liếm trên da lành; độ II là tình trạng vết xước, vết cào, liếm trên da bị tổn thương, niêm mạc và độ III là vết cắn, cào chảy máu ở vùng thần kinh trung ương, vùng có nhiều dây thần kinh như đầu chi, bộ phận sinh dục...
Theo bác sĩ Trần Nguyễn Thu Thảo, Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng, hiện nay việc phòng, chống bệnh dại được thực hiện theo quyết định phê duyệt hướng dẫn giám sát, phòng, chống bệnh dại trên người của Bộ Y tế. Ngoài giám sát phơi nhiễm với virus dại thì các biện pháp truyền thông phòng, chống bệnh dại luôn được đẩy mạnh. “Mỗi người, mỗi nhà cần biết về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng, chống bệnh dại trước và sau phơi nhiễm để chủ động phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng.
Khu dân cư cần thực hiện các biện pháp quản lý và phòng bệnh trên đàn chó nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y, ký cam kết thực hiện 5 không như “không nuôi chó mèo không tiêm phòng dại”, “không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương”, “không nuôi chó thả rông”, “không để chó cắn người”, “không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường”. Trong trường hợp người có nguy cơ cao phơi nhiễm với virus dại cần thực hiện tiêm phòng trước phơi nhiễm và những người bị phơi nhiễm với động vật bị bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại thực hiện điều trị dự phòng bằng vắc-xin, huyết thanh kháng dại theo hướng dẫn của cán bộ y tế”, bác sĩ Thảo cho biết.
PHAN CHUNG