Y tế - Sức khỏe
Tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế
Bệnh án điện tử, đóng viện phí không tiền mặt, quét mã để đăng ký khám, khám sức khỏe kết hợp đổi giấy phép lái xe… là những ứng dụng chuyển đổi số đang được các bệnh viện trên địa bàn thành phố triển khai nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi tiếp cận dịch vụ y tế.
Người dân quét thẻ để đăng ký khám tự động thông qua kiot tiếp nhận tự động tại Trung tâm Y tế quận Sơn Trà. Ảnh: H.N |
Đây là nhiệm vụ trọng tâm được ngành y tế thành phố triển khai nhằm nâng cao công tác cải cách hành chính với phương châm lấy người dân làm trung tâm phục vụ.
Tiện ích, nhanh chóng
Anh Trần Nguyễn Khang (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) đến khám tại Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, khá ngạc nhiên vì chỉ cần quét mã QR là đăng ký khám thành công và được hướng dẫn chi tiết đến khoa cần khám mà không phải đến bàn đăng ký thủ công như trước đây. Giám đốc Trung tâm Y tế Sơn Trà Ngô Văn Đình Hoài cho biết, từ năm 2017, trung tâm chủ động xây dựng lộ trình, đầu tư nguồn lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong mọi hoạt động của đơn vị, như đầu tư hạ tầng, nhân lực CNTT, đào tạo nguồn nhân lực y tế có kiến thức về CNTT nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phục vụ ngày càng tốt cho nhân dân.
Cùng với đó, tập trung hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện (HIS), triển khai hệ thống quản lý xét nghiệm (LIS), triển khai hệ thống lưu trữ, luân chuyển hình ảnh (PACS) và quản lý thông tin chẩn đoán hình ảnh (RIS); tích hợp hệ thống HIS, LIS, PACS/RIS trong hồ sơ bệnh án; xây dựng bệnh án điện tử (số hóa dữ liệu y tế), ứng dụng nền tảng CNTT tương tác với người bệnh…
Theo ông Hoài, bệnh viện triển khai khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, ứng dụng VssID, VNeID mức độ 2 thay thế thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) giấy. Đồng thời triển khai khám, chữa bệnh BHYT thông qua thẻ CCCD có gắn chip ở Trung tâm Y tế quận và 7/7 trạm y tế trực thuộc, bao gồm trang thiết bị đọc mã QR CCCD tại đơn vị với tổng số 16 đầu đọc. Bệnh viện nâng cấp phần mềm hỗ trợ tiếp nhận khám bệnh bằng CCCD tại 2 kiot tiếp nhận tự động và phân hệ tiếp nhận trong trình quản lý bệnh viện HIS FPT e.Hospital.
Việc triển khai tự động hóa lấy số thứ tự đăng ký khám tại các kiot giúp người bệnh giảm thủ tục, giảm thời gian chờ, nhất là khi đăng ký khám từ lần 2 trở đi. Sau Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà cũng đã triển khai hỗ trợ cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến mức độ 4 tích hợp cùng dịch vụ khám sức khỏe lái xe. Người dân đến kiểm tra sức khỏe tổng quát để đáp ứng đủ điều kiện để lái xe, đồng thời được hỗ trợ thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe (nếu cần) thay vì phải đến bộ phận “Một cửa” tại Sở Giao thông vận tải như trước đây.
Theo Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng Lê Đức Nhân, đơn vị chú trọng xây dựng và phát triển bệnh viện điện tử, tiếp tục triển khai việc in hóa đơn điện tử; hoàn thiện và nâng cấp phần mềm hồ sơ bệnh án điện tử, đăng ký khám bệnh trực tuyến bằng nhiều hình thức. Bệnh viện cũng triển khai khám, chữa bệnh cho đối tượng tham gia BHYT bằng CCCD gắn chip hoặc ứng dụng VNeID nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người bệnh đến khám, chữa bệnh. Riêng đối với người bệnh có thẻ BHYT đăng ký ban đầu tại Bệnh viện Đà Nẵng sẽ được đăng ký nhanh tại các kiot thông tin, giúp người bệnh được đăng ký nhanh chóng, giảm thời gian chờ đợi.
Chuyển đối số là xu hướng tất yếu
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Võ Thu Tùng, ngành y tế thành phố triển khai nhiều giải pháp ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, phát triển hệ thống bệnh viện thông minh trong y tế. Trên cơ sở kết quả đạt được, mới đây UBND thành phố ban hành đề án “Phát triển y tế thông minh tại thành phố Đà Nẵng”, trong đó có mục tiêu đến năm 2025, 100% các cơ sở y tế của thành phố áp dụng mô hình khám, chữa bệnh từ xa chuyên sâu với nhiều chuyên khoa; đến năm 2030, phấn đấu 100% bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy.
“Số lượt khám, chữa bệnh của các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế tăng dần qua mỗi năm, số lượt khám bệnh đạt gần 4,5 triệu lượt; số lượt điều trị nội trú vượt 500.000 lượt vào năm 2019 (trước Covid-19). Tình trạng quá tải tại một số bệnh viện đa khoa và chuyên khoa thành phố vẫn luôn là thách thức lớn đối với ngành y tế thành phố. Đây là điều kiện cấp thiết phải đẩy mạnh triển khai đề án”, ông Tùng cho hay.
Việc triển khai hiệu quả đề án nhằm xây dựng và từng bước hình thành hệ thống phòng bệnh thông minh, hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời góp phần xây dựng thành phố thông minh theo mục tiêu của thành phố.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, góp phần cải cách hành chính và giảm quá tải bệnh viện, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử, hình thành các bệnh viện thông minh; tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý y tế, triển khai hệ thống văn phòng điện tử, cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử về thủ tục hành chính, đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến toàn trình, xây dựng nền quản trị y tế thông minh.
Mục tiêu đến năm 2025, triển khai đề án “Phát triển y tế thông minh tại thành phố Đà Nẵng” và hình thành hệ thống y tế thông minh trên cả ba trụ cột chính bao gồm hệ thống phòng bệnh thông minh; hệ thống khám bệnh, chữa bệnh thông minh và hệ thống quản trị y tế thông minh, với tiêu chí 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đồng bộ mã định danh y tế (ID), sử dụng mã định danh cá nhân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xây dựng ID y tế trong các phần mềm quản lý liên quan đến công dân; 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai ứng dụng khai thác hồ sơ sức khỏe điện tử trong khám bệnh, chữa bệnh.
HÀN NGUYÊN