Y tế - Sức khỏe
Gỡ khó cho bệnh viện đa khoa Nam Liên Chiểu
Bệnh viện đa khoa Nam Liên Chiểu thuộc Sở Y tế, được chuyển đổi từ Bệnh viện Giao thông vận tải Đà Nẵng (thuộc Bộ Giao thông vận tải) từ năm 2022 theo quy định của Chính phủ. Sau hơn 2 năm hoạt động với tên gọi, vai trò mới, bệnh viện còn đối mặt nhiều khó khăn, vướng mắc từ chính sách, ảnh hưởng đến quy mô phát triển, hiệu quả khám, chữa bệnh cũng như đời sống cán bộ, nhân viên.
Bệnh viện đa khoa Nam Liên Chiểu đang gặp khó khăn trong hoạt động khám, chữa bệnh. Ảnh: PHAN CHUNG |
Theo Quyết định số 855/QĐ-UBND ngày 30-3-2022 của UBND thành phố, Bệnh viện đa khoa Nam Liên Chiểu được chuyển đổi, tiếp nhận nguyên trạng từ Bệnh viện Giao thông vận tải Đà Nẵng, là bệnh viện hạng 2. Tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị có 127 cán bộ, nhân viên, trong đó 103 viên chức, 12 hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ, 12 hợp đồng hỗ trợ.
Bệnh viện đa khoa Nam Liên Chiểu được giao 180 giường kế hoạch, Sở Y tế phê duyệt 5.680 danh mục kỹ thuật. Sau khi được tiếp nhận nguyên trạng về địa phương quản lý, bệnh viện được giao quyền tự chủ tài chính theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên. Hiện đơn vị thực hiện thu giá dịch vụ khám, chữa bệnh thuộc phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế và không thuộc phạm vi này theo mức giá quy định tại Nghị quyết số 22/2024/NQ-HĐND ngày 24-5-2024 của HĐND thành phố.
Bác sĩ Trần Viết Gia, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Nam Liên Chiểu cho biết, sau khi chuyển giao, đơn vị chủ động xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ theo quy định Nhà nước; thực hiện công khai, minh bạch các hoạt động thu, chi. Đặc biệt, đơn vị tập trung xây dựng kế hoạch đẩy mạnh đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, theo lãnh đạo bệnh viện, nhiều khó khăn, vướng mắc vẫn còn gặp sau quá trình chuyển giao và hoạt động.
Hiện trạng cơ sở vật chất và máy móc, trang thiết bị của bệnh viện đã xuống cấp, thường xuyên hư hỏng và bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ năm 2022. Bên cạnh đó, tình trạng thấm dột, bong tróc, ẩm mốc một số phòng, trần, nền nhà tác động đến chất lượng, hiệu quả điều trị. Bệnh viện là đơn vị tự chủ bảo đảm hoạt động chi thường xuyên nhưng khả năng tự chủ tài chính không bảo đảm đủ nguồn lực đầu tư. “Sau Covid-19, số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh giảm, dịch vụ khám sức khoẻ, huấn luyện y tế cho các đơn vị ngành giao thông vận tải trước đây không thực hiện nữa, khiến nguồn thu bệnh viện giảm nhiều.
Phương án tự chủ được bệnh viện xây dựng trên mức lương cơ sở cũ, đến nay đã 2 lần tăng lương nhưng giá dịch vụ khám, chữa bệnh chưa tăng làm đơn vị khó khăn trong cân đối thu, chi. Đề nghị cơ quan cấp trên tạo điều kiện và cấp kinh phí, ngân sách đầu tư, mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và kế hoạch phát triển bệnh viện. Bộ Y tế sớm ban hành thông tư quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh tính đúng, tính đủ các chi phí để bảo đảm nguồn thu cho bệnh viện chi trả phần lương tăng thêm theo quy định”, bác sĩ Gia cho biết.
Theo bác sĩ Trần Thanh Thủy, Giám đốc Sở Y tế, những khó khăn, vướng mắc tại Bệnh viện đa khoa Nam Liên Chiểu vẫn đang được kiến nghị, giải quyết theo thẩm quyền. Bệnh viện được bàn giao, tiếp nhận vào tháng 4-2022. Trong khi đó, thời điểm UBND thành phố ban hành Quyết định số 1320/QĐ-UBND ngày 13-4-2020 ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng lĩnh vực y tế chưa bao gồm đơn vị này. Ngày 19-9-2024, Sở Y tế có công văn trình UBND thành phố xem xét, ban hành quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng thiết bị, máy móc chuyên dùng.
Việc thiếu tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị y tế dẫn đến khó khăn trong việc đầu tư mua sắm bổ sung trang thiết bị đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của người dân tại bệnh viện theo quy định. Bác sĩ Thủy cho biết, tình hình tài chính của bệnh viện sau tiếp nhận cũng hết sức khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng tự chủ tài chính của đơn vị.
“Giá dịch vụ y tế chưa điều chỉnh tương ứng với quy định mức lương cơ sở mới đã được tăng 2 lần. Từ năm 2023, bệnh viện đã dùng toàn bộ nguồn lực để chi trả cho cán bộ nhân viên theo Nghị định 05 của Chính phủ. Từ thực tế đó, nguồn thu, chế độ phúc lợi, tâm lý của nhân viên bị tác động. Sở Y tế cũng đã có báo cáo trình UBND thành phố để kiến nghị Bộ Y tế điều chỉnh một số chính sách, tháo gỡ vướng mắc cho ngành y tế thành phố nói chung cũng như Bệnh viện đa khoa Nam Liên Chiểu nói riêng. Trong đó tập trung vào những vấn đề trọng điểm như công tác dự phòng; khám, chữa bệnh; dược; tổ chức cán bộ; mua sắm, đầu thầu hóa chất, vật tư y tế; tài chính, tài sản công”, bác sĩ Thủy nói.
PHAN CHUNG