.

Vì một Đà Nẵng văn hóa, văn minh

.

Cao ốc hiện đại, khu nghỉ dưỡng sang trọng, hệ thống cầu đường không ngừng được nâng cấp và xây mới… chưa đủ cho sự phát triển bền vững.

Ảnh: VÕ TRIỀU HẢI
Ảnh: VÕ TRIỀU HẢI

Một thành phố chỉ thực sự đáng sống khi có chiều sâu văn hóa, người dân ứng xử hài hòa, nhân ái, tôn trọng pháp luật. Bởi lẽ, sự thẩm thấu và lan tỏa của văn hóa, văn minh giúp ngưng tụ sức mạnh nội sinh, thúc đẩy sự phát triển thực sự của kinh tế - xã hội.

Xuất phát từ lý do này, Đà Nẵng chọn năm 2015 là “Năm văn hóa, văn minh đô thị”. Đà Nẵng Xuân Ất Mùi 2015 mở Bàn tròn đầu xuân, đóng góp một số ý kiến nhằm đồng hành với chính quyền xây dựng thang giá trị văn hóa, tiêu chí văn minh gắn với bản sắc dân tộc cho người dân Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Đình An, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, nhà nghiên cứu văn hóa: Khơi gợi lòng tự hào là công dân thành phố đáng sống

Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã biến những người nông dân gắn bó với ruộng đồng xưa kia trở thành thị dân mà không có sự chuẩn bị về tâm lý, tập quán. Điều này khiến bản chất nông dân vẫn đang chi phối cốt cách, thói quen, cách hành xử của người dân Đà Nẵng. Xây dựng văn hóa, văn minh vì thế sẽ là sự nghiệp nhiều thập kỷ, trong đó chú trọng 3 vấn đề chính:

Thứ nhất: Hệ thống truyền thông phải tập trung xây dựng những chương trình, tiết mục hấp dẫn, ấn tượng, sinh động để tuyên truyền về văn hóa, văn minh. Thông qua các chương trình, tác phẩm của mình, truyền thông giúp nhân dân am hiểu và thấy được sự cao quý của luật pháp, từ đó xây dựng tâm thế tôn trọng chứ không sợ pháp luật, xem việc vi phạm pháp luật là sự hổ thẹn, thiếu trung thực không chỉ với bản thân mà còn với toàn thành phố. Hệ thống truyền thông phải góp phần khơi gợi lòng tự hào của người dân Đà Nẵng khi được là công dân của “Thành phố đáng sống”, giúp mỗi cá nhân thấy được trách nhiệm trong việc gìn giữ thương hiệu riêng có của Đà Nằng, để xứng đáng với thành phố mình đang sống.

Thứ hai: Ý thức quyết định hành vi. Do đó, trường học phải tiến hành giáo dục cụ thể, nghiêm túc ý thức xây dựng văn hóa, văn minh cho học sinh, sinh viên. Thế hệ những cá nhân gương mẫu, thành thục, tự giác tôn trọng trật tự giao thông, vệ sinh công cộng, tác phong lịch sự, nếp sống văn minh đô thị, biết cảm thụ văn học, nghệ thuật… có ý nghĩa nền tảng cho sự phát triển của thành phố.

Thứ ba: Cộng đồng tổ dân phố - nơi quy tụ mọi tầng lớp nhân dân - thực hiện các cam kết không xả rác, không phơi quần áo tùy tiện, không đổ nước thải, không để vật liệu xây dựng lấn chiếm vỉa hè… và giám sát việc thực hiện cam kết đó. Điều này góp phần tiết chế dần dần và làm mất hẳn những thói quen dân dã tùy hứng, ứng xử cảm tính, thiếu ý thức tôn trọng pháp luật của những “nông dân thành thị”. Giá trị thực chất của việc xây dựng văn hóa, văn minh nằm trong những việc làm cụ thể này chứ không phải tờ giấy chứng nhận gia đình văn hóa.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng: Mở rộng tâm hồn, nâng cao đẳng cấp văn hóa

Văn hóa và văn minh có mối quan hệ tương hỗ. Văn hóa định hướng, dẫn đường cho văn minh. Văn minh tăng tính hiện đại, hội nhập và phát triển cho văn hóa. Giữa văn hóa và văn minh có 3 điểm khác nhau chính. Thứ nhất, văn hóa mang tính lịch đại, có bề dày của quá khứ lẫn xa thẳm của tương lai và sôi sục của hiện tại, trong khi đó, văn minh là một lát cắt đồng đại. Thứ hai, văn hóa thể hiện rõ tính dân tộc bởi được hình thành và di truyền qua hàng trăm năm, là hộ chiếu giúp phân biệt một quốc gia, dân tộc trong “nồi lẩu” văn hóa toàn thế giới. Văn minh thường mang tính quốc tế, bao gồm những ký hiệu, quy ước mang ý nghĩa toàn cầu như đèn giao thông, nhường đường cho xe cứu thương, người đi bộ… Thứ ba, văn hóa bao gồm cả yếu tố vật chất, giá trị vật chất và tinh thần, trong khi đó, văn minh chủ yếu thiên về vật chất, kỹ thuật.

Bao trùm tất cả, văn hóa và văn minh đều hướng đến điều thực sự tốt đẹp. Để đạt được điều này, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ để nâng cao tính tự giác của cá nhân trong quá trình hình thành nhân cách; tăng cường sự chế tài nghiêm túc của lực lượng chấp pháp, người Đà Nẵng cần chú trọng xây dựng khả năng cảm thụ văn hóa.

Cũng là đọc sách, xem phim, nghe nhạc nhưng phải tỉnh táo để hiểu rằng, không phải cái gì có chữ, kẹp giữa hai cái bìa cũng là sách, không phải đọc các bài báo về trộm cướp, hiếp giết là hình thành được văn hóa đọc, không phải các bộ phim bạo lực hay thể loại nhạc rẻ tiền cũng có giá trị văn hóa. Mở rộng tâm hồn, nâng cao đẳng cấp văn hóa chỉ có thể đạt được khi đọc tác phẩm văn chương thực sự, những tác phẩm giúp con người thấu hiểu, đồng cảm với nỗi thống khổ của đồng loại, từ đó mà rung động, biết tôn trọng, yêu quý cuộc sống. Chỉ có sách văn chương mới dẫn đường cho người đọc trong việc cảm thụ nghệ thuật. Cũng như vậy, thưởng thức những vở kịch kinh điển, buổi hòa nhạc tinh tế, triển lãm tranh có ý nghĩa, bộ phim có giá trị nhân văn mới giúp con người nuôi dưỡng tinh thần, nâng cao đẳng cấp văn hóa.

Việc hình thành văn hóa đi vào chiều sâu, chiêm nghiệm, từng trải, thẩm thấu vào từng cá nhân, góp phần thay đổi thói quen ứng xử của người dân đòi hỏi hành trình lâu dài, bền bỉ và liên tục chứ không chỉ gói gọn trong năm 2015. Đà Nẵng đã đầu tư nguồn kinh phí lớn vào xây dựng, trùng tu các công trình văn hóa trọng điểm của thành phố. Mong rằng, Thư viện Khoa học tổng hợp trong tương lai sẽ không là tòa nhà vô tri lưu giữ sách, đây còn là không gian kết nối người yêu sách, yêu văn hóa đọc. Mong rằng, người làm công tác thủ thư sẽ không đơn thuần trao gửi sách mà phải biết và ham thích đọc sách.

Nếu không đạt đến tầm “thiên kim vạn quyển” thì cũng phải hiểu hết lịch sử, danh nhân Quảng Nam – Đà Nẵng để có thể trở thành bạn của độc giả, biết lắng nghe, thấu hiểu nhu cầu đọc, biết giới thiệu những tác phẩm hay đến với độc giả. Mong rằng, người cán bộ bảo tàng, qua câu chuyện của mình sẽ thổi linh hồn, mang lại sự sống cho những tác phẩm được trưng bày, dựa vào giá trị văn hóa của quá khứ để làm đẹp thêm văn hóa tinh thần cho người dân thành phố hôm nay và mai sau.

Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng: Ý thức và ứng xử khi tham gia giao thông là thước đo văn hóa

Mở mang hệ thống đường sá, xây dựng những cây cầu hiện đại, nâng cấp đường quốc lộ không làm nỗi nhức nhối tai nạn giao thông giảm xuống. Bởi, người dân vẫn vô tư vượt đèn đỏ, cua quẹo không cần đèn xi-nhan, vừa cầm lái vừa nhắn tin, nghe điện thoại hay tranh nhau dù chỉ nửa vòng bánh xe trên đường.

Để hình thành nếp văn hóa khi tham gia giao thông, việc kiểm soát, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm là biện pháp cần nhưng chưa đủ. Tuyên truyền, thuyết phục mới đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người cầm lái. Theo đó, hoạt động tuyên truyền phải làm sao để người dân nhận ra rằng, sự vội vã, bấm còi xe thúc giục, tranh giành làn đường, phần đường, uống rượu bia khi lái xe… chỉ khiến giao thông càng thêm hỗn độn. Xây dựng thói quen hành xử văn minh vì cộng đồng như nhường đường, hòa nhã, ưu tiên người già, phụ nữ, trẻ em… là điều không mất nhiều công sức và tiền bạc nhưng giúp hạn chế nỗi đau dai dẳng do tai nạn giao thông mang lại.

Thành phố có văn hóa là thành phố bình yên, nơi người lái xe có tự trọng và trách nhiệm với chính mình trong việc tuân thủ luật an toàn giao thông, nơi người dân luôn yên tâm bởi bản thân và những thành viên còn lại trong gia đình được an toàn tuyệt đối khi tham gia giao thông. Có lẽ không quá lời nếu khẳng định, ý thức chấp hành luật lệ, cách ứng xử trong im lặng khi lưu thông trên đường là thước đo văn hóa của một cá nhân, một thành phố và rộng hơn là văn hiến của một dân tộc.

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng: Nói không với chèo kéo, ăn xin biến tướng

Lãnh đạo và nhân dân Đà Nẵng không ngừng cố gắng cho mục tiêu “Thành phố môi trường”, “Thành phố đáng sống”, không ngừng quảng bá hình ảnh Đà Nẵng văn minh, thân thiện đến bạn bè quốc tế. Sự ưu ái của mẹ thiên nhiên cũng như nỗ lực của toàn thành phố sẽ trở nên vô nghĩa khi vẫn còn tình trạng chèo kéo, xin ăn biến tướng gây phản cảm cho du khách.

Phải thừa nhận đây là nỗi xấu hổ của Đà Nẵng. Tuần tra, kiểm soát, xử lý của cơ quan chức năng chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời. Sẽ hiệu quả hơn nếu chúng ta giải quyết tận gốc vấn đề bằng cách cung cấp phương tiện sinh kế, dạy nghề, tạo việc làm cũng như có biện pháp tuyên truyền, thuyết phục sâu vào ý thức, giúp những cá nhân này hiểu rằng: Ăn xin lòng thương hại từ du khách đồng nghĩa với bán rẻ danh dự, đạp đổ những chắt chiu của thành phố nhằm xây dựng hình ảnh Đà Nẵng đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.

Anh Trần Quốc Anh, cựu du học sinh Úc, hiện công tác tại Sở Tài chính Đà Nẵng: “Người Đà Nẵng đặc biệt”

Học sinh, sinh viên tại Úc có thể kém cỏi ở tất cả các môn học, trừ lịch sử và pháp luật. Với họ, đây là điều tự hào của quốc gia mà mỗi công dân cần hiểu và ghi nhớ bằng cả trái tim. Giữ gìn vệ sinh chung, trật tự nơi công cộng, tác phong lịch sự, văn minh và nghiêm túc tuân theo pháp luật nhờ đó trở thành việc hiển nhiên như hít thở đối với mỗi cá nhân.

Hy vọng rằng, từ năm 2015, “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật” cũng trở thành điều hiển nhiên đối với người dân Đà Nẵng, để câu khẩu hiệu trên – mặc dù có ý nghĩa tốt nhưng phản ánh sự lạc hậu trong nhận thức về pháp luật của nhân dân – sẽ không còn tồn tại trong các cung đường, ngõ hẻm của thành phố.

Hy vọng rằng, từ năm 2015, tất cả người dân Đà Nẵng sẽ hướng đến mục tiêu trở thành người đặc biệt nhờ khả năng sáng tạo và làm việc chuyên nghiệp chứ không phải cá biệt do phóng nhanh vượt ẩu, chen ngang khi xếp hàng, khạc nhổ, thậm chí tiểu tiện tại nơi công cộng.

Tiến sĩ Ulrike Streicher, chuyên gia tư vấn về bảo tồn voọc ở bán đảo Sơn Trà: Đối xử văn hóa với tự nhiên

Khu rừng già – bán đảo Sơn Trà là tài sản vô giá của Đà Nẵng, bởi nơi đây vẫn còn hệ sinh thái nguyên vẹn với đa dạng sinh học và là ngôi nhà chung của 300 cá thể voọc chà vá chân đỏ đang sống trong tự nhiên.

Nếu lãnh đạo thành phố Đà Nẵng không sớm hình thành thói quen bảo vệ rừng cho người dân bằng cách tăng cường tuyên truyền về cảnh đẹp, môi trường trong lành và giá trị đa dạng sinh học cao mà bán đảo Sơn Trà đang nắm giữ, không hành động vì một Sơn Trà xanh ngay hôm nay thì sẽ vụt mất cơ hội bảo tồn tài nguyên môi trường cho thế hệ mai sau.

Điều giúp cho Đà Nẵng trở nên khác biệt trên bản đồ Việt Nam và thế giới có lẽ không chỉ ở kết quả tăng trưởng kinh tế, kết cấu hạ tầng hiện đại, mà trên hết là hệ thống rừng, thảm động - thực vật đa dạng cùng những gia đình voọc – loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm của thế giới. Nếu không có những biện pháp bảo tồn ngay từ bây giờ thì giá trị đa dạng sinh học cao trên bán đảo sẽ mất đi mãi mãi mà không một nền kinh tế vững mạnh nào có thể khôi phục được.

Không bảo vệ môi trường, không đối xử có văn hóa với tự nhiên thì thành tựu phát triển kinh tế, phát triển xã hội cũng trở nên vô nghĩa. Bởi, tiền bạc không thể mang lại oxy và môi trường trong lành. Bảo vệ tự nhiên là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.

MAI TRANG thực hiện

;
.
.
.
.
.