.

Nghề... nhiếp ảnh dạo

.

Phải bắt đầu từ những năm tám mươi của thế kỷ trước, nghề nhiếp ảnh dạo mới xuất hiện ngày một nhiều thêm ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, hồi ấy nghề này cũng chỉ hoạt động rầm rộ vào những ngày lễ lớn hay Tết cổ truyền mà thôi. Những năm tháng đất nước còn sống trong nền kinh tế bao cấp, nhất cử nhất động thứ gì cũng khó khăn.

Chụp nhé!

Gia đình nào khá lắm cũng chỉ đến Tết cổ truyền mới cho con cái mình chụp vài ba kiểu ảnh để đóng khung treo tường làm kỷ niệm, mà là ảnh đen trắng; sau này, những kỹ thuật viên mới sáng chế thêm việc tô màu để nhìn tấm ảnh được sinh động hơn. Qua thời bao cấp, hàng hóa nhập khẩu dễ dàng hơn, và từ đó phim màu bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều hơn trên thị trường.

Những người hành nghề nhiếp ảnh dạo ở Đà Nẵng có xuất phát điểm không ai giống ai. Có người được cha mẹ cho đi học nghề thợ ảnh ở những tiệm ảnh nổi tiếng, nhưng khi ra nghề lại không đủ vốn để tự mở cửa hiệu, vậy là đành phải gia nhập vào đội quân những người nhiếp ảnh dạo để kiếm sống.
 
Có trường hợp cha, mẹ hoặc anh chị làm nghề nhiếp ảnh dạo lâu năm nên có chỗ đứng cố định ở công viên hay bãi biển rồi thế hệ này già yếu, thế hệ khác thay chân để tiếp tục hành nghề. Có người mới xuất ngũ không có công ăn việc làm ổn định, sẵn có chút máu nghệ thuật nên tìm tòi học nghề nhiếp ảnh. Thấy nghề nhiếp ảnh cũng dễ sống vậy là trở thành một tay máy nhiếp ảnh dạo để nuôi sống bản thân và gia đình từ bao giờ không hay...

Thời điểm trước năm 2000, những người hành nghề nhiếp ảnh dạo chủ yếu tập trung ở khu vực Công viên 29-3, Công viên 84 Hùng Vương, Bảo tàng Điêu khắc Chăm pa, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn và bãi biển Mỹ Khê... Từ sau ngày chiếc cầu quay Sông Hàn (biểu tượng của thành phố Đà Nẵng) được và đưa vào sử dụng, tuyến đường Bạch Đằng nằm bên sông Hàn thơ mộng được nâng cấp, chỉnh trang... lập tức hàng trăm người hành nghề nhiếp ảnh dạo từ nhiều nơi đã tập trung về hai địa điểm này để chụp ảnh phục vụ khách tham quan bất kể ngày, đêm...

Anh Th, một người có thâm niên nhiều năm trong nghề nhiếp ảnh dạo kể: Sau ngày có cầu Sông Hàn và đường Bạch Đằng được nâng cấp, có đến gần một trăm tay máy tập trung về đây. Ban đầu, những người nhiếp ảnh dạo trên cầu Sông Hàn đã tự nguyện tập hợp lại để thành lập nên đội nhiếp ảnh cầu Sông Hàn; với hai tổ ở phía đầu cầu thuộc quận Sơn Trà và phía đầu cầu thuộc quận Hải Châu.

Ngày đầu đội có 78 thành viên, trong đó có 40 tay máy nữ và 38 tay máy nam (trong số này có 9 cặp vợ chồng). Người phụ nữ lớn tuổi nhất có mặt trong đội quân nhiếp ảnh dạo trên cầu này là chị Dung đã 50 tuổi. Người đàn ông lớn tuổi nhất lúc ấy là chú An đã bước qua tuổi 61.
 
Thời gian làm việc của những người nhiếp ảnh dạo ở trên chiếc cầu quay này bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc lúc 1 giờ sáng hôm sau (thời điểm mà cầu ngừng lưu thông để quay cho tàu lớn ra vào cảng). Cũng có những người do nhà xa không tiện về, họ phải nhiều đêm nằm lại bên cầu để chờ trời sáng và bắt đầu một ngày mới mưu sinh...
 
Những ngày đầu tiên ấy, số lượng khách tham quan mỗi ngày rất đông, những người làm nghề nhiếp ảnh dạo cũng dễ kiếm tiền. Ai làm chừng mực, mỗi ngày cũng kiếm được vài ba trăm nghìn đồng; có những cặp vợ chồng siêng năng, vợ mời chào khách, chồng chụp ảnh như anh T. chị N. thì mỗi ngày kiếm được sáu bảy trăm nghìn, đôi khi cả triệu bạc.

Càng về những năm sau này, lượng khách đến tham quan và chụp ảnh kỷ niệm trên cầu Sông Hàn cũng giảm. Những người nhiếp ảnh dạo trên cầu cũng vì thế mà khó khăn theo, nhiều người không trụ nổi với nghề nên đành giải nghệ để tìm cách làm ăn mới. Đội, tổ cũng không còn được duy trì hoạt động mà mạnh ai người ấy sống...

Cũng vì hoạt động tự do cho nên nhiều khi giữa bạn nghề với nhau cũng nảy sinh mâu thuẫn, do giành giật nhau một vài người khách chụp ảnh mà giữa thợ này với thợ kia đã xảy ra cãi cọ, to tiếng nặng lời, thậm chí có trường hợp còn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay.

Nói về nghề nhiếp ảnh dạo, anh C. cũng là một người có thâm niên bám trụ ở khu vực cầu Sông Hàn và trước UBND thành phố kể: Ngày trước, làm ăn dễ dàng, đồng tiền rủng rẻng nên anh em bạn thợ với nhau sống cũng dĩ hòa vi quý.

Nay ít khách, nên phải cạnh tranh để tồn tại cũng là điều tất nhiên. Đôi khi ngẫm ngợi cũng buồn, nhưng rồi mỗi người tự an ủi mình rằng cũng do cuộc sống cả. Nghề nhiếp ảnh dạo bây giờ nhiều nỗi nhiêu khê lắm, được mất sau một ngày lao động đều phụ thuộc cả vào khách hàng; thu nhập bây giờ ngày nào mà có khách lắm củng chỉ nhỉnh hơn thu nhập của thợ phụ hồ mà thôi...

Giải thích về chuyện ngày càng ế khách chụp hình kỷ niệm, anh C. nói tiếp: Xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân cũng theo đó ngày một đi lên. Bây giờ, đa số khách tham quan đều mang theo máy ảnh cá nhân, mà toàn máy kỹ thuật số loại xịn, đĩa chứa dữ liệu có dung lượng lớn, vậy là họ tha hồ chụp, cái nào không hài lòng thì xóa bỏ có sao đâu... Nhiều đêm, trời lất phất mưa, khách đi chơi đã vãn mà những người nhiếp ảnh dạo vẫn bám lấy thành cầu để chờ đợi, không phải là đợi khách chụp ảnh mà là đợi khách đến lấy ảnh vì ngày mai khách phải tiếp tục hành trình tham quan đến một địa phương khác...

Qua trò chuyện với anh em nhiếp ảnh dạo trên cầu Sông Hàn, tôi còn biết thêm nhiều câu chuyện làm trái tim mình thổn thức. Ví như chuyện về một người phụ nữ ngày ngày vẫn đạp xe đến chiếc cầu này chụp ảnh dạo cho dù mưa nắng để nuôi chồng và ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Ngày trước, chồng chị là một tay máy có hạng ở những điểm nhiếp ảnh dạo như thế này, nhưng tuổi tác và bệnh tật đã quật ngã anh, số phận vì thế mà đẩy đưa chị trở thành một người lao động trụ cột của gia đình...

Hay câu chuyện của Tr. cũng cười ra nước mắt. Hôm ấy Tr. bắt được mối chụp ảnh cho một nhóm sinh viên sắp tốt nghiệp đại học, cả ngày cặm cụi chụp hơn 2 cuốn phim, nhưng khi mang phim đi rửa thì tất cả đều không có hình ảnh. Vừa buồn đến bầm gan tím ruột, vừa phải ngồi trên cầu cho đến khuya lắc, khuya lơ để trả lại tiền cho khách...
 
Thấy Tr. buồn, nhiều bạn nghề xúi dại “Thôi mày về nghỉ đi, ngày mai đám sinh viên ấy ra trường rồi, đứa nào về quê đứa ấy... vậy là xong, hơi đâu mà ngồi đợi...”. Nhưng không, Tr. vẫn chờ để trả lại tiền cho đến người khách cuối cùng mới thôi. Tr. bảo: Thêm chừng đó tiền mình cũng không trở thành giàu có, nhưng nếu mình bội ước thì sẽ có mấy chục con người nghĩ về dân chụp ảnh dạo trên cầu quay sông Hàn chẳng ra làm sao...

Với tôi, sau nhiều cuộc tiếp xúc và tìm hiểu về nghề nghiệp và con người của đội quân nhiếp ảnh dạo, tôi thầm ao ước, giá như ngành Văn hóa của thành phố quan tâm nhiều hơn đến họ, tập hợp họ lại thành những đội, tổ hành nghề có tổ chức, thậm chí là có đồng phục hẳn hoi. Chắc lúc ấy bức tranh về những người hành nghề nhiếp ảnh dạo ở trên cầu Sông Hàn, trước UBND thành phố hay nhiều điểm khác nữa sẽ đẹp hơn trong mắt du khách. Đời sống của họ rồi cũng sẽ vui hơn khi họ có đoàn thể, chuyện ma chay, hiếu hỷ của mỗi gia đình rồi cũng sẽ được chia sẻ nhiều hơn...

PHAN BÙI BẢO THY

;
.
.
.
.
.