.

Người xây tổ ấm

.

Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ dù bận bịu với công việc xã hội nhưng họ vẫn là những người xây tổ ấm, thắp sáng ngọn lửa yêu thương...

Biểu dương các gia đình hạnh phúc tiêu biểu giai đoạn 2010-2015.
Biểu dương các gia đình hạnh phúc tiêu biểu giai đoạn 2010-2015.

Vun vén yêu thương

Với đồng lương Nhà nước ít ỏi, vừa nuôi 2 con, vừa cưu mang thêm 3 đứa cháu của vợ chồng em gái qua đời do mắc bệnh hiểm nghèo, song căn nhà nhỏ của chị Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng phòng Xử lý thông tin Trung tâm Tin học thống kê khu vực III (Ban Tuyên giáo nữ công, Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng) luôn tràn ngập yêu thương. Tất cả nhờ sự khéo léo vun vén tình cảm, chu đáo trong cách sống của chị Hường.

“Sau biến cố của gia đình em gái vào năm 2009, tôi đưa 3 cháu về nuôi. Cái khó nhất là làm sao để các cháu không mặc cảm, không thấy mình thua thiệt so với các anh, chị. Vì thế, tôi luôn chú ý từng ly từng tí trong ứng xử. Khi chăm sóc, mua sắm đồ dùng đều phải công bằng giữa con và cháu. Cũng may mắn, từ nhỏ, các con đã được vợ chồng tôi dạy dỗ phải biết yêu thương, chia sẻ với những người xung quanh nên bây giờ các con, các cháu nghe lời, ngoan ngoãn, thương yêu nhau. Đó là điều làm tôi thấy hạnh phúc nhất”, chị Hường xúc động.

Với vai trò nữ trí thức lãnh đạo thời hiện đại, vừa lo hoàn thành tốt công việc xã hội, vừa chu toàn cuộc sống hạnh phúc gia đình là điều không dễ dàng. Song, bà Huỳnh Thị Tam Thanh, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy quan niệm rằng, không ai được học trường lớp để tạo dựng cuộc sống gia đình, những gì mà chúng ta trải qua đó chính là trường học tốt nhất. Vì thế, theo bà, hiểu biết, yêu thương và chia sẻ chính là chìa khóa hạnh phúc của gia đình.

Nhiều ý kiến khác cho rằng, mỗi gia đình có mỗi cách khác nhau để xây đắp hạnh phúc, nhưng cũng đừng quên vun vén bữa cơm gia đình. Đó là cách mà bà Hoàng Thị Dình (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) giữ gìn hạnh phúc gia đình mấy chục năm nay. Bà Dình quê ở tỉnh Cao Bằng, người dân tộc Nùng. Năm 1976, bà lập gia đình, năm 2002 theo chồng và con vào Đà Nẵng sinh sống. Năm nay, bà đã gần 70 tuổi, nhưng tự tay bà chuẩn bị bữa ăn cho gia đình có 3 thế hệ cùng sinh sống. “Mỗi bữa cơm, được nghe tiếng chào mời “con mời ba mẹ ăn cơm, cháu mời ông bà ăn cơm” là tôi cảm thấy ấm lòng”, bà Dình nói.

Trách nhiệm không của riêng ai!

Người xưa cho rằng “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Song, ngày nay, khi người phụ nữ phải lo toan nhiều công việc thì để có tổ ấm đúng nghĩa, bên cạnh vai trò hàng đầu của người phụ nữ, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình nên ở vị trí số 2. Nhiều gia đình đã ý thức điều này nên giữ được hạnh phúc.

Với gia đình chị Bùi Thị Kim Hương, hội viên Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Đà Nẵng, cả hai vợ chồng đều là bộ đội, công việc luôn bận rộn. Vì vậy, trách nhiệm xây tổ ấm không của riêng ai. Mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà, từ kinh tế, mua sắm, chi tiêu đến phương pháp nuôi dạy con cái, anh chị cùng bàn bạc đóng góp ý kiến, đồng thời chia sẻ công việc gia đình cho mọi thành viên... “Tôi nghĩ rằng, tùy theo tính chất công việc mà mỗi gia đình có sự sắp xếp, phân chia công việc hợp lý. Những lúc vợ vắng nhà mấy ngày liền, tôi phải đưa đón con cái, mấy bố con cùng nhau vào bếp... Hạnh phúc gia đình tôi được xây đắp bằng tình thương, trách nhiệm, sẻ chia nên không khí trong nhà luôn thỏa mái, dễ chịu”, chồng chị Hương chia sẻ.

Tương tự, điều tâm đắc nhất của chị Nguyễn Thị Ngọc Phượng (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc là mọi người đều xem công việc nhà cũng là công việc chung của các thành viên. Với chị, hạnh phúc luôn đến từ những góp nhặt và những điều giản dị trong việc sẻ chia cuộc sống hằng ngày.

Trong khi đó, theo lời ông bà: “Vợ chồng tương kính như tân”, nghĩa là “vợ chồng đối đãi với nhau như khách quý”, gia đình chị Ngô Thị Hạnh (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) lấy đó làm cách ứng xử giữa 2 vợ chồng, giữa vợ chồng và các con; với ba mẹ 2 bên. Nhờ vậy, trong gia đình anh chị, mọi sự đều êm ấm, hòa thuận. Nhiều năm liền gia đình anh chị được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu của địa phương.

Những “tế bào” khỏe mạnh sẽ góp phần dựng xây một xã hội lành mạnh. Hạnh phúc của mỗi người bắt đầu từ cội rễ yêu thương trong mỗi ngôi nhà. Nhưng để làm được điều đó, mỗi thành viên hãy cùng góp công sức để xây dựng tổ ấm của gia đình.

Bài và ảnh: N.T.NGUYỆT NGA

;
.
.
.
.
.