.
Đà Nẵng-Quảng Nam: Liên kết, hợp tác cùng phát triển

Bài 6: Thủy chung, son sắt nghĩa tình

.

Gần 20 năm chia tách thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, người anh em Đà Nẵng-Quảng Nam dẫu phải “chia” nhưng chưa bao giờ “tách”, hai địa phương vẫn như anh em một nhà - thủy chung son sắt nghĩa tình. Và truyền thống ấy ngày càng được vun đắp vững bền cho thế hệ mai sau.

Ông A Lăng Vương và bà Pơ Loong Thị Dớ bên ngôi nhà do Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng tặng.
Ông A Lăng Vương và bà Pơ Loong Thị Dớ bên ngôi nhà do Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng tặng.

Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”    

Hay tin chúng tôi đến từ Đà Nẵng, ông BNước Đăm (65 tuổi) ở làng Pà Roong, xã Cà Dy (huyện Nam Giang, Quảng Nam) ra tận đầu làng đón. Ông bắt tay thật chặt, ôm chúng tôi thật lâu như đã quen tự bao giờ. Đưa chúng tôi vào đến hiên, ông kéo cánh cửa chính của ngôi nhà, rồi chỉ tay lên tấm biển bằng đá granite có khắc dòng chữ màu đỏ “Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng tặng!” được gắn trang trọng trên tường. “Đây là ngôi nhà bê-tông đầu tiên được xây dựng ở làng Pà Roong bên dòng sông Thanh.

Trước đây, 9 người trong gia đình tôi đều sinh sống trong căn nhà truyền thống của người Cơtu. Nhà nhỏ, con đông, khó khăn mọi thứ trong việc sinh hoạt hằng ngày nhưng cái nghèo vẫn không cho gia đình có cơ hội làm được ngôi nhà đủ rộng để ở”, ông BNước Đăm tâm sự. Năm 2005, thành phố Đà Nẵng tặng gia đình ông ngôi nhà xây kiên cố với mái lợp tôn, nền lát gạch men. Ông BNước Đăm cho biết, từ ngày có nhà mới, gia đình ông “không sợ cái mưa, cái gió”, yên tâm làm ăn, cuộc sống đầm ấm, yên vui hơn.

Cùng hoàn cảnh như gia đình ông BNước Đăm, cái nghèo, cái khó luôn đeo bám gia đình ông ALăng Vương và bà Pơ Loong Thị Dớ. Ông là bệnh binh, hay đau ốm mỗi khi trái gió, trở trời; trong khi đó, con lại đông (6 người - PV), lo bữa ăn từng ngày còn chưa đủ no, chứ nói gì đến xây dựng một căn nhà khang trang. Năm 2012, nhờ thành phố Đà Nẵng hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà mới, gia đình ông A Lăng Vương tránh được cái mưa, cái nắng, giấc ngủ yên ấm hơn. Bệnh tình của ông nhờ đó cũng ít tái phát. Các con ông được động viên, luôn tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình mình mà chí thú làm ăn, gia đình bắt đầu có của ăn của để, các cháu học hành chăm ngoan.

Ông Huỳnh Tấn Triều, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam cho hay, Quảng Nam là địa phương dẫn đầu cả nước về đối tượng chính sách. Trong đó, có hơn 615.000 liệt sĩ, 22.500 thương binh, 7.900 bệnh binh, hơn 10.000 người bị địch bắt tù đày, 40.000 người có công cách mạng, 5.500 người bị nhiễm chất độc da cam. Phần lớn, các gia đình này đều có hoàn cảnh khó khăn. Đây chính là một thách thức lớn đối với chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Nam trong việc chăm lo cho các đối tượng chính sách. Tuy vậy, nhờ sự chung tay, góp sức của thành phố Đà Nẵng, áp lực về công tác bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh được chia sẻ. “Đây chính là minh chứng thể hiện rõ nét truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và tình cảm gắn bó, sẻ chia như anh em một nhà giữa Đà Nẵng và Quảng Nam”, ông Triều nhấn mạnh.

Ông BNước Đăm dành căn phòng rộng nhất ngôi nhà do Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng tặng để làm nơi thờ Bác Hồ và thờ mẹ ông - Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Ông BNước Đăm dành căn phòng rộng nhất ngôi nhà do Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng tặng để làm nơi thờ Bác Hồ và thờ mẹ ông - Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Thắm đượm tấm chân tình

Về huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam), chúng tôi nghe kể câu chuyện thắm đượm tấm chân tình giữa Đà Nẵng và Quảng Nam. Năm 2008, khi xã Phước Ninh (huyện Nông Sơn) được thành lập mới, trụ sở UBND xã đang còn “ở tạm” nhà dân, các công trình dân sinh (điện, đường, trường, trạm) rất nghèo nàn, thiếu thốn. Ông Đoàn Quốc Dũng, nguyên Chủ tịch UBND xã Phước Ninh, cho hay: “Trong hoàn cảnh đó, Đà Nẵng hỗ trợ xã xây dựng trạm y tế khang trang cho bà con. Trạm y tế này đã giải quyết nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trong giai đoạn đầu đầy khó khăn, thiếu thốn. Từ những cơ sở ban đầu, đến nay, diện mạo xã Phước Ninh nói riêng, huyện Nông Sơn nói chung đã không ngừng đổi thay”.

Đặc biệt, ngay từ khi thành lập Bệnh viện Ung thư (nay là Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng), lãnh đạo thành phố lúc đó và cho đến bây giờ vẫn luôn ưu tiên miễn, giảm kinh phí điều trị đối với bệnh nhân nghèo ở Quảng Nam. Theo thống kê của Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, từ năm 2013 đến năm 2015, bệnh viện đã miễn, giảm viện phí cho hơn 4.000 lượt bệnh nhân có BHYT là hộ nghèo của Đà Nẵng và Quảng Nam với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng, trong đó, có gần 50% là bệnh nhân đến từ tỉnh Quảng Nam.

Bên cạnh đó, khu nhà lưu trú đã đón tiếp và bố trí chỗ ở miễn phí cho thân nhân và người nhà bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, phần lớn là người dân tỉnh Quảng Nam anh em. Tâm sự với chúng tôi, ông Phạm Văn Hồi (thôn Ngọc Sơn Tây, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), một bệnh nhân từng điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, nói trong nước mắt: “Tình cảm của lãnh đạo và nhân dân Đà Nẵng nói chung, các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng nói riêng không sao kể xiết. Các bác ở ngoài đó (Đà Nẵng - PV) không chỉ khám, điều trị miễn phí những căn bệnh hiểm nghèo cho những người nghèo như chúng tôi, mà họ còn tận tình giúp đỡ, tìm nguồn thuốc và giới thiệu để chúng tôi được chữa trị ở các bệnh viện khác trong cả nước. Cảm ơn họ đã sinh ra tôi lần thứ hai”.

Cùng với việc hỗ trợ, giúp đỡ nhiều bệnh nhân ở Quảng Nam khám, điều trị miễn phí tại Bệnh viện Ung bướu, từ nhiều năm nay, Bệnh viện Đà Nẵng cũng đã miễn, giảm viện phí cho hàng nghìn lượt bệnh nhân chạy thận nhân tạo là người Quảng Nam. Bác sĩ CK2 Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết: “Từ năm 2013 đến năm 2015, Bệnh viện Đà Nẵng miễn phí đồng chi trả cho 34.419 lượt bệnh nhân chạy thận nhân tạo với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng, trong đó có rất nhiều bệnh nhân đến từ Quảng Nam; qua đó giúp những bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở tỉnh Quảng Nam giảm bớt gánh nặng về kinh tế mà họ đang từng ngày phải đối mặt”.

Nhiều năm qua, với những việc làm cụ thể, thiết thực, bền bỉ và hiệu quả, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng chung tay cùng tỉnh Quảng Nam thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, thể hiện rõ nét tình cảm gắn bó máu thịt, thủy chung son sắt nghĩa tình giữa hai địa phương anh em.

Theo thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, từ năm 2003 đến 2013, Đà Nẵng đã hỗ trợ Quảng Nam hơn 55 tỷ đồng để cải thiện nhà ở cho người có công cách mạng. Qua đó, tỉnh Quảng Nam hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà cho hơn 1.000 gia đình chính sách ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Riêng năm 2014 và 2015, mỗi năm thành phố Đà Nẵng hỗ trợ tỉnh Quảng Nam 10 tỷ đồng để thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Bài và ảnh: ĐẶNG NỞ

;
.
.
.
.
.