.

Sức lan tỏa từ ngày Chủ nhật đỏ

.

Sau 7 năm, từ những đốm lửa tình nguyện được thắp lên, Chủ nhật đỏ đã trở thành một ngọn lửa lớn, ngọn lửa của lòng nhân ái, yêu thương để cứu giúp những bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch.

Đông đảo thanh niên đang chờ gọi tên trong Chủ nhật đỏ 15-1 tại Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng).
Đông đảo thanh niên đang chờ gọi tên trong Chủ nhật đỏ 15-1 tại Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng).

Niềm vui ngày hội lớn

Sáng Chủ nhật giữa tháng 1-2017, chưa đến 6 giờ sáng nhưng khuôn viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) nhộn nhịp người và xe. Ai cũng tranh thủ đi thật sớm để ghi danh trong Chủ nhật đỏ - ngày hội hiến máu tình nguyện đang diễn ra khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nguyễn Thị Dung (Hội Sinh viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng) có mặt từ rất sớm với mong muốn là một trong những người được lấy máu đầu tiên. Mặc dù là thành viên Ban tổ chức, nhận nhiệm vụ trao bánh ngọt, sữa tươi cho mọi người nhưng cô cũng mạnh dạn đăng ký hiến máu.

“Em muốn hiến máu sớm để nhanh chóng lấy lại sức hỗ trợ Ban tổ chức, vì tính riêng trong thời gian diễn ra Chủ nhật đỏ, có hơn 1.000 thanh niên đăng ký hiến máu tình nguyện thì chắc chắn buổi hiến máu sẽ kéo dài đến quá trưa”, Dung chia sẻ.

Trong dòng người xếp hàng chờ hiến máu hôm ấy, có rất nhiều thanh niên mặc quân phục. Đứng cạnh đồng đội, Trung úy Nguyễn Hữu Nhật Nam (Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Đà Nẵng) cho biết, đây là lần thứ 6 anh tham gia hiến máu tình nguyện. “Mỗi khi hiến máu, tôi không nghĩ điều gì to tát, chỉ mong máu của mình có thể giúp được ai đó là hạnh phúc lắm rồi”, Trung úy Nam bày tỏ.

Chủ nhật đỏ do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cùng Báo Tiền Phong tổ chức lần đầu tiên năm 2009, hiện trở thành phong trào hiến máu tình nguyện khắp cả nước.  

Chung sức vì người bệnh

Đầu năm 2017 đến nay, tuổi trẻ thành phố Đà Nẵng đã tổ chức 7 ngày hội hiến máu, tiếp nhận hơn 4.000 đơn vị máu phục vụ cấp cứu bệnh nhân tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố trong những ngày cận Tết và trong Tết. Trong đó, đóng góp vào số lượng này phần lớn là học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn như: Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Bách khoa, Trường Cao đẳng Công nghệ (Đại học Đà Nẵng); Trường Đại học Duy Tân; Trường Đại học Kỹ thuật Y - dược; Trường Cao đẳng Thương mại.

Theo đánh giá của Trung ương Hội Chữ thập đỏ, nhiều năm qua, Đà Nẵng là địa phương có tỷ lệ người dân tham gia hiến máu tình nguyện cao nhất cả nước, trong đó lực lượng thanh niên đóng vai trò quan trọng. Tính riêng năm 2016, tuổi trẻ thành phố Đà Nẵng đã hiến trên 23.000 đơn vị máu, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu máu cấp cứu và điều trị tại các cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, hiện thành phố có trên 650 thành viên thuộc 20 đội hiến máu dự bị và các CLB hiến máu tình nguyện sẵn sàng tham gia hiến máu đột xuất khi có yêu cầu. Được biết, năm 2016, các thành viên này đã hiến đột xuất trên 75 đơn vị máu hiếm, kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân bị xuất huyết và bệnh nặng.

Không chỉ lan tỏa trong giới trẻ, Chủ nhật đỏ cũng trở thành ngày hội lớn của nhiều gia đình, dòng họ tại Đà Nẵng. Xem hiến máu như việc làm thiện nguyện hằng tháng, gia đình ông Thi Lý Bình (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) được người dân gọi là “Gia đình 113” (gia đình phản ứng nhanh với các trường hợp cần máu gấp).

Từ năm 1999 đến nay, riêng ông Bình đã hiến hơn 60 đơn vị máu và nhiều lần tham gia hiến đột xuất tiểu cầu cho những trường hợp khẩn cấp. Cùng với đó, ông Bình cũng thường xuyên vận động anh em, dâu, rể trong gia đình tham gia hiến máu tình nguyện do địa phương tổ chức.

Với tấm lòng vì mọi người, ông tâm niệm không bao giờ để người bệnh cảm thấy nặng lòng, biết ơn người đã cho máu nên sau những lần hiến máu cứu người, gia đình ông hầu như không để lại thông tin, số điện thoại liên lạc cho gia đình, người nhà bệnh nhân.

Theo dự báo của khoa Huyết học và Truyền máu-Bệnh viện Đà Nẵng, giai đoạn 2016-2020, thành phố cần khoảng 200.000 đơn vị máu phục vụ công tác chữa bệnh, cứu người. UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện và hội, đoàn thể mở rộng thành viên tham gia hiến máu, phấn đấu đến năm 2020, việc hiến máu tình nguyện đáp ứng 100% nhu cầu máu, đạt 3,5% dân số tham gia hiến máu tình nguyện và 60% hiến máu nhắc lại.

Bài và ảnh: TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.