Bảo đảm nước sinh hoạt cho Đà Nẵng: Điều tiết lại lưu lượng nước sông Quảng Huế

.

Xây dựng lại quy trình vận hành liên hồ chứa cùng quy trình vận hành hệ thống công trình đập dâng An Trạch linh hoạt hơn và công trình hạn chế lưu lượng dòng chảy tại sông Quảng Huế để bảo đảm cấp nước sinh hoạt; xây dựng đập ngăn mặn ở sông Cầu Đỏ và hồ chứa nước Sông Bắc… Đó là đề xuất của các nhà khoa học và đại diện doanh nghiệp tại hội thảo “Môi trường nước tại Đà Nẵng - thực trạng và giải pháp”, do Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 22-12.

Do tỷ lệ phân lưu nước từ sông Vu Gia chảy về sông Thu Bồn rất lớn nên các nhà khoa học đề nghị nghiên cứu xây dựng lại công trình điều tiết nước sông Quảng Huế.  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Do tỷ lệ phân lưu nước từ sông Vu Gia chảy về sông Thu Bồn rất lớn nên các nhà khoa học đề nghị nghiên cứu xây dựng lại công trình điều tiết nước sông Quảng Huế. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo TS. Tô Thúy Nga (Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng), tính toán cân bằng nước và thủy lực xâm nhập mặn cho thấy, tổng lượng nước mặt về cửa sông Hàn luôn đáp ứng nhu cầu sử dụng nước về lượng (kể cả khi kiệt nhất), nhưng không đáp ứng được về chất, nhất là độ mặn, nên trong một số trường hợp, Nhà máy nước Cầu Đỏ không thể lấy nước trực tiếp từ sông Cầu Đỏ mà phải bơm từ đập dâng An Trạch về. Khi thủy điện Đăk Mi 4 chuyển dòng làm trữ lượng nước phía sông Thu Bồn tăng lên, phía sông Vu Gia giảm đi, độ mặn ở hạ du sông Vu Gia tăng lên, nhưng độ mặn ở sông Thu Bồn cũng không giảm.

“Nước từ thượng nguồn về hạ du về ít và độ mặn của sông Cầu Đỏ gia tăng là do biến đổi khí hậu, rừng đầu nguồn bị tàn phá nhiều, sự phát điện gián đoạn trong ngày của các nhà máy thủy điện, xây dựng đập bổi thủy lợi ở sông Tứ Câu…

Vì thế, cần xây dựng lại quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn cùng quy trình vận hành hệ thống công trình đập dâng An Trạch sao cho linh hoạt hơn; xây dựng công trình hạn chế lưu lượng nước từ sông Vu Gia chảy về sông Thu Bồn tại cửa sông Quảng Huế để nâng cao khả năng bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng”, TS. Tô Thúy Nga đề xuất.

Ông Hồ Minh Nam, Phó Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng cho hay, thời gian qua, nguồn nước tại sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn, trong thời gian bị nhiễm mặn nặng chỉ đáp ứng 70% nhu cầu nước sinh hoạt của thành phố. Hơn nữa, việc vận hành xả nước phát điện của các nhà máy thủy điện ở lưu vực Vu Gia - Thu Bồn chưa đáp ứng được nhu cầu cấp nước. Bên cạnh đó, các dự án xây dựng mới các nhà máy nước chậm tiến độ nên chưa đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thành phố.

Để chủ động nguồn cấp nước sinh hoạt cho thành phố, trong những năm qua, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng kịp thời kiến nghị các cơ quan chức năng đề nghị nhà máy thủy điện phối hợp vận hành xả nước về để đẩy mặn.

Xây dựng phương án thi công đập ngăn mặn, giữ ngọt ở sông Cầu Đỏ để khai thác nguồn nước sông Cầu Đỏ và sông Túy Loan. Nghiên cứu xây dựng hồ chứa trên sông Bắc để khai thác nguồn nước sông Cu Đê cấp nước thô cho Nhà máy nước Hòa Liên.

“Một khó khăn hiện nay của công ty là tỷ lệ thất thoát nước lên đến 15% do đường ống đã xây dựng lâu năm, đường ống bị xì, vỡ… Trong những năm qua, công ty đã cố gắng truyền thông sử dụng nước tiết kiệm, đồng thời thường xuyên nâng cấp đường ống, kịp thời khắc phục xì, vỡ. Nhờ vậy, có thêm khoảng 3.000m3/ngày để cấp nước sạch cho người dân thành phố”, ông Hồ Minh Nam cho biết.

Trước thực tế tỷ lệ phân lưu nước từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn cao, một số nhà khoa học đề xuất thành phố làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Quảng Nam kiểm tra lại hiệu quả của đập điều tiết nước sông Quảng Huế và nghiên cứu xây dựng lại để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho Đà Nẵng.

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.