Truyền thống lịch sử

Nguồn lực của sự phát triển

.

Đương thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” [1942]. Câu nói này không đơn thuần chỉ là cần biết - hiểu lịch sử của quê hương - Tổ quốc, mà nó bao hàm sự tinh tường trong việc hiểu quá khứ để có hành động xứng đáng cho hiện tại và tương lai.

Và chính câu nói “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong tình thế đất nước “ngàn cân treo sợi tóc” [1946] của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng - một người con ưu tú, có uy tín và từng trải của vùng đất xứ Quảng là một minh chứng sống động cho điều này.

Phút gặp gỡ đầu tiên giữa quân giải phóng với các lực lượng nổi dậy trong thành phố Đà Nẵng ngày 29-3-1975. (Ảnh tư liệu)
Phút gặp gỡ đầu tiên giữa quân giải phóng với các lực lượng nổi dậy trong thành phố Đà Nẵng ngày 29-3-1975. (Ảnh tư liệu)

Bài học lịch sử lấy cái bất biến - tức là nền độc lập dân tộc, lợi ích tối thượng của quốc gia và cuộc sống ngày càng ấm no của nhân dân làm phương chỉ nam cho mọi hành động cách mạng, xét cho cùng là dựa trên nền tảng giá trị tư tưởng, mà lịch sử đem lại.

Thành phố Đà Nẵng, nơi “đầu sóng ngọn gió” đã hai lần là nơi đầu tiên những kẻ ngoại xâm đổ quân để xâm lược nước ta, đó cũng là nơi có phong trào Cần Vương mạnh mẽ, là nơi khởi nguồn của phong trào Duy Tân với những yếu nhân kiệt xuất; là vùng đất cảng đón nhận nhiều sách báo tiến bộ… để tiến đến việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam [1930]. Có thể nói, bề dày lịch sử đó đã hun đúc, dựng xây nên dáng vóc của một thành phố hiện đại Đà Nẵng ngày nay.

Tiếp nối tinh thần vì quê hương, đất nước của bao thế hệ cha ông, 20 năm qua, Thành ủy Đà Nẵng không ngừng chú trọng việc tăng cường công tác giáo dục, phát huy truyền thống lịch sử địa phương và xem đây là một nguồn lực của sự phát triển của thành phố.

Với tinh thần đó, trong năm 2017, thành phố đã có nhiều các hoạt động phát huy truyền thống nổi bật, trở thành một đợt sinh hoạt tư tưởng - văn hóa sâu rộng và có tính nhân văn cao. Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Đặc Khu ủy Quảng Đà (1967-2017), thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa sâu sắc như: tổ chức hội thảo khoa học về vai trò của Đặc Khu ủy Quảng Đà, mít-tinh kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đặc Khu ủy Quảng Đà; tôn tạo và khánh thành khu di tích căn cứ Hòn Tàu… đã tạo được sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng nhân dân và các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Đặc khu Quảng Đà xưa.

Song hành với các hoạt động đó, để thế hệ sau có dịp tìm hiểu, ôn lại truyền thống cách mạng “trung dũng kiên cường”, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (1925-2015)”, nhằm củng cố niềm tin, xây dựng tinh thần trách nhiệm và “tự vấn - ôn cố tri tân” của cán bộ, đảng viên và mỗi người dân thành phố trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương trong thời kỳ mới.

Cuộc thi nhận được sự hưởng ứng rộng khắp từ các địa phương, đơn vị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố. Qua 3 tháng, Ban tổ chức đã nhận được 26.321 bài dự thi của 25 đơn vị trực thuộc. Với phần thi trắc nghiệm, có 267 người dự thi trả lời đúng 40/40 câu hỏi; nhiều bài thi tự luận có chất lượng, thể hiện tinh thần học hỏi, tìm tòi của người tham gia, nhất là những cán bộ, công chức trẻ; giáo viên, học sinh, sinh viên - điều này thể hiện việc học lịch sử không nhàm chán như thực trạng thời gian qua, nếu chúng ta có cách làm phù hợp và tạo được cảm xúc.

Đa số các bài dự thi đã đánh giá rất cao các thành tựu của thành phố trong thời gian qua gắn liền với việc thực hiện chương trình “Thành phố 5 không, 3 có”, đề ra các chiến lược đột phá về kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị, về những hoạt động của thành phố trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, dấu ấn sâu đậm của cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đối với sự phát triển của thành phố…

Cuộc thi cho thấy rất nhiều người rất am hiểu lịch sử thành phố Đà Nẵng, bài viết của họ thấm đẫm tinh thần tự hào truyền thống quê hương; họ nắm rõ những khó khăn, gian khổ của quá trình đi lên của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc tại Đà Nẵng, cũng như những chủ trương, quyết sách để phát triển Đà Nẵng trong suốt 40 năm qua.

Từ cơ sở đó, người tham gia cuộc thi đã đóng góp nhiều ý kiến rất xác đáng trong bối cảnh thành phố xảy ra một vài sự việc không hay song trên hết vẫn là tinh thần thẳng thắn, chân thành, lấy các bài học lịch sử, truyền thống tốt đẹp của quê hương để “nhắn nhủ” với lãnh đạo thành phố, tiếp tục đưa ra các quyết sách nhằm giữ vững và phát huy các thành tựu đã đạt được.

Nhiều ý kiến tâm huyết từ các bài luận có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, như thôi thúc, giục giã hơn nữa quá trình xây dựng và phát triển của thành phố hôm nay, tất cả vì mục tiêu chung là đưa thành phố Đà Nẵng trở thành một đô thị phát triển của cả nước và khu vực ASEAN.

Nhiều kiến nghị cho rằng, thành phố cần tập trung thực hiện tốt các đột phá chiến lược đã xác định, tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu, dựa trên ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển Đà Nẵng theo đô thị du lịch biển và giao thương hàng hải; phát triển đô thị xanh - bền vững, bảo tồn và phát huy bản sắc địa phương, gắn liền với không gian thiên nhiên núi đồi, biển đảo, sông hồ.

Và chỉ khi làm được như vậy, mới xứng đáng với các thế hệ đi trước đã cống hiến biết bao máu xương, mồ hôi, công sức của mình cho nền độc lập dân tộc và khát vọng vươn lên của Đà Nẵng. Cuộc thi đã cho ta thấy: lịch sử vốn thiêng liêng và đáng trân quý, nhất là lịch sử địa phương; sự “yêu - ghét” rất rõ ràng của nhân dân đối với từng con người, sự kiện trong các giai đoạn lịch sử của Đà Nẵng. Đây cũng là dịp để chúng ta ôn lại những bài học lịch sử, tự soi mình trước tấm gương lịch sử của tiền nhân, để vững tin, tiếp bước về phía trước.

Trong thời gian tới, qua những gì đã đạt được trong công tác phát huy truyền thống lịch sử của năm 2017, nhất là thông qua hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập Đặc Khu ủy Quảng Đà và Cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ thành phố (1925-2015); trước tiên là trong năm 2018, với các sự kiện kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, kỷ niệm 160 năm trận đầu đánh Pháp (1858-2018), kỷ niệm 110 năm phong trào kháng thuế và Duy Tân..., là những sự kiện lịch sử lớn không chỉ của riêng thành phố Đà Nẵng mà là của cả dân tộc.

Do đó, thành phố sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện các hoạt động kỷ niệm, trong đó chú ý đến việc đổi mới nội dung, hình thức thể hiện phát huy truyền thống lịch sử trong thời đại công nghiệp 4.0. Cần xây dựng các bộ phim tài liệu về đề tài lịch sử - văn hóa, để hình ảnh hóa lịch sử nhằm truyền tải giá trị lịch sử của thành phố đến với đa số quần chúng nhân dân.

Đây cũng trở thành một kênh thông tin quảng bá hình ảnh Đà Nẵng gắn kết với thu hút du lịch và đầu tư. Cần đưa lịch sử địa phương vào nhà trường với các hình thức phù hợp, không đơn thuần là đưa vào tiết giảng nội khóa, có thể tổ chức học ngoại khóa hoặc lồng ghép vào chương trình hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên.

Cần đẩy mạnh việc tôn tạo các di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp thành phố với một vị trí vốn có, trang trọng; nhất là tổ chức để các em học sinh, sinh viên có các chuyến du lịch về nguồn, học lịch sử địa phương từ chính các di tích lịch sử. Các địa phương cần đẩy mạnh công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử địa phương giai đoạn 40 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975-2015), sau khi đã được Thường trực Thành ủy hỗ trợ kinh phí.

Có thể nói rằng, 20 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã phát huy hiệu quả truyền thống cách mạng trung dũng kiên cường, tư duy năng động, sáng tạo của cha ông, để tạo ra những thay đổi diệu kỳ và toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, làm nên diện mạo mới cho thành phố bên sông Hàn.

Đó cũng chính là nhờ phát huy một cách sống động bài học lịch sử, là sự vận dụng linh hoạt tư tưởng “canh tân” của tiền nhân trong tình hình mới, là kết quả của việc luôn xem lịch sử là một nguồn lực phát triển thành phố Đà Nẵng hôm nay.

Từ ngày 1-8-2017 đến hết ngày 31-10-2017, cuộc thi “Tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (1925-2015)” đã nhận được 26.321 bài dự thi của 25 đơn vị trực thuộc. Nhiều Quận, Huyện ủy đã tổ chức tốt cuộc thi và có lượng người tham gia đông như Quận ủy Liên Chiểu (4.086 bài), Quận ủy Sơn Trà (3.713 bài), Quận ủy Hải Châu (3.548 bài), Huyện ủy Hòa Vang (2.966 bài); khối sở, ban, ngành như Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố (5.270 bài).

LƯU ANH RÔ

;
.
.
.
.
.