10 năm, 918 người bị xử lý do để xảy ra tham nhũng

.

ĐNO - Thông tin trên được đưa ra tại phiên bế mạc hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN - sửa đổi) do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tại Đà Nẵng trong 2 ngày 19 và 20-3.   

TS. Nguyễn Danh Tú, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học lập pháp (Viện Nghiên cứu Lập pháp) cho biết, theo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN, cả nước có 918 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

Trong đó, xử lý hình sự 118 trường hợp; xử lý kỷ luật 800 trường hợp. Trong năm 2017, có 39 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp.

Việc xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng chưa đúng tiến độ đề ra, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp. Trong khi đó, PGS.TS Vũ Công Giao, Khoa Luật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh đến công tác bảo vệ người tố cáo (BVNTC).

Theo PGS.TS Vũ Công Giao, tố cáo là một trong những đầu mối để điều tra các vụ việc về tham nhũng cũng như các vụ việc tiêu cực khác. Do đó, BVNTC tham nhũng giúp duy trì, củng cố công cụ tố cáo, đặc biệt là kiểm soát tham nhũng hiệu quả hơn. Vì vậy, cần phải hoàn thiện pháp luật về BVNTC gắn liền với việc nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ người tố cáo.

Phát biểu tổng kết hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh, PCTN là việc của mọi quốc gia; đây là cuộc chiến lâu dài, khó khăn. Vì vậy, hội thảo là diễn đàn để tìm ra những hướng đi mới, giải pháp mới nhằm nâng cao hiệu quả công cuộc PCTN trong thực tiễn. 

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.
.